Phátbiểu tại Hội nghị quán triệt Nghị quyết số 24-NQ/TW của BCT về phát triển vùng Đông Nam Bộngày 23.10, Bộ trưởng Nguyễn Thanh nghị cho biết, dân số toàn vùng hiện khoảng 18,3 triệu người. Trong đó có 14,9 triệu người ở khu vực đô thị, đạt tỷ lệ đô thị hóa 67,3% - cao nhất trong các vùng kinh tế - xã hội của cả nước và cao hơn nhiều tỷ lệ đô thị hóa bình quân chung cả nước năm 2022 là 41%.
Hệ thống đô thị vùng Đông Nam Bộ đã được phát triển và phân bố tương đối hợp lý, đang từng bước hình thành sự liên kết mang tính hệ thống giữa các đô thị trong vùng. Chất lượng đô thị không ngừng nâng lên, góp phần nâng cao chất lượng sống của người dân. Hệ thống hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội đô thị được quan tâm đầu tư hoàn chỉnh, cơ bản đáp ứng yêu cầu của người dân đô thị.
Đến năm 2021, vùng Đông Nam Bộ có tỷ lệ nhà ở kiên cố và bán kiên cố đạt 98,4%. Tỷ lệ dân số đô thị được cung cấp nước sạch đạt 94%. Tỷ lệ thu gom, xử lý chất thải rắn sinh hoạt đô thị đạt 95%.
Bên cạnh đó, vùng Đông Nam Bộ đang phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức làm hạn chế tiềm năng, thế mạnh và sự phát triển đô thị.
Dân số cơ học tăng nhanh tạo sức ép lớn
Thách thức đầu tiên là tốc độ tăng trưởng dân số cơ học nhanh, mật độ dân số đô thị lớn, tạo sức ép rất lớn cho hạ tầng kỹ thuật và việc giải quyết các vấn đề về nhà ở, y tế, giáo dục, an sinh xã hội.
Hạ tầng giao thông liên tỉnh chưa được đầu tư đồng bộ. Các tuyến đường vành đai quan trọng chưa được tập trung đầu tư, khép kín. Hạ tầng giao thông đô thị chưa đáp ứng được nhu cầu và còn có sự chênh lệch giữa các tỉnh, thành phố.
Thách thức của biến đổi khí hậu ngày càng rõ, thời tiết cực đoan, đặc biệt là tình trạng ngập lụt do triều cường, xâm nhập mặn… xuất hiện ngày càng nhiều, trong khi hạ tầng kỹ thuật đô thị chưa đáp ứng nhu cầu đặt ra. Việc kiểm soát khai thác nước ngầm; thu gom và quản lý nước thải, chất thải rắn, kiểm soát ngập lụt còn mang tính cục bộ. Việc quản lý ô nhiễm môi trường do chất thải công nghiệp và đô thị còn gặp khó khăn.
Mối quan hệ vùng và liên vùng còn chưa được quan tâm thỏa đáng. Các thể chế, chính sách liên kết cũng như hệ thống giải pháp và các hình thức tổ chức quản lý trên phương diện vùng và liên vùng chưa được quan tâm, nghiên cứu nhiều; chưa xây dựng được chính sách tổng thể về liên kết vùng.
Phát triển đô thị là động lực phát triển vùng
Bộ trưởng Nguyễn Thanh Nghị nhấn mạnh: “Trong bối cảnh phát triển của vùng Đông Nam Bộ trong giai đoạn hiện nay với nhiều thuận lợi và thách thức đan xen, phát triển đô thị vẫn luôn được coi là động lực của phát triển của vùng, và là một nội dung trong 6 nhóm nhiệm vụ và giải pháp của Nghị quyết số 24 của Bộ Chính trị”.
Để thực hiện tốt các nhiệm vụ về phát triển đô thị Vùng Đông Nam Bộ theo Nghị quyết 24, Bộ Xây dựng xác định cần tổ chức thực hiện đồng bộ các nhiệm vụ.
Thứ nhất, về quy hoạch, định hướng phát triển hệ thống đô thị, phân vùng chức năng và tổ chức các không gian kinh tế đô thị: phát triển vùng với mô hình tập trung - đa cực, đảm bảo sự thống nhất, cân bằng trong phát triển vùng và thích ứng với những ảnh hưởng của biến đổi khí hậu.
