Đối diện nhiều khó khăn
Báo cáo từ Bộ Xây dựng cho thấy, so với cuối năm 2021, nhiều loại vật liệu xây thô tăng mạnh trong 6 tháng đầu năm 2022. Giá thép xây dựng trên cả nước đã tăng mạnh (từ 600 - 1.200 đồng/kg) trong quý I.2022. Đến đầu quý II, giá thép lần lượt tăng so với giá tại thời điểm quý I.2022 là 7,5%. Nhiều loại vật liệu xây dựng phần thô khác như gạch, cát, đá, xi măng… cũng đồng loạt tăng giá theo. Giá cát xây tăng khoảng 30.000 đồng/m³ (từ 220.000 đồng lên 250.000 đồng/m³); xi măng tăng 30.000 đồng/tấn (từ 1,14 triệu đồng đồng lên 1,17 triệu đồng/tấn); đá tăng từ 180.000 đồng lên 200.000 đồng/m³;
Theo ông Quảng Nam, quản lý thi công công trình tại một doanh nghiệp ở quận 9 cho biết, giá vật liệu xây dựng ở thành phố thường sẽ cao hơn 1,3 - 1,4 lần so với ngoài Bắc. Gần đây giá lại tiếp tục tăng cao nên giá thầu công trình cũng phải tăng theo thêm 25-30%. Với giá nguyên vật liệu tăng cao, chủ đầu tư và đơn vị thi công đều ngao ngán.
Bên cạnh đó, cánh cửa tín dụng BĐS tại nhiều tổ chức tín dụng dần hẹp lại. Nguồn huy động vốn từ trái phiếu cũng đang bị siết chặt. Hai kênh huy động chính này bị tắc nghẽn làm các doanh nghiệp BĐS hạn chế giải ngân cho các công trình đang đầu tư xây dựng, ảnh hưởng trực tiếp đến nhà thầu xây dựng.
Theo ông Nguyễn Quốc Hiệp, Chủ tịch Hiệp hội các Nhà thầu xây dựng Việt Nam (VACC), hiện có nhà thầu xây dựng bị chủ đầu tư nợ tới vài nghìn tỷ đồng. Các nhà thầu này lại nợ các nhà cung cấp nguyên vật liệu, rồi các nhà cung cấp nguyên vật liệu, lại nợ các nhà cung cấp khác… cứ như vậy số tiền nợ rất lớn. “Bình thường vấn đề này đã khó khăn rồi, nhưng năm nay càng khó khăn hơn nên nợ nhiều hơn. Các nhà thầu xây dựng chỉ có lợi nhuận vào khoảng 4%, nếu bị nợ nhiều kéo dài chắc chắn sẽ thua lỗ”, ông Hiệp nói.
VACC đã nhận được cả loạt đơn đề nghị giúp đỡ các đơn vị thành viên đòi công nợ. Có những nhà thầu khi thực hiện xong hợp đồng mới chỉ thu được từ 60-70% giá trị, phần còn lại bị nợ kéo dài. Có những đơn vị có số vốn đăng ký kinh doanh vài trăm tỷ đồng nhưng con số nợ đọng xây dựng cơ bản mà đơn vị đang gánh lại lên con số cả nghìn tỷ đồng, ông Hiệp cho biết thêm.
Mặt khác, các nhà thầu đều đang gặp tình trạng thiếu và rất khó tìm kiếm được công nhân. Do phải chủ động chi thêm kinh phí để kéo nhân lực về, nên giá nhận thầu cũng tăng lên, gây áp lực cạnh tranh. “Trước đây giá một m2 xây dựng cơ bản với nhà thấp tầng chỉ 4 triệu đồng thì nay để có thể triển khai thi công, các nhà thầu phải nhận từ 6 triệu đồng mỗi m2, tăng 150%” - giám đốc một công ty xây dựng cho biết.
Đặc biệt, “bão giá” vật liệu xây dựng đã ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động sản xuất kinh doanh của nhà thầu. Nhiều chủ đầu tư khi ký hợp đồng đều sử dụng hình thức đơn giá vật tư cố định không điều chỉnh, bên thi công phải tự bù lỗ khi giá nguyên vật liệu tăng. Các nhà thầu cũng đã dự trù chi phí phát sinh thêm khi thực hiện hợp đồng nhưng đã không lường trước được diễn biến phức tạp của thị trường.
6 tháng cuối năm vẫn chưa có lối thoát
Theo VACC, trong 6 tháng đầu năm 2022, các đơn vị đã tăng doanh số và sản lượng lên 300% so với cùng kỳ năm trước nhưng nhìn chung so với yêu cầu kế hoạch đề ra vẫn chưa đạt. Hầu hết doanh nghiệp xây dựng chỉ đạt 20 - 40% kế hoạch cả năm mà nguyên nhân chủ yếu là phải đối mặt với quá nhiều khó khăn mà chưa tìm ra giải pháp khắc phục. Nhiều nhà thầu xây dựng đầu ngành có báo cáo kết quả kém khả quan.
Chia sẻ với báo giới, ông Lê Viết Hải, Chủ tịch tập đoàn Hòa Bình cho biết, với các dự án mới, chủ đầu tư thường chốt một mức giá cố định, khi giá vật liệu leo thang, không ít nhà thầu rơi vào tình thế tiến thoái lưỡng nan. Nếu tiếp tục thi công thì càng làm càng lỗ, còn không làm sẽ mất uy tín, bị phạt hợp đồng, phạt chậm tiến độ.
Một nhà thầu xây dựng khác trong top đầu thị trường là Công ty cổ phần Coteccons cũng vừa trải qua quý II với tình hình kinh doanh kém hiệu quả. Thậm chí doanh nghiệp này còn không thể ghi nhận mức lợi nhuận trong quí II mà phải báo lỗ (cùng kỳ năm 2021 vẫn lãi dương 59 tỉ đồng).
Số lượng công việc 6 tháng qua dù có khá hơn năm 2021 song vẫn còn rất ít, chủ yếu do khối doanh nghiệp FDI mang lại và cũng chỉ dành cơ hội cho các doanh nghiệp lớn. Hầu hết doanh nghiệp không muốn làm dự án trong nước, nhất là dự án đầu tư công vì tiến độ thanh toán dài mà rủi ro từ giá nguyên vật liệu là rất lớn, báo cáo của VACC ghi nhận.
Mặt khác, các vấn đề liên quan đến thủ tục thầu cho các dự án đầu tư công phức tạp và tốn kém. Việc thanh kiểm tra, hồi tố truy thu những dự án đã tất toán từ rất lâu cũng khiến nhiều đơn vị bị động. Các chủ đầu tư, nhà thầu xây dựng đang mong muốn việc giải ngân vốn đầu tư công của TP. Hồ Chí Minh rút ngắn thời gian và thủ tục hơn. Đây được xem là cứu cánh cho các nhà thầu trong giai đoạn tín dụng ngân hang đang xiết chặt hơn cho ngành BĐS như hiện tại.