Từ năm 2022 cho đến nay, tác động của suy thoái kinh tế toàn cầu, hậu quả của đại dịch Covid-19, cùng những khó khăn nội tại trong nước đã khiến thị trường bất động sản Việt Nam rơi vào trạng thái trầm lắng, nhiều doanh nghiệp địa ốc lâm vào tình cảnh khó khăn, nhất là về nguồn vốn, thanh khoản và thủ tục pháp lý.
Trong bối cảnh đó, Đảng và Nhà nước đã ban hành nhiều chủ trương, quyết sách tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ, tạo điều kiện để thị trường phục hồi và phát triển lành mạnh, bền vững. Đặc biệt, thể chế, pháp luật, môi trường kinh doanh đã và đang được khẩn trương hoàn thiện. Các đạo luật quan trọng như Luật Đất đai, Luật Nhà ở và Luật Kinh doanh bất động sản đã được Chính phủ trình Quốc hội xem xét sửa đổi, bổ sung và dự kiến sẽ được ban hành vào cuối năm nay.
Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Tường Văn cho biết, trong thẩm quyền và trách nhiệm của mình, Bộ Xây dựng đã chủ trì dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi) và Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi). Hai dự án luật đã được Chính phủ trình Quốc hội cho ý kiến hồi tháng 6 vừa qua.
Hội thảo là diễn đàn quan trọng để giới thiệu những nội dung mới trong dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi) và Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi). Đây cũng là cơ hội quý báu để các cơ quan hoạch định chính sách của Việt Nam trực tiếp trao đổi, thảo luận với các chuyên gia, nhà đầu tư trong nước và quốc tế nhằm hoàn thiện dự thảo các đạo luật và xây dựng các văn bản hướng dẫn.
“Nếu hai luật này được thông qua sẽ có tác động tích cực đến thị trường nhà ở và bất động sản, đảm bảo minh bạch, lành mạnh và ổn định thị trường, cải thiện mạnh mẽ niềm tin vào môi trường đầu tư - kinh doanh tại Việt Nam”, Thứ trưởng nhấn mạnh.
Đa số ý kiến tại Hội thảo đều cho rằng, thị trường bất động sản đóng vai trò đặc biệt quan trọng đối với mọi nền kinh tế và trong mọi mô hình phát triển. Dù thị trường bất động sản Việt Nam đang trong giai đoạn khó khăn, nhưng tiềm năng và cơ hội đầu tư phát triển là rất lớn.
Năm 2022, nguồn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào lĩnh vực bất động sản đạt 4,45 tỷ USD tăng 1,85 tỷ USD (70%) so với năm 2021 và giữ vị trí thứ 2 trong các lĩnh vực thu hút vốn FDI. Dòng vốn FDI chủ yếu tập trung vào phân khúc bất động sản công nghiệp và một số dự án bất động sản lớn.
Số liệu mới nhất từ Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho thấy, lũy kế đến ngày 12.7.2023, cả nước đã thu hút 67,161 tỷ USD vốn FDI vào lĩnh vực bất động sản. Phân theo đối tác thì Singapore dẫn đầu trong số các quốc gia, vùng lãnh thổ đầu tư vào lĩnh vực bất động sản Việt Nam với tổng vốn đăng ký đạt 19,1 tỷ USD; xếp sau lần lượt là Hàn Quốc, BritishVirginIslands và Nhật Bản.
Những con số trên khẳng định thị trường Việt Nam có sức hút mạnh mẽ đối với các nhà đầu tư quốc tế.
Hiệp hội Bất động sản Việt Nam cũng dự báo, thị trường bất động sản trong thời gian tới sẽ có sự phục hồi, phát triển nhờ những bước tiến về môi trường pháp lý; triển vọng tăng trưởng kinh tế khả quan; sự phát triển hạ tầng đồng bộ, hiện đại; xu hướng chuyển đổi số và ứng dụng công nghệ của cách mạng công nghiệp 4.0; sự đa dạng của các nguồn lực tài chính... Các sản phẩm trên thị trường bất động sản sẽ ngày càng đa dạng hơn, nhất là nguồn cung nhà ở sẽ gia tăng mạnh nếu như Đề án 1 triệu căn nhà ở xã hội, nhà ở công nhân được tổ chức thực hiện tốt.