Tri thức về tôn giáo, tín ngưỡng vô cùng phong phú, sống động và gắn bó mật thiết với đời sống văn hoá, kinh tế, xã hội, đặc biệt ở quốc gia đa tôn giáo như Việt Nam.
Bên cạnh đó, đời sống xã hội hiện đại đang xuất hiện thêm những hiện tượng tôn giáo, tín ngưỡng mới đòi hỏi sự giải thích, đánh giá, nhận thức đúng đắn từ góc độ khoa học Tôn giáo. Vì vậy, Tôn giáo học ngày càng có vị trí quan trọng ở Việt Nam cũng như trên thế giới.
Theo PGS.TS Trần Thị Kim Oanh, Trưởng Bộ môn Tôn giáo học, Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn, ĐH Quốc gia Hà Nội, hiện nay, Bộ môn Tôn giáo học tại Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn vẫn là đơn vị đầu tiên đào tạo đủ 3 hệ Cử nhân, Thạc sĩ và Tiến sĩ Tôn giáo học ở Việt Nam.
Chương trình đào tạo ngành Tôn giáo học tại Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn chú trọng trang bị cho sinh viên những tri thức bài bản, chuyên sâu về liý thuyết tôn giáo, các tôn giáo trên thế giới, vai trò và vị trí tôn giáo trong đời sống xã hội, đồng thời có tính liên ngành cao, khả năng ứng dụng rộng rãi trong thực tiễn.
Bên cạnh đó, tăng cường thực hành, rèn luyện cho sinh viên các kĩ năng cần thiết trong công việc sau khi ra trường.
PGS.TS Oanh cho hay, sinh viên tốt nghiệp ngành Tôn giáo học có thể ứng tuyển vào nhiều vị trí việc làm phong phú tại các cơ quan quản lý Trung ương và địa phương về văn hóa, tôn giáo, tín ngưỡng; các đơn vị nghiên cứu, đào tạo; các tổ chức tôn giáo ở Việt Nam, cơ quan truyền thông, báo chí, nhà xuất bản,…
Được biết, trong thời gian tới, Bộ môn Tôn giáo học sẽ sớm mở thêm một mã ngành mới để đào tạo cán bộ chuyên sâu về quản lý nhà nước trong các hoạt động tôn giáo, tín ngưỡng, đáp ứng nhu cầu lớn về nguồn nhân lực hiện nay.