Khám phá và mở rộng hiểu biết
Danh tiếng của Bernard Werber gắn liền với bộ ba tiểu thuyết về kiến gồm: "Kiến", "Ngày của kiến", "Cách mạng kiến", đã được dịch ra hơn 30 thứ tiếng và nhận giải thưởng của độc giả tờ Khoa học và Tương lai (Sciences et Avenir).
Bộ ba tác phẩm về kiến của Bernard Werber không chỉ là tác phẩm viễn tưởng, mà còn là một cuộc phiêu lưu khoa học đậm chất trinh thám. Trong cuộc giao lưu với độc giả tại Hà Nội cuối tuần qua, Bernard Werber đã mở ra cánh cửa vào thế giới văn chương kỳ thú của ông.
Chia sẻ về nguồn cảm hứng khiến ông quyết định viết về thế giới kiến, Bernard Werber cho biết, năm 20 tuổi, ông suýt mất mạng vì bị loài kiến tấn công trong khi thực hiện phóng sự lớn đầu tay có chủ đề về loài kiến này ở Bờ Biển Ngà (Tây Phi). Nhờ trải nghiệm đó, ông muốn khám phá và mô tả một thế giới nơi con người không phải là trung tâm. Bộ ba tác phẩm về kiến là kết quả của điều đó.
Điều độc đáo là loài kiến chưa từng xuất hiện trong tác phẩm văn chương nào trước đây. Qua cuộc hành trình đó, Bernard Werber cho rằng: “Tôi nghĩ nhà văn phải đi nhiều, gặp gỡ nhiều, phải chu du với thực tế. Nhà văn giỏi là nhà văn có nhiều trải nghiệm thực tế”.
Trong tác phẩm của mình, Bernard Werber xây dựng khung tiểu thuyết sử dụng tình tiết trinh thám, nhằm cuốn hút độc giả. Ông nói rằng khi viết luôn đặt mình vào góc độ người đọc, và một cuốn sách hay giống như trò chơi mà nhà văn bày ra trước người đọc, ngoài cái hay, cái đẹp của ngôn từ thì đó còn là một hành trình cùng nhau đi tìm lời giải mà câu chuyện muốn truyền đạt.
"Quá trình đó thúc đẩy người đọc phát triển cách nhìn khác với cái mà họ thường thấy, suy nghĩ khác với những vấn đề mà họ thường không để ý. Với bộ ba tác phẩm về kiến, tôi muốn khám phá và mở rộng hiểu biết của chúng ta về loài vật này, đồng thời đặt câu hỏi về chính bản thân con người qua lăng kính của xã hội kiến", Bernard Werber nói.
Theo các nhà phê bình, đặc trưng trong các tác phẩm của Bernard Werber là sự kết hợp nhuần nhuyễn, hài hòa, thú vị giữa văn chương, khoa học viễn tưởng cùng các ý tưởng triết học và tâm linh. Bản thân Bernard Werber tin rằng khoa học và tâm linh không phải là hai lĩnh vực tách biệt. Thông qua viết lách, ông cố gắng tạo ra một cầu nối giữa hai thế giới này, mang đến cho độc giả cái nhìn mới mẻ và sâu sắc hơn về cuộc sống và vũ trụ.
"Tôi muốn chúng ta cùng suy ngẫm về tầm vóc của loài người như một phần trong hệ sinh thái. Có người nói rằng sau khi đọc sách của tôi họ không giết kiến nữa, ngược lại, có thể kết nối chặt chẽ hơn với thế giới tự nhiên để nhận ra mình có thể học hỏi rất nhiều từ những sinh vật nhỏ bé này", nhà văn chia sẻ.
Như hạt mầm nảy nở...
Về tác phẩm mới xuất bản - Chiếc hộp Pandora, Bernard Werber nói rằng đó là sự khám phá không giới hạn của con người. Sự trở về kiếp trước được nhắc đến trong tác phẩm chính là một cách khai phóng tâm thức mới, mở ra những dòng suy nghĩ, tư duy mới. Bởi lẽ ông cho rằng con người không thể giới hạn tầm nhìn và suy nghĩ trong bộ não, mà phải có cái nhìn rộng hơn, vượt thời gian, không gian.
Theo Bernard Werber, mỗi người nên cố gắng nhận thức mình là ai, không phải xác định bản tính của mình qua tuổi tác, ngoại hình, hay quốc tịch. Ý nghĩa của công việc viết văn cũng như vậy, phải biết buông bỏ trong tâm linh, sống khiêm tốn, có trải nghiệm và sống được với những trải nghiệm đó...
Bởi vậy, mặc dù cày xới trên mảnh đất văn học về khoa học viễn tưởng nhưng Bernard Werber luôn ý thức lúc nào trong đó cũng phải đan xen cả sự thật. Ông cho biết mình luôn cập nhật thông tin, cả trong sách vở lẫn thực tế, cũng như tranh luận với các nhà sử học, nhà khoa học trước khi đặt bút viết.
"Với tôi, khoa học viễn tưởng hay nhất không phải là tưởng tượng bay bổng nhất, màu sắc nhất mà là khoa học viễn tưởng lấy chất liệu trên chính thực tế hàng ngày để viết", Bernard Werber nói.
Bernard Werber cũng đưa ra các lời khuyên cho các nhà văn trẻ: "Hãy xây dựng kỷ luật viết. Muốn viết tốt, rèn giũa khả năng văn chương thì phải xây dựng được thói quen viết, kiên trì, viết liên tục không ngắt quãng. Như hạt mầm nảy nở từng ngày, đó là bước đệm của thành công. Có điều, phải chắc chắn rằng mình đam mê, yêu thích với điều đó. Bởi lẽ nếu chúng ta làm việc gì mà cảm thấy khổ sở, buồn bã, chán nản thì đó không phải là con đường đi đúng".
Nhân dịp ra mắt bản tiếng Việt tiểu thuyết mới nhất, "Chiếc hộp Pandora", Bernard Werber có chuyến gặp gỡ, chia sẻ về hành trình sáng tác tới độc giả Việt Nam tại Hà Nội (ngày 16.3), Huế (19.3), Đà Nẵng (20.3) và TP. Hồ Chí Minh (21 - 22.3).