Theo Japantimes, trung tâm mới, dự kiến bắt đầu hoạt động sớm nhất vào năm tài chính 2025, là một phần trong hệ thống mới của Nhật Bản nhằm chống lại đại dịch tiếp theo cùng với nhiều tổ chức mới khác sẽ được thành lập. Đây là các “tổng hành dinh” trung ương ứng phó dịch bệnh nằm dưới sự giám sát của Ban Thư ký Nội và Vụ phòng chống dịch bệnh truyền nhiễm tại Bộ Y tế, Lao động và Phúc lợi Nhật Bản.
Phiên bản Nhật của CDC Mỹ sẽ kết hợp các chức năng phân tích, nghiên cứu và giám sát bệnh hiện do Viện nghiên cứu về bệnh truyền nhiễm quốc gia phụ trách với chức năng điều trị, nghiên cứu lâm sàng và hợp tác quốc tế do Trung tâm Y tế và sức khỏe toàn cầu quốc gia đảm nhiệm. Bằng cách tập hợp các cơ quan riêng biệt, trung tâm mới được thiết kế để phản ứng toàn diện ở từng giai đoạn, từ thu thập dữ liệu đến cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe.
Trung tâm này cũng sẽ báo cáo các ý kiến của chuyên gia khoa học cho Thủ tướng và Bộ trưởng Y tế, đồng thời đưa ra quan điểm của riêng mình cho cơ quan đối phó với dịch bệnh của Chính phủ. Theo giới chức Nhật Bản, đại dịch Covid-19 nêu bật nhu cầu ra quyết định nhanh hơn, phối hợp nhịp nhàng hơn giữa các cơ quan chính phủ, chính quyền thành phố và truyền thông về rủi ro.
Thủ tướng Fumio Kishida lần đầu tiên công bố khả năng xây dựng một trung tâm mới lấy cảm hứng từ CDC Mỹ vào tháng 6 năm ngoái. Ý kiến này được đưa ra sau khi một hội đồng chuyên gia của Chính phủ xem xét phản ứng đối với đại dịch Covid-19 của Nhật Bản cho biết, nước này thiếu sự chuẩn bị trong thời kỳ trước đại dịch đối với trường hợp khẩn cấp về bệnh truyền nhiễm, chậm tăng cường năng lực xét nghiệm và hệ thống y tế đôi khi bị quá tải.
Được biết, hệ thống mới phải được giới thiệu trong vòng 3 năm kể từ khi ban hành luật mới. Tuy nhiên, trung tâm mới sẽ có cấu trúc như thế nào và nhân sự ra sao sẽ được xác định sau. Một quan chức của Bộ Y tế, Lao động và Phúc lợi Nhật Bản cho biết, Chính phủ sẽ “tinh chỉnh các chi tiết nhằm bảo đảm cơ quan này có thể hoàn thành nhiệm vụ dự kiến”.