
Bài viết của Tổng Bí thư Tô Lâm “Phát triển kinh tế tư nhân - Đòn bẩy cho một Việt Nam thịnh vượng” cho thấy tầm nhìn chiến lược của người đứng đầu Đảng ta về vị trí, vai trò quan trọng của khu vực kinh tế tư nhân trong sự phát triển của đất nước.
Tổng Bí thư Tô Lâm đã khẳng định, khu vực kinh tế tư nhân với gần một triệu doanh nghiệp, khoảng 5 triệu hộ kinh doanh, đóng góp khoảng 51% GDP, 82% tổng số lao động của nền kinh tế và 60% tổng vốn đầu tư toàn xã hội “đã trỗi dậy mạnh mẽ, trở thành một trong những trụ cột quan trọng hàng đầu của nền kinh tế và ngày càng thể hiện là động lực quan trọng nhất để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế quốc gia”.
Theo trang vnr500.com.vn, trong 100 doanh nghiệp có quy mô vốn hóa lớn nhất Việt Nam năm 2024 có 44 doanh nghiệp tư nhân. Cũng trong năm 2024, theo vietnambestplacestowork.com, 32 trong số 100 doanh nghiệp được đánh giá là nơi làm việc tốt nhất tại Việt Nam thuộc khu vực doanh nghiệp tư nhân, phản ánh sự phát triển mạnh mẽ của khu vực này, gắn liền với cải thiện môi trường làm việc và nâng cao năng lực quản trị. Ngoài ra, dữ liệu từ cafef.vn cho thấy, 100 doanh nghiệp tư nhân nộp ngân sách lớn nhất Việt Nam năm 2023 đã đóng góp gần 173 nghìn tỷ đồng, trong đó hơn 30 doanh nghiệp có số nộp vượt ngưỡng “nghìn tỷ” như Vingroup (30,9 nghìn tỷ), Trường Hải (21 nghìn tỷ), và Hòa Phát (9 nghìn tỷ). Đó là những con số thống kê hết sức tích cực, minh chứng cụ thể về “sự vươn lên mạnh mẽ của nhiều doanh nghiệp tư nhân Việt Nam”.
Tuy nhiên, đúng như nhận định của Tổng Bí thư Tô Lâm, kinh tế tư nhân hiện vẫn đối mặt với nhiều rào cản kìm hãm sự phát triển, không thể bứt phá về quy mô và năng lực cạnh tranh. Trong nhiều nguyên nhân của tình trạng này mà Tổng Bí thư Tô Lâm đã chỉ rõ, chính là: “hệ thống pháp luật còn nhiều bất cập, chồng chéo, môi trường kinh doanh nhiều trở ngại, thủ tục hành chính phức tạp, tốn nhiều thời gian, chi phí và tiềm ẩn rủi ro”; “hiện tượng nhũng nhiễu, chi phí không chính thức vẫn tồn tại, tạo ra một gánh nặng vô hình đối với doanh nghiệp tư nhân, làm giảm hiệu quả sản xuất kinh doanh và gây tâm lý e ngại khi mở rộng đầu tư”.
Việc Tổng Bí thư nhìn thẳng vào sự thật, chỉ rõ những hạn chế đang cản trở sự phát triển của doanh nghiệp tư nhân “xuất phát một phần từ những bất cập của hệ thống thể chế và chính sách kinh tế, môi trường kinh doanh”, đã mang lại niềm tin cho cộng đồng doanh nghiệp và hộ kinh doanh cá thể trong cả nước. Họ tin rằng những khó khăn, trở ngại này sẽ sớm được Nhà nước khắc phục, để thể chế chuyển biến từ “điểm nghẽn của điểm nghẽn” thành “đột phá của đột phá”.
Tổng Bí thư Tô Lâm cũng cho biết, sắp tới Bộ Chính trị sẽ có nghị quyết về kinh tế tư nhân để tạo ra động lực đột phá, mở ra “kỷ nguyên vươn mình của doanh nghiệp tư nhân Việt Nam”, xác định “phát triển kinh tế tư nhân là chiến lược, chính sách lâu dài của quốc gia, cùng với kinh tế nhà nước, kinh tế tập thể là tập hợp nòng cốt để xây dựng nền kinh tế tự chủ, tự lực, tự cường”.
Để các doanh nghiệp tư nhân lớn trở thành các tập đoàn kinh tế lớn, vươn ra cạnh tranh toàn cầu, để gần 1 triệu doanh nghiệp vừa và nhỏ lớn mạnh, 5 triệu hộ kinh doanh cá thể phát triển lên thành doanh nghiệp thì hoàn thiện thể chế là điều kiện tiên quyết. Việc này không quá tốn kém, không mất quá nhiều thời gian vì nó chủ yếu phụ thuộc vào tầm nhìn, nhận thức, ý chí của người làm chính sách.
Đường lối, chủ trương của Đảng cần được nhanh chóng thể chế hóa bằng các quy định của pháp luật để sớm đi vào cuộc sống. Hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về kinh tế tư nhân càng đầy đủ, công khai, minh bạch bao nhiêu thì càng loại trừ các yếu tố chủ quan của con người trong bộ máy công quyền trong quan hệ với doanh nghiệp bấy nhiêu; qua đó cũng góp phần nâng cao nhận thức và năng lực của công chức, viên chức, nhất là trong cuộc cách mạng về tinh giản tổ chức, bộ máy, biên chế nhà nước hiện nay. Xét cho cùng, nghị quyết của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước có hiệu quả, hiệu lực hay không phụ thuộc rất nhiều vào năng lực và đạo đức của người thực thi công vụ, những người trực tiếp giải quyết công việc, tiếp xúc với doanh nghiệp và người dân.
