Những lỗ hổng trong quy trình lập ngân sách giới

- Thứ Bảy, 01/04/2023, 17:42 - Chia sẻ

Trong bài phát biểu về Ngân sách Liên bang năm 2019, Bộ trưởng Bộ Tài chính Nirmala Sitharaman đã hùng hồn tuyên bố “naari là narayani” (phụ nữ là nữ thần). Bà nói “con chim không thể chỉ bay bằng một cánh” đồng thời nhấn mạnh đến sự bình đẳng giữa nam và nữ trong câu chuyện phát triển của Ấn Độ.

Một lớp học ngoài trời của trê em gái Ấn Độ - Nguồn feminisminindia
Một lớp học ngoài trời của trê em gái Ấn Độ. Nguồn: feminisminindia

Bà Sitharaman thậm chí còn đề xuất thành lập một ủy ban rộng rãi với “các bên liên quan gồm chính phủ và tư nhân” để đánh giá ngân sách dưới góc độ giới và mở đường cho các khoản chi tài chính toàn diện hơn. Nhiều năm trôi qua, ủy ban vẫn chỉ nằm trên giấy, trong khi các chỉ số phát triển của phụ nữ Ấn Độ chưa bao giờ ảm đạm hơn thế.

Báo cáo Khoảng cách giới tính toàn cầu năm 2020 do Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF) công bố chỉ ra rằng Ấn Độ tụt 4 bậc so với năm 2019 xuống vị trí 112 trong số 153 quốc gia. Xếp hạng tổng thể của Ấn Độ thấp hơn 14 bậc so với năm 2006, khi WEF lần đầu tiên bắt đầu đo lường khoảng cách giới.

Theo báo cáo, sự chênh lệch về kinh tế giữa nam và nữ ở Ấn Độ đặc biệt đáng kinh ngạc, với chỉ 1/3 (35,4%) khoảng cách được thu hẹp. Ấn Độ xếp hạng trong số 4 quốc gia kém nhất trên thế giới về mức độ của phụ nữ tham gia kinh tế và cơ hội cho phụ nữ (hạng 149), tiếp theo là sức khỏe và nhu cầu cơ bản (hạng 150).

Trong khi đó, chi tiêu ngân sách ước tính cho Bộ Phát triển Phụ nữ và Trẻ em (WCD) tăng liên tục trong những năm qua. Năm 2017, tổng dự toán ngân sách cho WCD là 22.095 tỷ rupee, tăng gần 20% so với 17.640 tỷ rupee của năm trước. Các nhà kinh tế và chuyên gia chính sách tin rằng việc phân bổ ngân sách đã không mang lại những hiệu quả thực tế vì những lý do sau đây.

Thiếu khuôn khổ vĩ mô về giới

Là bước đầu tiên thiết yếu để lập ngân sách giới, các yếu tố đầu vào cần phải mang lại kết quả phù hợp và kết quả phải được kết nối với các chỉ số phát triển con người (HDI). Lekha Chakraborty, giáo sư, Viện Chính sách và Tài chính Công Quốc gia (NIPFP), gọi việc thiếu khuôn khổ vĩ mô về giới là “lỗ hổng lớn nhất” trong quy trình lập ngân sách.

“Phát triển giới rất rời rạc ở cấp độ vi mô và cấp ngành. Ví dụ, nếu chúng ta có thể xác định những mục tiêu phát triển giới trong trung hạn, đặt ra các mục tiêu cần đạt được, cùng với các quy trình, lộ trình và dự phòng ngân sách, thì sẽ dễ dàng thực hiện theo lộ trình đó. Bộ Tài chính (MoF) có thể đi đầu trong việc thực hiện lộ trình này”, bà Chakraborty nói.

“GRB ở Ấn Độ vẫn thiên về tổng hợp các khoản phân bổ và chi tiêu gán mác vì phụ nữ”, Avani Kapur, thành viên của Trung tâm Nghiên cứu Chính sách cho biết: “Không có trọng tâm thực sự cũng như không được sử dụng đủ như một công cụ chính sách mà giống như một diễn ngôn mang tính giới tính hơn”. Bà Avani Kapur tin rằng yếu tố giới tính được gán cho các khoản chi tiêu với một mức độ tùy tiện. “Việc phân bổ ngân sách cho Chương trình nhà ở hợp túi tiền đang được báo cáo là hướng 100% mục tiêu cho phụ nữ (trong Phần A của Ngân sách) là một trường hợp điển hình”.

Thiếu cơ quan giám sát

Bà Chakraborty nói rằng ngay cả trong phạm vi phân bổ, ngân sách giới có dấu hiệu sai lệch giữa lời hứa ngân sách và thực tế, và lời hứa phân bổ ngân sách cao hơn đôi khi không đảm bảo thực tế chi tiêu nhiều hơn cho phụ nữ.

Ví dụ: một phân tích về ngân sách giới chỉ ra rằng mức phân bổ ngân sách 267 tỷ rupee cho Chương trình Sứ mệnh quốc gia về trao quyền cho phụ nữ trong năm 2018 - 2019 đã được sửa đổi thành 115 tỷ rupee. Tương tự, các khoản phân bổ theo chương trình Ujjawala (Phân phối khí hóa lỏng) đã bị cắt giảm từ 60 tỷ rupee xuống còn 20 tỷ rupee trong cùng thời kỳ. Rất có thể là chi tiêu trên thực tế thậm chí có thể thấp hơn so với ước tính sửa đổi. “Chúng tôi cần các tổ chức độc lập như Hội đồng Tài chính để theo dõi tình trạng sai lệch như vậy. Họ hoạt động như những cơ quan giám sát”, bà Chakraborty nói, đồng thời xác nhận rằng Ủy ban Rộng rãi về ngân sách giới, như được thông báo của Bộ trưởng Tài chính, vẫn chưa được thành lập.

