Bên cạnh đó, NHNN giảm 0,5%/năm trần lãi suất cho vay ngắn hạn VND đối với lĩnh vực ưu tiên; đồng thời, giảm 0,3%/năm lãi suất đối với tiền gửi bằng VND tại NHNN.
Trần lãi suất huy động cũng giảm. Lãi suất tối đa áp dụng đối với tiền gửi không kỳ hạn và có kỳ hạn dưới 1 tháng giảm từ mức 1%/năm xuống 0,5%/năm; lãi suất tối đa áp dụng đối với tiền gửi có kỳ hạn từ 1 tháng đến dưới 6 tháng giảm từ 6%/năm xuống 5,5%/năm, riêng lãi suất tối đa đối với tiền gửi bằng VND tại Quỹ tín dụng nhân dân, Tổ chức tài chính vi mô giảm từ 6,5%/năm xuống 6%/năm. Riêng lãi suất tiền gửi có kỳ hạn từ 6 tháng trở lên do tổ chức tín dụng (TCTD) ấn định trên cơ sở cung - cầu vốn thị trường.
Các mức lãi suất mới có hiệu lực từ ngày 3.4.
Đại diện NHNN cho biết: Việc tiếp tục điều chỉnh giảm các mức lãi suất điều hành nêu trên là giải pháp linh hoạt, phù hợp với điều kiện thị trường hiện nay để thực hiện mục tiêu phục hồi tăng trưởng kinh tế của Quốc hội và Chính phủ, qua đó tiếp tục định hướng giảm mặt bằng lãi suất thị trường, góp phần tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và nền kinh tế.
Đồng thời, việc điều chỉnh giảm trần lãi suất tiền gửi bằng VND các kỳ hạn dưới 6 tháng để các TCTD giảm chi phí đầu vào, trên cơ sở đó có điều kiện giảm lãi suất cho vay hỗ trợ khách hàng giảm chi phí tài chính; tiếp tục điều chỉnh giảm trần lãi suất cho vay ngắn hạn tối đa bằng VND đối với các lĩnh vực ưu tiên xuống 4,5%/năm tạo điều kiện để doanh nghiệp và người dân tiếp cận vốn vay với chi phí thấp hơn trong các lĩnh vực ưu tiên theo chủ trương của Chính phủ.
"Việc tiếp tục giảm lãi suất điều hành tái khẳng định định hướng về xu hướng giảm lãi suất cho thị trường trong thời gian tới, qua đó định hướng TCTD giảm lãi suất cho vay, đồng hành cùng doanh nghiệp và người dân góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế", thông cáo báo chí của NHNN nêu tối 31.3.
Thời gian qua, kinh tế toàn cầu bất trắc, lạm phát neo cao, rủi ro bất ổn tài chính ngân hàng khiến ngân hàng Trung ương các nước thận trọng hơn trong việc thắt chặt chính sách tiền tệ. Các nước phát triển bước đầu tránh được suy thoái. Hoạt động kinh tế vẫn tăng tại Mỹ, Châu Âu, Nhật Bản, Trung Quốc với động lực chính từ khu vực dịch vụ .
Từ ngày 10.3 đến nay, một số ngân hàng đóng cửa hoặc gặp khó khăn tại Mỹ và châu Âu khiến triển vọng toàn cầu thêm khó lường, rủi ro suy thoái kinh tế gia tăng. Các ngân hàng Trung ương lớn đã bắt đầu phát tín hiệu chậm lại đà tăng lãi suất; ngày 22.3, Cục Dự trữ Liên bang (Fed) chỉ tăng lãi suất thêm 0,25% và phát tín hiệu còn tăng thêm 1 lần vào tháng 5.2023. Các tổ chức quốc tế thay đổi dự báo: tăng trưởng kinh tế toàn cầu năm 2023: IMF (01/2023): 2,9%; WB (01/2023): 1,7%; trong khi dự báo lạm phát toàn cầu năm 2023 được điều chỉnh tăng: IMF (01/2023): 6,6% (trước đó dự báo 6,5%) và 4,3% năm 2024 (trước đó là 4,1%).
Để hỗ trợ doanh nghiệp và người dân, Thủ tướng Phạm Minh Chính vừa chỉ đạo ngành Ngân hàng cần tiếp tục rà soát, cắt giảm chi phí để giảm lãi suất cho vay.
Ngày 31.3, phát biểu tại lễ kỷ niệm 60 năm ngày thành lập và đón nhận danh hiệu Anh hùng Lao động của Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank), Thủ tướng Phạm Minh Chính nhận định: Tình hình thế giới dự báo tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường, nhất là ảnh hưởng nặng nề của đại dịch COVID-19 còn kéo dài, cạnh tranh chiến lược gay gắt giữa các nước lớn, xung đột ở Ukraine vẫn còn căng thẳng.
Chính vì vậy, hoạt động sản xuất kinh doanh trong nước còn gặp nhiều khó khăn. Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo chung ngành Ngân hàng tiếp tục rà soát, tiết giảm chi phí để giảm lãi suất, chi phí cho vay để góp phần tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh; đồng thời phải bảo đảm tăng trưởng tín dụng kịp thời, hợp lý, hiệu quả gắn với bảo đảm chất lượng tín dụng.
Tín dụng được tập trung cho các lĩnh vực ưu tiên, các động lực tăng trưởng kinh tế (tiêu dùng, đầu tư, xuất khẩu), góp phần tạo việc làm, bảo đảm an sinh xã hội (nhất là lĩnh vực nhà ở xã hội, nhà ở công nhân). Mặt khác, ngành Ngân hàng cần tiếp tục đẩy mạnh cơ cấu lại gắn với xử lý nợ xấu; khẩn trương nghiên cứu, đề xuất cấp có thẩm quyền các giải pháp phù hợp về cơ cấu lại nợ, miễn giảm lãi suất, gia hạn nợ…
Chiều 31.3, Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ - NHNN, ông Phạm Chí Quang cho biết: Lạm phát đang trong tầm kiểm soát và các ngân hàng Trung ương lớn trên thế giới có xu hướng giảm tốc độ tăng lãi suất tạo dư địa cho NHNN Việt Nam giảm lãi suất điều hành. Trong quý I/2023 đã có tối thiểu 24 ngân hàng thương mại giảm lãi suất huy động và lãi suất cho vay.
Đề cập việc giảm lãi suất điều hành, ông Phạm Chí Quang cho rằng: Đây luôn là mong muốn của Chính phủ, của NHNN trong suốt thời gian dài vừa qua. “NHNN luôn điều hành để mặt bằng lãi suất giảm, vận động các ngân hàng thương mại cắt giảm chi phí để giảm lãi suất cho vay. Trên cơ sở các yếu tố vĩ mô trong nước cũng như việc các ngân hàng Trung ương lớn trên thế giới đã giảm tốc quá trình thắt chặt tiền tệ, NHNN có thể sẽ xem xét giảm thêm một số lãi suất điều hành như trần lãi suất huy động, trần lãi suất cho vay trong thời gian tới để hỗ trợ nền kinh tế”, ông Phạm Chí Quang cho biết.