Giá thịt lợn vẫn cao
Một tuần sau khi Thủ tướng tiếp tục yêu cầu doanh nghiệp hạ giá thịt lợn nếu không sẽ nhập khẩu, giá thịt lợn trên thị trường vẫn cao. Chị Đỗ Thị Chính, trú tại Thanh Xuân, Hà Nội cho biết, tại chợ Nhân Chính chị mua thịt ba chỉ và nạc vai với giá 170.000 đồng/kg. “Tôi mong giá thịt lợn sớm giảm như chỉ đạo của Chính phủ, nhất là trong tình hình dịch bệnh hiện nay”, chị Chính nói.
3 tháng đầu năm, Việt Nam nhập 25.300 tấn thịt lợn | Nguồn: ITN |
Khảo sát trên địa bàn Hà Nội cho thấy giá lợn hơi xuất chuồng hiện khoảng 85.000 đồng/kg nên giá thịt lợn thương phẩm vẫn cao. Trong các siêu thị, giá thịt lợn dao động từ 140.000 - 250.000 đồng/kg tùy loại; ở các khu chợ truyền thống thấp hơn, từ 140.000 - 180.000 đồng/kg. Tại một số tỉnh ở miền Bắc như Hưng Yên, Vĩnh Phúc, Phú Thọ... giá lợn hơi xuất chuồng dao động quanh mốc 80.000 - 83.000 đồng/kg, có nơi lên 85.000 đồng/kg. Trong khi đó, giá lợn hơi ở các tỉnh miền Trung và miền Nam ổn định quanh mức 78.000 - 82.000 đồng/kg, chỉ số ít địa phương có xu hướng giảm nhẹ.
Theo TS. Ngô Trí Long, chuyên gia kinh tế, trong tình hình hiện nay, nhập khẩu thịt lợn là cần thiết để bảo đảm nguồn cung cho thị trường và giảm bớt chi phí cho người tiêu dùng. Tuy nhiên đây chỉ là giải pháp tạm thời, vì trước kia cũng đã nhập khẩu thịt lợn nhiều nhưng vẫn không kéo được giá xuống do các doanh nghiệp bắt tay nhau “làm giá”, “nâng giá”. “Chính phủ yêu cầu đưa giá thịt lợn xuống 60.000 - 65.000 đồng/kg. Muốn biết giá đó có hợp lý không thì phải kiểm toán lại chi phí sản xuất, chi phí lưu thông, cộng với lợi nhuận của doanh nghiệp để tính được giá bán ra trên thị trường. Các cơ quan quản lý tăng cường kiểm tra, kiểm soát thì chắc chắn các nhà sản xuất không tự tung tự tác được”, ông nói.
Trong khi đó, đại diện Công ty Dabaco cho rằng để đưa giá thịt lợn về mức hợp lý, Chính phủ và các bộ, ngành cần vào cuộc cùng với doanh nghiệp. Bởi ngoài doanh nghiệp chăn nuôi, thịt lợn còn qua các khâu trung gian như giết mổ, vận chuyển, siêu thị bán lẻ... Nếu chỉ có doanh nghiệp chăn nuôi giảm giá, các khâu khác không giảm chắc chắn người dân vẫn phải mua thịt lợn giá cao.
Tái đàn mới là giải pháp căn cơ
Thông tin từ Bộ NN - PTNT cho biết, 3 tháng đầu năm nay, Việt Nam đã nhập khẩu hơn 25.300 tấn thịt lợn và sản phẩm thịt lợn, tăng 205% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, nguồn nhập khẩu từ Canada, Đức, Ba Lan, Brazil, Mỹ.
Mới đây, 15 công ty của Việt Nam đã ký kết hợp đồng mua thịt lợn từ Tập đoàn Miratorg của Nga. Vài ngày trước, gần 1.500 tấn thịt lợn của Tập đoàn này đã cập cảng nước ta; ngoài ra có gần 2.000 tấn đang trên đường về.
Tuy vậy, theo ông Vũ Vinh Phú, nguyên Phó Giám đốc Sở Thương mại Hà Nội, nhập khẩu thịt lợn chỉ là giải pháp tình thế, cốt lõi vẫn phải tổ chức lại sản xuất, tổ chức lại thị trường và quan trọng là đẩy mạnh tái đàn. Trong đó, cần đặc biệt lưu ý đến khâu trung gian bao gồm thương lái và khâu bán lẻ. “Hiện nay, có một số tổ chức, cá nhân cố tình đẩy giá thịt lợn lên thông qua chiết khấu cao vô lý và những chi phí khác. Vì vậy, cơ quan quản lý cần vào cuộc, xử lý kịp thời”.
Bộ NN - PTNT cho biết sau thời gian đẩy mạnh tái đàn, tăng đàn, tổng đàn lợn cả nước hiện đạt khoảng 24 triệu con (tăng hơn 2 triệu con so với tháng 12.2019). Nếu kiểm soát tốt dịch bệnh, tổng sản lượng thịt lợn hơi xuất chuồng cả năm có thể đạt khoảng 3,9 triệu tấn (tăng 18,4% so với năm 2019 và tăng 2,1% so với năm 2018. Đến cuối tháng 6, đầu tháng 7.2020, Việt Nam có khả năng cân bằng được cung cầu thịt lợn trong nước.
Bên cạnh đó, có ý kiến cho rằng, cùng với đẩy mạnh tái đàn, Nhà nước cần tập trung xóa bỏ các rào cản kinh doanh để tạo điều kiện thuận lợi cho nhiều doanh nghiệp tham gia vào tất cả các khâu trong chuỗi giá trị ngành thịt lợn. Hiện nay giá thịt lợn cũng bị tăng thêm nhiều vì các chi phí trung gian do nhiều quy định, điều kiện kinh doanh chưa thông thoáng. Ví dụ thủ tục xin cấp phép đầu tư cho vùng chăn nuôi và giết mổ lợn tập trung vẫn phải tuân thủ qua nhiều bước với nhiều điều kiện kinh doanh cứng nhắc. Trong khâu giết mổ, các doanh nghiệp cũng phải đáp ứng hơn chục điều kiện. Các rào cản này tạo ra vị thế độc quyền của các lò mổ lớn, gia tăng chi phí xử lý và mổ lợn, đồng thời gián tiếp gia tăng chi phí thu mua, vận chuyển. Tương tự, trong khâu kiểm dịch, kiểm soát chất lượng sản phẩm, việc thu phí kiểm dịch theo lô hàng không tính lớn, nhỏ cũng làm tăng chi phí đáng kể và giảm tính linh hoạt của cung ứng.