Thuyền đã ghi dấu trong nhiều khía cạnh của lịch sử
Phát biểu đề dẫn tại hội thảo, PGS.TS. Trần Đức Cường - Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam nhấn mạnh, thuyền đã ghi dấu trong nhiều khía cạnh của lịch sử, có vai trò quan trọng trong sự phát triển kinh tế, xã hội của Việt Nam, thu hút sự quan tâm nghiên cứu của nhiều nhà khoa học.
Với ý nghĩa như vậy, Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam hợp tác cùng Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, ĐHQGHN, mà trực tiếp là Nhóm nghiên cứu mạnh Biển và Thương mại châu Á tổ chức hội thảo khoa học với chủ đề “Các loại hình thuyền và phương thức sử dụng thuyền trong lịch sử Việt Nam”.
Phát biểu tham luận mở đầu Hội thảo, GS.TS. Nguyễn Văn Kim - Trưởng Nhóm Nghiên cứu Biển và Thương mại châu Á cho biết: "Với vai trò là Nhóm nghiên cứu mạnh cấp Đại học Quốc gia Hà Nội, Nhóm đã tổ chức thành công 4 Hội thảo khoa học về các không gian biển Việt Nam. Kết quả của các cuộc Hội thảo đã có nhiều đóng góp khoa học về vai trò, vị thế biển Việt Nam đặc biệt là trên phương diện bang giao và quan hệ thương mại.
Các kết quả nghiên cứu cũng đã có nhiều đóng góp thực tiễn cho các bộ ngành và địa phương trong việc bảo tồn, phát huy giá trị của các di sản văn hóa. Tiếp nối những thành tựu đó, Hội thảo nghiên cứu về thuyền, phương thức sử dụng thuyền trong lịch sử Việt Nam nhằm hướng đến những cách tiếp cận mới, liên ngành về tiền đề, bối cảnh phát triển của các phương tiện đi trên sông, biển; loại hình và đặc trưng của thuyền; vai trò của thuyền trong đời sống chính trị, kinh tế, bang giao và văn hóa,…".
Hội thảo đã nhận được 23 báo cáo có hàm lượng khoa học cao đến từ các nhà khoa học uy tín tại các trường đại học, viện nghiên cứu trong cả nước như: Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, ĐHQGH, Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam, Bảo tàng Dân tộc học, Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam, Trung tâm Quản lý Bảo tồn Di sản văn hóa Hội An, Trường Đại học Hà Nội, Trường Đại học Đại Nam, Trường Đại học Đông Á,…
Đánh giá cao giá trị của hội thảo, GS.NGND Vũ Dương Ninh - Nguyên Chủ nhiệm Khoa Quốc tế học, Chủ tịch Hội Cựu giáo chức Trường ĐH KH Xã hội và Nhân văn, ĐH Quốc gia Hà Nội cho rằng, Hội thảo đã được chuẩn bị công phu, có nhiều cách tiếp cận và điểm mới về học thuật. Các ý kiến nêu ra về vai trò, chức năng của thuyền; quá trình phát triển của thuyền qua các thời đại lịch sử; tri thức về kỹ thuật đóng thuyền đã được thể hiện sâu sắc trong các bài viết và ý kiến trình bày tại Hội thảo. Đây là những góc nhìn mang tính thời sự và giá trị khoa học cao.
PGS.TS. Phạm Mai Hùng - Phó Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam bày tỏ: “Việt Nam có hệ thống sông ngòi dày đặc từ Bắc chí Nam, với bờ biển dài và hệ thống cảng biển dày đặc. Từ đấy cho thấy, vị thế của thuyền là rất quan trọng không chỉ xây dựng và phát triển kinh tế quốc gia mà còn là bảo vệ đất nước. Qua nội dung hội thảo, ở góc nhìn bảo tồn di sản văn hóa, chúng tôi coi thuyền của Việt Nam cũng là một loại hình di sản, có giá trị đặc biệt ở phương diện vật thể và phi vật thể. Qua những giá trị khoa học mà hội thảo mang lại, công chúng được hiểu thêm về vai trò của di sản này trong lịch sử phát triển kinh tế, xã hội, văn hóa và bảo vệ chủ quyền của đất nước”.
Từ các vấn đề nghiên cứu, các nhà khoa học có cơ sở để đề xuất với các cơ quan hữu quan về việc có những giải pháp để bảo tồn, tổ chức các trưng bày chuyên đề về thuyền, xây dựng bảo tàng chuyên đề về thuyền và lịch sử phát triển của thuyền tại Việt Nam, vừa mang giá trị bảo tồn vừa mang giá trị giáo dục lớn.