Quốc hội Khóa XIV đã ban hành Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, trong đó quy định về nguyên tắc, nội dung, nguồn lực hỗ trợ; trách nhiệm của cơ quan, tổ chức và cá nhân liên quan đến hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa. Đây là bước tiến lớn trong nhận thức về tầm quan trọng của khu vực kinh tế tư nhân. Luật quy định về doanh nghiệp nhỏ và vừa khởi nghiệp sáng tạo; về việc các doanh nghiệp siêu nhỏ được áp dụng các thủ tục hành chính thuế và chế độ kế toán đơn giản theo quy định của pháp luật về thuế, kế toán. Tuy nhiên trong thực tế, việc cụ thể hóa các quy định này trong các văn bản dưới luật chưa đem lại những hiệu quả tích cực của chính sách, nhất là trong việc hỗ trợ đối với các start-up công nghệ hay chuyển đổi mô hình các hộ kinh doanh cá thể.
Hỗ trợ các start-up công nghệ là một phần không thể thiếu trong chiến lược phát triển kinh tế tư nhân. Cần có những cơ chế, chính sách đặc thù, riêng có để khuyến khích hình thành và phát triển các start-up công nghệ, nhất là các “kỳ lân công nghệ”. Như vậy, chúng ta mới có thể đạt được mục tiêu Nghị quyết 57-NQ/TW đặt ra.
Để doanh nghiệp tư nhân trong nước có thể tham gia các dự án trọng điểm quốc gia, nên chăng trong Luật Đấu thầu, trong các luật chuyên ngành khác về dầu khí, năng lượng… cần quy định tỷ trọng, mức độ tham gia của doanh nghiệp nội địa. Chúng ta ưu tiên sử dụng các nhà thầu trong nước bằng những tiêu chuẩn, tiêu chí kỹ thuật hợp lý, không trái với các điều ước quốc tế nước ta đã tham gia. Doanh nghiệp tư nhân hoàn toàn có thể tiếp nhận chuyển giao công nghệ, ứng dụng và tiến tới nghiên cứu, sáng tạo, phát triển công nghệ đáp ứng yêu cầu của những công trình, dự án công nghệ cao. Đó cũng chính là quy luật của sự phát triển của chuỗi giá trị mà mọi doanh nghiệp đều hướng tới.
Hoặc, để thực hiện Chiến lược phát triển công nghiệp bán dẫn và Chiến lược phát triển năng lượng hydrogen của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050, việc xây dựng hệ thống pháp lý rõ ràng và đồng bộ là rất quan trọng. Cụ thể, cần luật hóa các quy định về cơ chế, chính sách huy động vốn, hình thức đầu tư, thu hút đầu tư từ các doanh nhân tư nhân, cũng như sự hỗ trợ từ các đối tác quốc tế. Đồng thời, cần tăng cường đầu tư vào khoa học công nghệ, phát triển nguồn nhân lực, và áp dụng các công cụ thị trường để thúc đẩy tăng trưởng xanh, nền kinh tế carbon thấp và kinh tế tuần hoàn.
Cộng đồng doanh nghiệp kỳ vọng vào việc Nhà nước bảo đảm quyền tự do kinh doanh và quyền cạnh tranh bình đẳng cho khu vực kinh tế tư nhân, để mọi người có thể tự do kinh doanh trong những ngành nghề mà pháp luật không cấm. Điều này sẽ giúp doanh nghiệp yên tâm và mạnh dạn đầu tư, đổi mới sáng tạo, đồng thời tham gia vào các lĩnh vực kinh tế chiến lược như công nghiệp công nghệ số, công nghiệp bán dẫn, công nghiệp hydrogen, chuyển đổi năng lượng, công nghiệp lưỡng dụng, và các dự án trọng điểm quốc gia như trung tâm tài chính quốc tế, đường sắt tốc độ cao, đường sắt nội đô, điện nguyên tử. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp cũng có thể tham gia vào các dự án hạ tầng lớn trong các lĩnh vực năng lượng, giao thông, thủy lợi, y tế, giáo dục, điển hình như Vingroup xung phong xây dựng tuyến metro đi Cần Giờ, Thaco sản xuất toa xe, Hòa Phát cung cấp thanh ray cho dự án đường sắt tốc độ cao.
Chúng ta cần tập trung hoàn thiện thể chế, xây dựng hệ thống pháp lý rõ ràng và đồng bộ để thúc đẩy sự bứt phá mạnh mẽ của khu vực kinh tế tư nhân. Điều này sẽ giúp nước ta đạt được tốc độ tăng trưởng kinh tế hai con số trong những năm tới, vượt qua bẫy thu nhập trung bình và “làm nên những kỳ tích mới trong phát triển kinh tế - xã hội”, tiến kịp các quốc gia phát triển với các mục tiêu cụ thể tại cột mốc lịch sử 100 năm thành lập Đảng vào năm 2030 và 100 năm thành lập nước vào năm 2045. Trong quá trình nghiên cứu, thảo luận, thông qua các dự án sửa đổi, bổ sung các luật hiện hành hay xây dựng mới các luật, văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến kinh tế tư nhân cần phải luôn bám sát, cụ thể hóa, chi tiết hóa đường lối, chủ trương của Đảng, đáp ứng kịp thời những yêu cầu của thực tiễn.