Kết quả tăng trưởng này đã vượt mục tiêu đặt ra cho quý I.2025 tại Nghị quyết số 01 của Chính phủ, nhưng chưa đạt mục tiêu phấn đấu cao hơn tại Nghị quyết số 25/NQ-CP ngày 5.2.2025 do thế giới biến động nhanh, nhiều bất ổn đã ảnh hưởng đến kinh tế - xã hội nước ta.

Kết quả tăng trưởng này đã vượt mục tiêu đặt ra cho quý I.2025 tại Nghị quyết số 01 của Chính phủ, nhưng chưa đạt mục tiêu phấn đấu cao hơn tại Nghị quyết số 25/NQ-CP ngày 5.2.2025 do thế giới biến động nhanh, nhiều bất ổn đã ảnh hưởng đến kinh tế - xã hội nước ta.
Theo đó, nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 3,74%, đóng góp 6,09% vào mức tăng tổng giá trị tăng thêm của toàn nền kinh tế. Công nghiệp và xây dựng tăng 7,42%, đóng góp 40,17%. Dịch vụ tăng 7,70%, đóng góp 53,74%
Khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng trưởng đạt mục tiêu đề ra trong quý I với sản lượng thu hoạch một số cây lâu năm, sản lượng gỗ khai thác và sản lượng nuôi trồng thủy sản tăng khá nhờ ứng dụng kỹ thuật, công nghệ cao đáp ứng yêu cầu thị trường trong nước và xuất khẩu.
Trong khu vực công nghiệp và xây dựng, sản xuất công nghiệp tiếp tục khởi sắc. Giá trị tăng thêm toàn ngành công nghiệp quý tăng 7,32% so với cùng kỳ năm trước, đóng góp 2,39 điểm phần trăm vào mức tăng tổng giá trị tăng thêm của toàn nền kinh tế. Ngành công nghiệp chế biến, chế tạo là động lực tăng trưởng của toàn nền kinh tế với tốc độ tăng 9,28%, đóng góp 2,33 điểm phần trăm.
Về sử dụng GDP quý I, tiêu dùng cuối cùng tăng 7,45% so với cùng kỳ năm trước, tích lũy tài sản tăng 7,24%, xuất khẩu hàng hóa và dịch vụ tăng 9,71%, nhập khẩu hàng hóa và dịch vụ tăng 12,45%.
Về đơn đặt hàng, có 23,3% số doanh nghiệp có số lượng đơn đặt hàng mới quý I cao hơn quý IV.2024; 47,4% số doanh nghiệp có số đơn đặt hàng mới ổn định và 29,3% số doanh nghiệp có đơn hàng giảm
Xu hướng quý II.2025 so với quý I.2025, có 43,3% số doanh nghiệp dự kiến số lượng đơn đặt hàng mới tăng lên; 42,8% số doanh nghiệp dự kiến số lượng ổn định và 13,9% số doanh nghiệp dự kiến giảm.
Về đơn đặt hàng xuất khẩu, quý I.2025 so với quý IV.2024, có 20,6% số doanh nghiệp khẳng định số lượng đơn đặt hàng xuất khẩu mới cao hơn; 53,2% số doanh nghiệp có đơn đặt hàng xuất khẩu mới ổn định và 26,2% số doanh nghiệp có đơn hàng xuất khẩu mới giảm.
Xu hướng quý II.2025 so với quý I.2025, có 37,8% số doanh nghiệp dự kiến tăng số lượng đơn đặt hàng xuất khẩu mới; 48,9% số doanh nghiệp dự kiến ổn định và 13,3% số doanh nghiệp dự kiến giảm...
Mặc dù nhiều lĩnh vực phục hồi, nhưng doanh nghiệp vẫn chưa hết khó khăn. Theo Cục Thống kê, số đơn vị giải thể, ngừng hoạt động trong quý đầu năm cao hơn lập mới, quay lại thị trường.
Ba tháng đầu năm, cả nước có hơn 36.400 doanh nghiệp thành lập mới, tổng vốn đăng ký là 356.800 tỷ đồng. Số quay lại hoạt động cũng tăng nhẹ 2,4% so với cùng kỳ 2024, đạt hơn 36.500 đơn vị. Như vậy, mỗi tháng có hơn 24.300 doanh nghiệp thành lập mới, quay lại hoạt động.
Tuy nhiên, doanh nghiệp đóng cửa, giải thể vẫn tăng mạnh. Bình quân một tháng có gần 26.300 doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường. Như vậy, doanh nghiệp đóng cửa bình quân mỗi tháng cao hơn khoảng 2.000 đơn vị so với thành lập mới.
Theo Cục trưởng Cục Thống kê Nguyễn Thị Hương bước sang quý II, kinh tế - xã hội nước ta tiếp tục đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, nhất là nền kinh tế Việt Nam có độ mở lớn nên chịu tác động đan xen trước những khó khăn, thách thức của kinh tế thế giới. Các biến động về kinh tế, chính trị, dịch bệnh, thiên tai khó dự báo. Do đó, để đạt mục tiêu tăng trưởng trên 8% của năm 2025 là thách thức lớn, cần sự chung sức, đồng lòng của cả hệ thống chính trị, của Chính phủ, doanh nghiệp và nhân dân cả nước. Các ngành, các cấp tăng cường cập nhật, dự báo tình hình, chủ động điều hành linh hoạt, phù hợp với tình hình mới, kịp thời ứng phó với các tình huống phát sinh, kiên định thực hiện hiệu quả mục tiêu thúc đẩy tăng trưởng gắn với ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm an sinh xã hội và đời sống của người dân.