Thiếu cả than và khí đốt…
Đại diện Tập đoàn Than - Khoáng sản Việt Nam (TKV) cho biết, nhu cầu than cho sản xuất điện đến năm 2020 là 60 triệu tấn và năm 2025 cần 86 triệu tấn. Tuy nhiên, trữ lượng than đang cạn dần và việc khai thác than trong nước gặp nhiều khó khăn, dẫn đến việc không bảo đảm sản lượng dự kiến. Năm 2016 - 2017, mục tiêu sản lượng khoảng 41 - 44 triệu tấn, nhưng thực tế chỉ đạt khoảng 38 triệu tấn. Hệ lụy là lượng than nhập khẩu tăng mạnh từ 3 triệu tấn năm 2014 lên gần 20 triệu tấn năm 2018.
Việt Nam không chỉ phải nhập khẩu than. Sau năm 2020, nhu cầu khí thiên nhiên hóa lỏng (LNG) trong nước sẽ thiếu khoảng 10 triệu tấn. Để hóa lỏng khí tự nhiên thành LNG cho sản xuất điện đòi hỏi chuẩn bị cơ sở hạ tầng công nghệ cao, với nguồn vốn đầu tư rất lớn. Hiện nay nước ta mới chỉ có nhà máy sản xuất LPG nên chưa thể đáp ứng đủ nhu cầu trong nước. PVN cũng cho biết, hiện đơn vị này vẫn chỉ khai thác dầu khí tại những mỏ cũ. Do đó sản lượng khai thác hàng năm càng hạn hẹp.
…nguồn cung ứng điện lao đao
Theo Quy hoạch điện VII đã được điều chỉnh, cả nước cần tới 60.000MW vào năm 2020, năm 2025 cần 96.500MW và đến năm 2030 là 129.500MW. Như vậy, tổng công suất nguồn điện cần đưa vào vận hành từ nay đến năm 2030 bình quân tăng thêm 6.000 - 7.000MW/năm.
Theo báo cáo của ngành điện, năm 2018, tổng công suất nguồn điện cả nước mới đạt 47.750MW, với sản lượng điện thương phẩm là 192,1 tỷ kWh. Trưởng ban Chiến lược, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) Trần Việt Anh thừa nhận “trong 12 năm tới làm thế nào để đưa được công suất 129.500MW và điện lượng 570 tỷ kWh là thách thức lớn”. Trên thực tế, nhiều dự án trong Tổng sơ đồ điện VII điều chỉnh đang chậm tiến độ, dẫn tới có khả năng từ những năm 2020 - 2025 việc thiếu điện sẽ xảy ra.
Đại điện EVN cũng cho biết, hiện mới có 7 dự án nhiệt điện than, công suất 7.860MW được triển khai xây dựng. Như vậy, còn khoảng 18.000MW trên tổng số 26.000MW của các dự án nhiệt điện than dự kiến vận hành trong thời gian tới nhưng đến nay chưa khởi công.
Theo Quy hoạch Điện VII điều chỉnh, tổng công suất nhiệt điện than đến 2020 khoảng 25.600MW, đến 2030 khoảng trên 55.000MW. Điều này kéo theo, tổng lượng than sử dụng cho các nhà máy nhiệt điện than cũng tăng lên khá lớn. Dự tính đến 2030, tổng lượng than dùng cho nhiệt điện khoảng trên 130 triệu tấn/năm. Trong đó, than trong nước chỉ có thể cung cấp được trên dưới 40 triệu tấn. Như vậy than nhập khẩu tăng lên khoảng 80 - 90 triệu tấn.
Từ năm 2015, Việt Nam đã chuyển từ nước xuất khẩu sang nhập khẩu năng lượng. Theo dự báo, năm 2030 tỷ lệ năng lượng nhập khẩu nước ta tăng lên 50%, nguy cơ mất an ninh năng lượng đang cận kề. Theo Chủ tịch Hiệp hội Năng lượng Việt Nam Trần Viết Ngãi, để bảo đảm an ninh năng lượng, cần rà soát các dự án điện, khí, than, nêu rõ dự án nào chậm tiến độ để khắc phục ngay, dự án nào chưa khởi động thì triển khai, dự án nào đang nằm trên giấy. Về cung ứng than cho điện, theo ông, cần phải cân đối được tỷ lệ nguồn điện để từ đó có giải pháp phù hợp; đồng thời phải có chiến lược cho việc nhập khẩu than. Ông cũng kiến nghị có thể bảo lãnh vay vốn cho các dự án điện để đưa vào triển khai xây dựng và vận hành. Bởi các dự án này lợi nhuận thu lại không cao, giá bán điện thấp, nên khó thu hút đầu tư nước ngoài và cần có các giải pháp đặc biệt.