Chưa có điểm đến cụ thể

Các chuyên gia chỉ ra rằng chi tiêu cho giới thường tập trung ở 4 hoặc 5 bộ. Tài liệu Ngân sách của Liên bang, từ năm 2016 đến 2023, khoảng 35 - 37% ngân sách giới được phân bổ cho Bộ Phát triển nông thôn, khoảng 19% cho Bộ Y tế và phúc lợi, 19 - 22% cho Bộ Phát triển nguồn nhân lực và 12% cho Bộ Phát triển Phụ nữ và Trẻ em. Tóm lại, khoảng 85% tổng phân bổ ngân sách cho giới chỉ nằm trong 4 bộ này.

Nhà kinh tế học độc lập Mitali Nikore cho biết: “Không có kế hoạch làm thế nào để chi tiêu này hiệu quả hơn đối với phụ nữ. Ví dụ, các doanh nghiệp vừa và nhỏ chiếm tới 300 chương trình ngân sách của chính phủ. Tại sao không có chương trình nào trong số đó được áp dụng lăng kính giới tính? Các ngành dệt may và chế biến thực phẩm sử dụng tối đa lao động nữ, vậy tại sao quá trình phân bổ ngân sách không được thực hiện với lưu ý đó? Ngân sách giới cần tập trung vào các ngành và bộ phận cụ thể”.

Thiếu tư duy: phụ nữ cũng là động lực kinh tế

Tara Krishnaswamy, thành viên một tổ chức phi đảng phái hoạt động nhằm thúc đẩy sự tham gia của phụ nữ trong cơ quan lập pháp, cho biết thêm rằng, một trong những nguyên nhân chính của vấn đề cũng có thể là do tư duy coi phụ nữ chỉ có nghĩa vụ làm mẹ hoặc sinh sản chứ không phải là động lực kinh tế.

Bà Krishnaswamy giải thích: “Mặc dù bảo đảm sức khỏe cho phụ nữ và trẻ em là mục tiêu vô cùng quan trọng, nhưng chúng ta cũng cần giúp phụ nữ trở thành những người đóng góp hiệu quả cho nền kinh tế. Tập trung vào các lợi ích về doanh thu và thuế khi phụ nữ tham gia lực lượng lao động. Ví dụ, phụ nữ làm việc bán thời gian nhiều hơn nam giới và ở các quốc gia như Mỹ, và có quyền lợi bảo hiểm y tế cho công việc bán thời gian, điều này đóng vai trò như một động lực để giữ phụ nữ tham gia lực lượng lao động”. Krishnaswamy nói thêm, Ngân sách cũng phải bao gồm nhiều hơn đối với phụ nữ làm công việc chăm sóc không được trả lương hoặc nền kinh tế phi chính thức.

Thiếu khảo sát thực tế

Việc thực hiện ngân sách giới ở cấp huyện và cấp tiểu bang là một câu chuyện nửa vời do thiếu năng lực, thiếu kinh phí và thiếu cơ chế trách nhiệm giải trình. Bang Kerala - một trong những bang sớm áp dụng ngân sách giới là một ví dụ. “Cho đến nay, chúng tôi chưa thể đánh giá tác động của phân bổ ngân sách theo giới tính vì nhiều lý do, từ thiếu kinh phí đến nhận thức về quyền giới tính của người dân còn thấp. Tiến sĩ Mridul Eapen, thành viên Ủy ban Kế hoạch Bang Kerala cho biết, hầu hết các bang đều gặp khó khăn trong việc theo đuổi ngân sách giới một cách hiệu quả do mất kết nối giữa bộ phận tài chính, phụ nữ và phát triển trẻ em cũng như các bộ phận khác. “Ở Kerala, Ban Kế hoạch hoạt động như một cơ quan đầu mối đảm bảo các chính sách liên quan đến giới tồn tại trong các lĩnh vực. Điều quan trọng là các bộ phận riêng lẻ phải tích hợp các thành phần giới trong chính quá trình lập kế hoạch”.

Bà Krishnaswamy nói, điều quan trọng là chính phủ phải tiến hành và công bố các cuộc khảo sát cung cấp thông tin chuyên sâu về phát triển giới định kỳ. “Từ năm 2014 đến nay, Chính phủ đã ít tiến hành các cuộc khảo sát. Vì vậy, không thể biết được, ngay cả ở cấp tiểu bang, những con số chính xác để đo lường tác động của các chương trình”. “Và ngay cả khi có dữ liệu, dữ liệu cũng không diễn giải đúng cách. Toàn bộ khái niệm về quản trị dựa trên dữ liệu với tư duy khoa học, có hệ thống không được áp dụng ở Ấn Độ”, bà bổ sung.

Bà Krishnaswamy tin rằng để thoát khỏi vòng luẩn quẩn về cơ hội kinh tế xã hội thấp dẫn đến phân bổ ngân sách ít hơn cho phụ nữ, điều quan trọng là phải thể chế hóa vấn đề bình đẳng giới. “Ấn Độ sẽ không thể đạt được mốc nền kinh tế 5 nghìn tỷ USD một cách thần kỳ mà không trao quyền cho phụ nữ của mình trước tiên”.

Quốc Đạt (Tham khảo thông tin từ Forbes India)
#