
Nếu nghị quyết thiếu một trong ba điều kiện trên là không được vận dụng thời điểm có hiệu lực để đưa vào nội dung hoặc để làm căn cứ tổ chức thực hiện nghị quyết.
Thực tế, có những địa phương còn chưa phân biệt được nghị quyết nào của HĐND là văn bản QPPL. Ví dụ, nghị quyết về phê chuẩn quyết toán ngân sách, phê chuẩn biên chế... nội dung không chứa quy tắc xử sự chung nhưng HĐND vẫn thông qua: “Nghị quyết có hiệu lực sau 10 ngày, kể từ ngày HĐND thông qua”. Một số nghị quyết của HĐND, để xác định rõ thuộc loại văn bản nào thì còn phải nghiên cứu trao đổi thêm.
HĐND tỉnh ra nghị quyết chuyên đề (thuộc văn bản QPPL) thì sau 10 ngày kể từ ngày thông qua là có hiệu lực thi hành. Như vậy, nội dung nghị quyết phải rất chi tiết, rõ ràng, không cần phải có văn bản hướng dẫn thực hiện. Nhưng thực tế, có nơi ban hành nội dung nghị quyết lại rất chung chung, dưới dạng “Phê chuẩn đồng ý với đề nghị, tờ trình của UBND” hoặc quy định không cụ thể, khó hiểu trong khi UBND trình cụ thể; Có vấn đề trình không rõ nhưng HĐND cũng không có ý kiến. Vì vậy, các cơ quan, tổ chức, cá nhân thuộc đối tượng điều chỉnh không thể thực hiện ngay được ngay khi nghị quyết đã có hiệu lực, phải chờ UBND cùng cấp ra quyết định cụ thể. Trường hợp này không khác gì luật khung phải chờ Chính phủ ban hành nghị định, Bộ ra thông tư hướng dẫn mới có thể thực thi. Ngược lại, có nơi nghị quyết chuyên đề của HĐND ban hành rất chi tiết, rõ ràng thì UBND cùng cấp lại cũng ban hành văn bản QPPL có nội dung “y hệt” nghị quyết HĐND. Như vậy đã làm chồng chéo thời điểm có hiệu lực của văn bản QPPL giữa hai cơ quan HĐND và UBND, làm hiệu lực, hiệu quả và quyền lực của HĐND bị giảm. Nghị quyết HĐND muốn đi vào cuộc sống phải phụ thuộc vào UBND cùng cấp.
Nghiên cứu pháp luật và căn cứ ban hành nghị quyết của HĐND các cấp ở một số địa phương có thể khẳng định, thời điểm có hiệu lực của nghị quyết HĐND phụ thuộc vào nội dung nghị quyết. Nghị quyết thuộc loại văn bản QPPL, nhưng HĐND không ban hành cụ thể, tức là đã không thực hiện hết thẩm quyền mà “để” cho UBND thì không thể quy định thời điểm có hiệu lực thi hành trong nghị quyết. Bởi, tên nghị quyết thể hiện là văn bản quy phạm nhưng nội dung lại không có quy phạm, không nêu việc phải thực hiện và thực hiện như thế nào. Vấn đề này, nghị quyết HĐND lại giao cho UBND. Vì vậy, UBND ra quyết định mới có được thời điểm có hiệu lực của nghị quyết HĐND. Thực hiện như vậy sẽ không còn tình trạng, văn bản mang tên QPPL về một nội dung do HĐND và UBND cùng cấp ban hành lại có hiệu lực không thống nhất. Đây là lỗi chủ quan của các cơ quan, cá nhân có liên quan trong việc ban hành văn bản QPPL của HĐND, chứ không phải do pháp luật quy định không thống nhất.
Để thực hiện đúng Luật Ban hành văn bản QPPL của HĐND và UBND, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quyết định của HĐND, cơ quan tham mưu HĐND phải xác định rõ nghị quyết HĐND thuộc loại văn bản QPPL ngay trong dự kiến chương trình xây dựng nghị quyết của HĐND, để HĐND quyết định, làm cơ sở cho các cơ quan chuyên môn thực hiện trình tự, thủ tục soạn thảo nghị quyết, ngay từ đầu năm. Cơ quan thẩm định, các Ban HĐND thẩm tra dự thảo nghị quyết HĐND phải có trách nhiệm, rà soát kỹ nội dung, đưa ra những vấn đề còn vướng mắc, chưa đúng quy định của pháp luật để HĐND bàn, quyết định. Bộ máy giúp việc Thường trực HĐND, các ban HĐND, nhất là đội ngũ chuyên viên trực tiếp tham mưu thẩm tra dự thảo nghị quyết phải có trình độ và phải am hiểu cả lý luận và thực tế để đưa ra những chứng lý xác đáng, giúp các ban, Thường trực HĐND cung cấp thông tin trước và trong kỳ họp để cơ quan dự thảo nghị quyết, HĐND xem xét, điều chỉnh, quyết định đúng các nội dung thuộc thẩm quyền.
Văn Sơn