Nhiều góc nhìn khoa học mới về thuyền và phương thức sử dụng thuyền trong lịch sử Việt Nam
Hội thảo chia làm 3 phiên: Thuyền và các loại hình thuyền trong lịch sửa Việt Nam; Thuyền và các loại hình thuyền trong không gian và thời gian; Thuyền và các loại hình thuyền: Vấn đề văn hóa, kinh tế và chính trị khu vực. Các nhà khoa học đã mang tới hội thảo những góc nhìn đa dạng, mới mẻ về thuyền trong lịch sử của dân tộc ở rất nhiều khía cạnh khác nhau.
Trong báo cáo trung tâm với chủ đề “Thuyền và vai trò của Thuyền trong lịch sử Việt Nam”, GS.TS. Nguyễn Văn Kim - Trưởng nhóm Nghiên cứu Biển và Thương mại châu Á đã tập trung phân tích những đặc tính của điều kiện tự nhiên Việt Nam – Đông Nam Á đã tác động đến đời sống của các cộng đồng cư dân và luận giải vì sao, từ thời cổ đại nhiều cộng đồng dân tộc Việt Nam lại lựa chọn thuyền như là một phương tiện chính yếu. Hoạt động chế tác thuyền, sử dụng các loại hình thuyền trên cả ba không gian: châu thổ, rừng núi và sông, biển,… đã góp phần hợp thành, định diện truyền thống, bản sắc văn hóa, cơ sở kinh tế, tư duy, nếp sống của các thế hệ người Việt Nam.
Từ những bè mảng được chế tác từ lau sậy, bương, luồng (bamboo) và các loại gỗ nhẹ, đến các con thuyền độc mộc, thuyền ghép ván,... người ta đã chế ra các con thuyền đi trong sông, thuyền đi biển và cả loại thuyền pha sông - biển, thuyền xuyên đại dương.
Con thuyền đã được sử dụng với nhiều mục tiêu khác nhau, trong nhiều không gian tự nhiên, xã hội khác biệt. Người Việt đã tạo ra những phát minh quan trọng về thuyền từ kỹ thuật bánh lái, tài năng trong việc điều khiển cây xiếm và cơ chế sử dụng, điều khiển các cánh buồm đã đưa nhiều tộc người đến với các không gian biển xa để tiến hành các hoạt động bang giao, giao lưu kinh tế, trao truyền tri thức, kỹ thuật và văn hóa.
Theo GS.TS. Nguyễn Văn Kim, thuyền và các loại hình thuyền được phân lập thành: Thuyền đi trong sông, hồ (thuyền nước ngọt), thuyền đi trên biển (thuyền nước mặn) và thuyền pha sông biển (thuyền nước lợ, thích ứng với cả hai hệ sinh thái). Cũng có thể phân lập thành: Thuyền nhỏ, thuyền trung và thuyền lớn, tùy theo quan niệm, quy cách của mỗi quốc gia, triều đại. Lại cũng có thể phân định thành: Thuyền công, thuyền tư. Và cũng có: Thuyền giao thông, vận tải chuyên phục vụ cho các chuyến đò dọc, đò ngang, đi lại trên biển; thuyền chiến, thuyền bảo vệ chủ quyền biển đảo, thuyền ngoại giao (sứ thuyền) v.v... Trên phương diện văn hóa, cũng có những con thuyền thiêng, thuyền chuyên sử dụng trong các nghi lễ, thuyền của hoàng gia và thuyền của giới trung lưu, bình dân, thuyền đua, thuyền giao duyên trong các dịp lễ hội.
Trong thế giới tâm linh của các xã hội sông - biển, có những con thuyền thực và cũng có nhiều con thuyền ảo. Các con thuyền mang tính biểu tượng của thế giới thần linh (nhà mồ, nhà hình thuyền trên dải Cao Nguyên) trong ký ức xa xưa của nhiều cộng đồng về nguồn cội gắn với thế giới nước, đi lên từ nước. Các con thuyền cũng giúp người ta giao tiếp với thế giới của các vị thủy thần và cả những con thuyền luân chở linh hồn con người từ bến mê đến bến giác và xa hơn đến miền Cực lạc.
GS.TS. Nguyễn Văn Kim khẳng định, dưới góc độ lịch sử văn hóa, có thể coi sự hiện diện của thuyền và các phương tiện thủy là biểu tượng sinh động nhất về tinh thần sáng tạo của nền văn hóa truyền thống. “Từ xa xưa hẳn là nhiều cộng đồng người đã phải am tường, thông thuộc môi trường biển cả, sông nước nên mới có đủ bản lĩnh để vượt sông, tiến ra biển lớn. Họ cũng đã tiến hành những hải trình xuyên đại dương. Đó cũng là quá trình vượt lên chính mình để đến với những chân trời tự do, của sự an nhiên và thông tuệ” – Giáo sư Nguyễn Văn Kim nhấn mạnh.
