Khai mạc sáng 30.3, tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám, Hà Nội, triển lãm “Ngũ hình” của 5 họa sĩ: Ngô Hùng Cường, Trường Thịnh, Bùi Hải Nam, Phạm Duy Quỳnh, Trần Minh Tuấn, giới thiệu tới người yêu mỹ thuật các tác phẩm chất liệu truyền thống gồm sơn mài, lụa, mực, màu tự nhiên trên giấy dó, giấy bản.
Theo họa sĩ Trần Minh Tuấn, xuyên suốt lịch sử, văn hóa Việt Nam là kết tinh ứng xử của con người với môi trường sống dựa trên sự hài hòa và cân bằng của nguyên lý Âm dương - Ngũ hành. Văn hóa ăn, mặc, ở, chơi, tập tục nghi lễ, ứng xử của người Việt hình thành, tồn tại và phát triển hàng nghìn năm vô cùng phong phú nhưng không nằm ngoài nguyên lý đó.
“Cùng sự phát triển của khoa học kỹ thuật, cuộc sống con người đô thị dường như không còn gắn liền với thiên nhiên, với văn hóa của đồng bằng châu thổ như hàng nghìn năm trước. Nhiều giá trị văn hóa truyền thống theo đó cũng không khỏi bị lu mờ”, Trần Minh Tuấn nói.
Trong bối cảnh đó, 5 họa sĩ - những người quan tâm đến văn hóa, di sản đã làm cuộc triển lãm ghi chép cảm nhận của mình về đời sống hàng ngày, với những cách khác nhau, để qua đó cùng thấy những sắc thái phong phú trong cùng dòng chảy chung của văn hóa truyền thống.
Theo Trần Minh Tuấn, nghệ thuật không cần tìm cái mới ở xa xôi, mà là tìm thấy trong mỗi phút giây đời sống bình thường. Những tác phẩm tượng tròn trong đền chùa, phù điêu trên đình làng, tranh Hàng Trống, tranh Đông Hồ, tranh thờ là nguồn cảm hứng lớn lao cho các tác giả trong quá trình cảm thụ và tìm tòi cách diễn đạt nghệ thuật với tạo hình quen thuộc thể hiện qua sự khái quát, khỏe khoắn, hồn nhiên và phóng khoáng.
Họa sĩ Phạm Duy Quỳnh mang đến triển lãm 5 tác phẩm sơn mài sáng tác năm 2023 - 2024 mang đậm hình tượng văn hóa Phật giáo Việt Nam. Tác phẩm khai thác hình ảnh về sự hồn nhiên, ngây thơ và trong sáng của những đứa trẻ, được bao bọc, dạy dỗ, trái ngược với những mảnh đời lang thang, cơ nhỡ, mưu sinh trong nhọc nhằn. Tác giả cho rằng, khi tâm hướng về Phật, những đứa trẻ sẽ được bình an.
Với Ngô Hùng Cường, anh chia sẻ rất yêu nghệ thuật dân gian và học hỏi nhiều từ dòng chảy đó. “Nó kết nối và cho tôi khám phá, tìm kiếm vẻ đẹp ẩn hiện, sâu lắng nhưng thật gần gũi và tự nhiên trong những lớp thời gian”.
Họa sĩ Ngô Hùng Cường sử dụng giấy dân gian bồi dày và bền, các màu tự nhiên và lối tạo hình phóng khoáng để thể hiện tác phẩm của mình, như là những gì anh mong muốn về cuộc sống trở về thiên nhiên và bảo vệ nó trong tương lai.
Chia sẻ bên tác phẩm "Tĩnh", họa sĩ Trường Thịnh cho biết, "những câu chuyện về nghệ thuật dân gian, những hoài niệm xưa cũ, những giá trị văn hóa cổ ngoạn một thuở qua dòng chảy lịch sử đến câu chuyện thiền định để sống chậm lại, để lắng nghe và cảm nhận hơi thở cuộc sống đương đại… đã làm rung động và chạm đến xúc cảm của tôi và là nguồn cảm hứng để tôi vẽ những tác phẩm tĩnh tại, an yên và sâu lắng trên chất liệu lụa truyền thống rất đỗi nhẹ nhàng mà trong sáng này".
Còn họa sĩ Bùi Hải Nam thì tâm sự, ở một nơi sâu thẳm trong tâm hồn, những ký ức đẹp đẽ, nhiều cảm xúc lại hiện về. "Và tôi vẽ lại dòng cảm xúc đó với mái nhà xưa, chợ quê, mùa thi…".
Bùi Hải Nam chọn chất liệu mực vẽ giấy dó với suy nghĩ tác phẩm hoàn thành sẽ mang lại cho anh những khoái cảm về thị giác và thẩm mỹ. Vẽ trên giấy dó, người họa sĩ sẽ hiểu được độ loang của màu, nó thật khó nhưng bù lại, giấy dó khiến những đường nét của bức tranh mềm mại hơn so với những chất liệu khác...