“Một người kể chuyện giỏi sẽ là cầu nối hiệu quả giữa nghệ sĩ và công chúng, giúp truyền tải những giá trị và thông điệp của tác phẩm tới người xem”. Giám tuyển nghệ thuật Ace Lê đã định nghĩa về công việc của mình như vậy. Trong nhiều cuộc trò chuyện về nghề giám tuyển, Ace Lê luôn dành lời khuyên cho công chúng, rằng “khi bạn đi tới các triển lãm, nếu có may mắn được tham gia vào các buổi diễn giải của giám tuyển (curator’s tour) thì không nên bỏ lỡ”.
Giám tuyển nghệ thuật là người chọn lựa tác phẩm, mang lại ý nghĩa cho bộ sưu tập bằng cách tạo ra sự kết nối giữa chúng. Câu chuyện mà họ tạo ra có thể về một nghệ sĩ, một phong trào nghệ thuật, một bối cảnh lịch sử hoặc một loại tác phẩm nghệ thuật nào đó… Vai trò của giám tuyển thể hiện rõ nét trong nghệ thuật đương đại, đóng góp quan trọng vào quá trình phát triển văn hóa, phát triển thị trường nghệ thuật.
Trong nghệ thuật đương đại, thực hành giám tuyển còn khiến nghệ thuật xuất hiện những phương cách mới mẻ, sáng tạo. Tại hội thảo chuyên đề ngành Giám tuyển lần thứ nhất, nghệ sĩ Nguyễn Thế Sơn chia sẻ, hơn 10 năm song hành cùng những dự án nghệ thuật cá nhân, công việc giám tuyển đến với anh một cách tự nhiên. Theo thời gian, trải nghiệm thực hành mở rộng ra những dự án quy mô, tương tác đa chiều, dần trở thành một trong những yếu tố tác động tới tiến trình, phương thức triển lãm, trưng bày và cách thức tiếp cận của các dự án nghệ thuật.
“Phần lớn các dự án nghệ thuật tiến hành gần đây tôi thường tích hợp các yếu tố giáo dục, hướng tới cộng đồng sinh viên nghệ thuật. Các dự án thường mang ý nghĩa mở rộng năng lực thực hành nghệ thuật đương đại song hành với nghiên cứu đối thoại với lịch sử, ký ức cộng đồng, mục tiêu để gợi mở sự truy vấn và tưởng tượng cho người xem”, nghệ sĩ Nguyễn Thế Sơn nói.
Có thể thấy, trong thực hành giám tuyển nghệ thuật đương đại, các giám tuyển cũng đảm nhận vai trò là người tạo nghĩa, thông qua cộng tác với nghệ sĩ, làm triển lãm, điều phối giữa nghệ sĩ - khán giả… Điều này khiến nghề giám tuyển không cố định ở một công việc và vai trò của người giám tuyển cũng được mở rộng. Đòi hỏi đối với nghề giám tuyển cũng ngày càng cao, không những về chuyên môn mà còn ở tinh thần trách nhiệm, khả năng giao tiếp, kết nối, truyền thông…
Ở Việt Nam, mặc dù hoạt động giám tuyển đang sôi động cùng với sự phát triển của đời sống nghệ thuật, song phần lớn giám tuyển đang hành nghề theo cách không chuyên nghiệp hoặc tự phát, làm việc độc lập hoặc làm việc ở các tổ chức, đơn vị tư nhân. Phần lớn trong số đó là nghệ sĩ hoặc người được học về nghệ thuật ở nước ngoài chứ không nhiều người được đào tạo chuyên sâu về giám tuyển.
Để khỏa lấp khoảng trống này, nhiều ý kiến cho rằng, bên cạnh việc Nhà nước thừa nhận giám tuyển là một nghề chính thức, cũng cần có sự hỗ trợ về mặt cơ sở hạ tầng, tài chính, tạo ra các chương trình hoạt động, giao lưu nghệ thuật phát huy vai trò của giám tuyển…
Mặt khác, bản thân người thực hành giám tuyển cũng cần nỗ lực khẳng định mình, mở rộng kiến thức liên ngành, trở thành "người kể chuyện" đáng tin cậy của công chúng, góp phần quan trọng vào đời sống nghệ thuật.
Nói như Ace Lê, “một giám tuyển tốt là một giám tuyển không chỉ bài bản, mà còn phải có đạo đức, bởi những quyết định tuyển chọn của họ có ảnh hưởng lớn tới nghệ sĩ và tác phẩm, kéo theo đó là định giá ở gallery và sàn đấu giá”.