Báo cáo tại hội thảo, TS. Trần Đức Anh Sơn - Trường Đại học Đông Á đã trình bày tham luận chuyên sâu về ngành đóng thuyền và tàu thuyền ở Việt Nam thời Nguyễn (Giai đoạn 1802 - 1883). Tác giả nhấn mạnh, hình ảnh con thuyền đã gắn chặt với đời sống vật chất và tinh thần của Việt Nam từ bao đời nay và đã trở thành một đề tài nghiên cứu quan trọng và hấp dẫn, được nhiều học giả trong và ngoài Việt Nam quan tâm nghiên cứu. Ngành đóng thuyền và sự phát triển của thuyền bè ở Việt Nam trong các thế kỷ XVII - XIX đã đạt được những thành tựu đáng kể nhờ vào chính sách ưu tiên của các chúa Nguyễn, của nhà Tây Sơn và của các vua triều Nguyễn, đặc biệt là các vua Gia Long và Minh Mạng. Tuy nhiên, khi các nước phương Tây với kỹ thuật vượt trội với những sáng chế ra những loại thuyền hiện đại hơn, du nhập vào Việt Nam bằng nhiều con đường khác nhau, đã làm cho ngành đóng thuyền của triều Nguyễn bị ngưng trệ và rơi vào suy thoái.
Từ những chứng cứ lịch sử trong báo cáo có tựa đề “Thuyền và truyền thống đi biển của Hải đôi Hoàng Sa - Bắc Hải”, PGS.TS. Trần Đức Cường - Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam nhấn mạnh, Việt Nam không chỉ có hệ thống sông ngòi chằng chịt, biển cả mà còn có các đảo và cụm đảo. Quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa là những vùng lãnh thổ lâu đời của Việt Nam. Từ trong lịch sử xa xưa, người Việt đã đóng được những con thuyền theo nhiều kích cỡ khác nhau, rất phong phú và chắc chắn và đủ điều kiện để làm phương tiện giao thông vận tải, phục vụ nhu cầu sinh kế, giao lưu buôn bán và cung cấp cho lực lượng vũ trang phương tiện để chiến đấu chống các thế lực xâm lược trên sông, hồ và biển cả.
Tiếp cận từ góc độ quân sự, TS Thượng tá Nguyễn Thanh Minh, Phó giám đốc Trung tâm Đào tạo và Bồi dưỡng nghiệp vụ Cảnh sát biển khẳng định: Lực lượng hải quân đóng vài trò chủ chốt trong cuộc đấu tranh bảo vệ Tổ quốc trong suốt chiều dài lịch sử, đặc biệt là bảo vệ chủ quyền biển đảo. Tôi kỳ vọng Nhóm nghiên cứu sẽ có nhiều nghiên cứu chuyên sâu, mở rộng thời gian nghiên cứu hơn về vấn đề đào tạo kĩ thuật đóng tàu thuyền, đặc biệt là tàu biển trong lịch sử cận hiện đại Việt Nam.
Tổng kết các giá trị đạt được của Hội thảo, GS.TS. Nguyễn Văn Kim đánh giá, hội thảo đã mang đến bức tranh tổng quát về vấn đề thuyền và các phương thức sử dụng thuyền trong lịch sử Việt Nam, với sự đóng góp của các giới học giả ở cả ba miền Bắc - Trung - Nam và tại các viện nghiên cứu, trường đại học.
Dự kiến, kỷ yếu hội thảo sẽ được xuất bản thành công trình nghiên cứu, thu hút sự quan tâm của giới khoa học, các cơ quan hữu quan, khẳng định uy tín, trình độ học thuật và tính chuyên sâu trong nghiên cứu của các nhà khoa học Việt Nam trong lĩnh vực này.
Nhóm Nghiên cứu Biển và Thương mại châu Á (Group of Maritime and Asian Commercial Studies, VNU) có lịch sử từ năm 1999 (khi đó có tên gọi là Nhóm Nghiên cứu Thương mại châu Á - Group of Asian Commercial Studies, USSH, VNU - được thành lập trên cơ sở một số thành viên của Bộ môn Lịch sử Thế giới (nay là Bộ môn Lịch sử Toàn cầu), Khoa Lịch sử, trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn. Trong quá trình phát triển, thành viên của Nhóm đã có sự mở rộng. Trải qua gần 25 năm phát triển, Nhóm đã đạt được một số thành tựu trong lĩnh vực nghiên cứu, đào tạo và hợp tác quốc tế.
Năm 2015, Nhóm Nghiên cứu Lịch sử và quan hệ thương mại châu Á chính thức được công nhận là một trong 21 Nhóm nghiên cứu mạnh của ĐHQGHN. Với những thành tích đạt đạt được, Nhóm đã khẳng định được vị thế hàng đầu trong lĩnh vực nghiên cứu và kết hợp giữa nghiên cứu, đào tạo với công bố các kết quả nghiên cứu.
Năm 2023, đổi tên thành Nhóm Nghiên cứu Biển và Thương mại châu Á và được ĐHQGHN tiếp tục công nhận Nhóm nghiên cứu mạnh của ĐHQGHN.