Phát triển đô thị theo các đầu mối giao thông lớn, phát triển các đô thị vệ tinh kết nối thuận lợi với các trung tâm với hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội đồng bộ, giảm tải cho các đô thị lớn, đô thị trung tâm, các cực tăng trưởng.
Hạn chế mở rộng phát triển đô thị trên diện rộng, đặc biệt tại các khu vực chịu ảnh hưởng của biến đổi khí hậu.
Phát triển có trọng tâm, trọng điểm việc xây dựng hệ thống đô thị ven biển của vùng trở thành các trung tâm kinh tế trên địa bàn vùng, là các hạt nhân lan tỏa thúc đẩy phát triển kinh tế của cả vùng và các vùng lân cận…
Các nội dung trên cần được cập nhật, cụ thể hóa trong quá trình lập Quy hoạch Vùng Đông Nam Bộ thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 cũng như các quy hoạch tỉnh đang được lập tại các tỉnh, thành phố trong Vùng.
Quy hoạch khu công nghiệp phải bố trí đất làm nhà lưu trú
Thứ hai, về chính sách phát triển nhà ở, công trình xã hội. Nhu cầu nhà ở, đặc biệt là nhà ở xã hội tại vùng Đông Nam Bộ là lớn nhất cả nước. Do đó, cần đưa các chỉ tiêu về phát triển nhà ở, trong đó có chỉ tiêu bắt buộc về phát triển nhà ở xã hội vào hệ thống chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội 5 năm, hàng năm của các tỉnh trong Vùng.
Cần quy định Quy hoạch, bố trí quỹ đất phát triển nhà ở xã hội, nhà lưu trú công nhân theo hướng khi lập, phê duyệt quy hoạch khu công nghiệp phải bố trí quỹ đất để làm nhà lưu trú, công trình dịch vụ, tiện ích công cộng phục vụ người lao động làm việc tại các doanh nghiệp trong khu công nghiệp đó.
Thứ ba, về đầu tư, phát triển hệ thống hạ tầng đô thị, phát triển đô thị thông minh, hiện đại, quản lý đô thị: Nghiên cứu, thực hiện đầu tư có trọng tâm trọng điểm các đô thị có khả năng chống chịu, giảm phát thải, đô thị xanh, thông minh, có bản sắc và hoàn thiện hạ tầng đô thị.
Đầu tư các dự án hạ tầng kỹ thuật đầu mối, các dự án cấp nước, xử lý nước, rác thải liên vùng theo quy hoạch vùng. Đầu tư khép kín các đường vành đai, đường xuyên tâm, hệ thống giao thông công cộng đồng bộ.
Đến năm 2025 hoàn thiện các tiêu chuẩn đô thị về cơ sở hạ tầng đô thị, nhất là hạ tầng về y tế, giáo dục, đào tạo và công trình văn hoá cấp đô thị của các đô thị loại III trở lên.
Đến năm 2030, cơ bản giảm thiểu tình trạng ngập úng và ùn tắc giao thông; cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ gắn với cải tạo, chỉnh trang đô thị; cải tạo chỉnh trang các khu dân cư ven kênh rạch gắn với tái định cư; hình thành mới các trục không gian cảnh quan kiến trúc đặc thù của đô thị; bảo tồn, tôn tạo khu vực công trình kiến trúc có giá trị; phát triển các không gian công cộng đô thị.
“Thời gian tới, thực hiện Nghị quyết 24 của Bộ Chính trị, Bộ Xây dựng sẽ phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành và các địa phương trong vùng để tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện chính sách, pháp luật về đất đai, đầu tư, quy hoạch, phát triển đô thị, kiến trúc, xây dựng, theo hướng bảo đảm kết hợp đồng bộ và hài hoà giữa cải tạo, chỉnh trang, tái thiết đô thị với phát triển các đô thị mới, bảo đảm kiến trúc đô thị hiện đại, giàu bản sắc, các yếu tố văn hóa đặc trưng được giữ gìn và phát huy”.
Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị