- Thưa UVTT, đổi mới, nâng cao hoạt động tiếp xúc cử tri là một trong những yêu cầu cấp bách hiện nay ?
UVTT Bùi Ngọc Chương: Tiếp xúc cử tri và thường xuyên quan hệ chặt chẽ với cử tri là nhiệm vụ của ĐBQH được quy định trong Hiến pháp, trong Luật tổ chức QH và các văn bản pháp luật khác. Đây có thể nói là một trong các nhiệm vụ quan trọng của đại biểu. Các ĐBQH luôn gắn bó với cử tri, đến với cử tri, lắng nghe ý kiến cử tri; cử tri luôn yêu cầu trách nhiệm cao ở đại biểu, gửi gắm, đặt niềm tin, trọng trách ở đại biểu.
Ngay từ đầu nhiệm kỳ này, QH đã xem xét cải tiến đổi mới nâng cao chất lượng hoạt động của QH trong đó có vấn đề tiếp xúc cử tri. Hoạt động tiếp xúc cử tri tiếp tục được quan tâm đổi mới; các đại biểu cũng trăn trở làm thế nào để tiếp xúc được nhiều cử tri, nhất là những cử tri trực tiếp trong đời sống sản xuất, lao động. Chính các bước đổi mới nhằm khắc phục hiện tượng đại biểu thì chuyên trách, cử tri thì chuyên nghiệp, cử tri trong các buổi tiếp xúc thường được triệu tập đến theo giấy mời và đại đa số là cán bộ cơ sở …
Việc tiếp xúc cử tri phải cụ thể, đi xuống đến tận cơ sở. Tuy nhiên, trong thực tế muốn tiếp xúc cử tri trực tiếp, đông đảo cũng có nhiều khó khắn, hội trường phòng họp cũng rất hạn hẹp, phòng họp cấp xã khoảng 100 chỗ ngồi, mời đến không biết ngồi ở đâu; thời lượng cho một buổi tiếp xúc có hạn, thường là một buổi như thế thì cử tri phát biểu cũng hạn chế...
- Vậy hoạt động tiếp xúc cử tri đã có bước đổi mới như thế nào, thưa UVTT?
UVTT Bùi Ngọc Chương: Theo tôi, Trước hết ở các địa phương đã chú trọng thông báo sớm nội dung, thời gian, địa điểm, rộng rãi , thường xuyên để cử tri quan tâm, có điều kiện có thể đến dự đông đủ hơn, chuẩn bị kiến nghị kỹ lưỡng hơn. Đây cũng là bước cải tiến so với cách làm thông thường lâu nay. Thứ hai là đẩy mạnh hình thức tiếp xúc theo chuyên đề, theo đối tượng cử tri khác nhau để đi sâu vào từng lĩnh vực của đời sống xã hội, từng vấn đề mà cử tri quan tâm. Có thể tiếp xúc với giới nhà giáo, giới y tế, công nhân, kể cả những công trường, nhà máy… Thứ ba là tiếp xúc nơi cư trú, nơi công tác của ĐBQH. Đây là những điểm mới trong tiếp xúc cử tri .
Có ý kiến cho rằng, tiếp xúc cử tri sau kỳ họp QH nên lồng với hoạt động tiếp xúc cử tri trước kỳ họp của HĐND tỉnh thưa UVTT ?
UVTT Bùi Ngọc Chương: Kết hợp cùng ĐBQH với Đại biểu HĐND tỉnh phải tùy vào điều kiện cụ thể. ĐBQH tỉnh Cà Mau đã có lần thực hiện như vậy. Trong tiếp xúc cử tri cho thấy : cái tốt là kết hợp báo cáo về kết quả, chương trình của kỳ họp QH, đại biểu HĐND tỉnh báo cáo về công việc của đại biểu HĐND tỉnh, sau đó cùng lắng nghe ý kiến tâm tư nguyện vọng của cử tri ; nhiều ý kiến đề cập đến vấn đề chung của cả nước nhưng rất nhiều ý kiến đề cập đến vấn đề cụ thể của địa phương . Việc kết hợp mang lại hiệu quả nhất định. Tuy nhiên, nhiều trường hợp thời gian tiếp xúc cử tri không trùng nhau, ví dụ như để chuẩn bị cho kỳ họp QH thì ĐBQH phải tiếp xúc sớm hơn, sau khi kết thúc kỳ họp thì ĐBQH về báo cáo kết quả kỳ họp nhưng lại không trùng với thời điểm mà Đại biểu HĐND tiến hành công việc của mình. Vì vậy, cũng có những khó khăn khi thực hiện.
- UVTT có thể chia sẻ kinh nghiệm tiếp xúc cử tri của Đoàn ĐBQH Cà Mau?
UVTT Bùi Ngọc Chương: Với đoàn ĐBQH Cà Mau trong Khóa XIII này, các ĐBQH trong Đoàn rất tích cực thực hiện nhiệm vụ tiếp xúc cử tri. Kế hoạch tiếp xúc cử tri được chuẩn bị, xây dựng sớm và kỹ lưỡng. Có những cuộc tiếp xúc chuyên đề , trước đó 2, 3 tháng đã chuẩn bị. Để các ý kiến đóng góp sâu hơn vào các dự án luật hay các đề án, Đoàn ĐBQH tại địa phương đã tổ chức các cuộc tiếp xúc cử tri, trao đổi chuyên sâu giữa hai kỳ họp. Trong đó tổ chức gặp gỡ công nhân, đối tượng là giáo viên, y tế, đội ngũ luật sư, luật gia để lấy ý kiến và sau mỗi cuộc họp đó đều có báo cáo kết quả ... Cách làm như vậy phù hợp với thực tế và hiệu quả thiết thực. Lấy được ý kiến của chuyên gia, đối tượng dự án luật điều chỉnh và của cử tri quan tâm đến lĩnh vực liên quan trực tiếp phạm vi điều chỉnh của luật.
- Cử tri đã gửi gắm đến đoàn ĐBQH tỉnh Cà Mau và cá nhân UVTT điều gì?
UVTT Bùi Ngọc Chương: Cà Mau là tỉnh cực Nam của Tổ quốc, có những điều kiện tự nhiên đặc thù là vùng sông nước, đa phần diện tích thấp cho nên có lợi thế phát triển thủy sản nhất là nuôi tôm công nghiệp.
Những kiến nghị của cử tri về vấn đề chung như các chính sách thuế, chính sách để phát triển sản xuất, những chính sách với chế độ cán bộ với cơ sở rồi việc đầu tư cho hạ tầng nông thôn, việc thi hành pháp luật, chống tham nhũng lãng phí... những kiến nghị đó được chuyển đến các cư quan hữu quan ở trung ương xem xét giải quyết. Bên cạnh đó là những vấn đề cụ thể của địa phương cử tri rất quan tâm như mong muốn Nhà nước tạo điều kiện hỗ trợ để bà con ổn định, yên tâm phát triển sản xuất, nhất là những lĩnh vực thế mạnh của mình như sản xuất tôm công nghiệp, nuôi trồng thủy sản. Thứ hai là tăng cường đầu tư cho hạ tầng giao thông, điện cho sản xuất và sinh hoạt...
- Xin cám ơn UVTT!