Giới chức thành phố Phàn Chi Hoa, nằm ở phía Tây Nam tỉnh Tứ Xuyên, hôm 28.7 cho biết các bậc phu huynh trong khu vực có thể yêu cầu trợ cấp 500 nhân dân tệ/tháng để nuôi con thứ 2 hoặc thứ 3 từ khi đứa trẻ được sinh ra cho đến năm 3 tuổi. Họ cũng sẽ được tiếp cận dịch vụ chăm sóc thai sản miễn phí tại các bệnh viện, các cơ sở tư nhân hoặc sở hữu nhà nước trong thành phố, những nơi đang được khuyến khích cung cấp dịch vụ chăm sóc trẻ em.
Động thái này được đưa ra sau khi Thủ tướng Lý Khắc Cường hôm 27.7 cam kết giảm bớt gánh nặng chăm sóc trẻ em, nhằm khuyến khích các cặp vợ chồng sinh nhiều con hơn. “Đất nước nên cải thiện chất lượng dịch vụ, xây dựng hệ thống chăm sóc trẻ em tổng thể và các chính sách kinh tế - xã hội gắn liền với chính sách kế hoạch hóa gia đình. Vấn đề dân số có ý nghĩa quyết định đối với sự phát triển cơ bản, tổng thể và chiến lược của Trung Quốc”, ông Lý Khắc Cường nhấn mạnh.
Sẽ luật hóa chính sách sinh con thứ ba
Hồi tháng 5 vừa qua, Trung Quốc đã đưa ra thay đổi lớn về chính sách kế hoạch hóa gia đình, khi lần đầu tiên cho phép các cặp vợ chồng sinh con thứ 3, loại bỏ chính sách chỉ cho phép mỗi cặp vợ chồng sinh 2 con được duy trì từ năm 2016, trong bối cảnh dân số già hóa đang trở thành mối lo ngại của nước này.
Trong khi thay đổi chính sách vẫn chưa được luật hóa, tuần trước Ủy ban Y tế Quốc gia đã xác nhận rằng tất cả công dân đại lục hiện đều có thể sinh con thứ 3. Các cặp vợ chồng chỉ cần đăng ký với chính quyền địa phương và họ sẽ nhận được các giấy tờ cần thiết khi chính sách sửa đổi được thông qua. Bà mẹ sinh con thứ 3 sẽ được nghỉ hưởng chế độ thai sản 98 ngày.
Hôm 27.7, Hãng thông tấn nhà nước Tân Hoa cho biết dự thảo sửa đổi Luật Dân số và kế hoạch hóa gia đình sẽ được đệ trình lên cơ quan lập pháp Trung Quốc để xem xét vào tháng tới.
Phó Thủ tướng Tôn Xuân Lan cho biết các gia đình sẽ được hỗ trợ nhiều hơn, như giảm thuế đối với chi phí trông trẻ em dưới 3 tuổi và nhiều dịch vụ mầm non đang được cân nhắc. “Chúng ta nên loại bỏ các ý tưởng, chính sách và cơ chế ảnh hưởng đến sự phát triển dân số cân bằng trong dài hạn. Chúng tôi sẽ hỗ trợ các bậc cha mẹ bằng hệ thống các dịch vụ sinh đẻ được xây dựng tốt hơn, giảm chi phí cho việc kết hôn, sinh con, nuôi dạy và giáo dục con cái”.
Đúng nhưng chưa đủ
Quyết định về việc khuyến khích sinh con thứ ba được đánh giá là chính sách hợp lý và mang tính tích cực, nhưng chưa đủ để khuyến khích các cặp vợ chồng có thêm con.
"Phụ nữ phần lớn phải gánh trách nhiệm nuôi dạy con cái, trong khi xã hội chưa thực sự hỗ trợ họ. Nếu đàn ông có thể góp sức nhiều hơn và gia đình chăm lo hơn cho các phụ nữ mới sinh, nhiều người sẽ nghĩ đến đẻ con thứ 2. Nhưng nhìn vào bức tranh tổng thể, tôi thực sự không muốn có đứa con thứ 2 chứ chưa nói đến đẻ 3 con", Zhang Xinyu, bà mẹ một con ở Trịnh Châu, cho hay.
Gan Yuyang, 30 tuổi, cho biết người trẻ Trung Quốc hiện nay phải tập trung mua nhà, tạo ra áp lực không nhỏ với cuộc sống của họ. "Sinh đẻ và nuôi dạy con cái càng đặt thêm nhiều gánh nặng tài chính. Tôi nghĩ chính sách này sẽ khó có hiệu quả", anh nói.
Zhiwei Zhang, nhà kinh tế học thuộc Công ty Pinpoint Asset Management, cho rằng quyết định của Bắc Kinh sẽ có tác dụng tích cực trong tức thời, nhưng không tạo ra nhiều ảnh hưởng ở tầm vĩ mô. "Tác động dài hạn sẽ phụ thuộc vào việc chính phủ có thể cắt giảm chi phí nuôi dạy trẻ em, đặc biệt là nhà ở và giáo dục, hay không", ông nhận định.
"Đây là bước đi đúng hướng, nhưng vẫn còn khá nhỏ. Chính phủ Trung Quốc cần nới lỏng hoàn toàn chính sách sinh con, nhưng điều đó cũng khó tăng đáng kể tỷ lệ sinh. Thay đổi đáng lẽ phải diễn ra từ 5 năm trước, dù muộn còn hơn không", Shuang Ding, nhà kinh tế học hàng đầu của tổ chức Standard Chartered, cho hay.
Xu Hongcai, Phó giám đốc Ủy ban Chính sách Kinh tế thuộc Hiệp hội Khoa học Chính sách Trung Quốc, cho rằng cho phép sinh con thứ ba là động thái lớn và đúng đắn, nhưng rất khó để đảo chiều tỷ lệ sinh đang suy giảm hiện nay. "Cần có thêm chính sách khuyến khích sinh con, tỷ lệ sinh 1,3 con/phụ nữ quá thấp và cũng là tín hiệu nguy hiểm. Tuy nhiên, Trung Quốc vẫn duy trì phương án cải cách từng bước để đạt thành tựu trong khi vẫn bảo đảm ổn định. Mỗi gia đình có 3 con là giải pháp hợp lý. Một số gia đình nông thôn muốn có nhiều con hơn mức này, đó có thể trở thành vấn đề", ông Xu nói.
Áp lực dân số già
Dân số Trung Quốc đang bị già hóa với tốc độ chưa từng thấy, một phần do chính sách 1 con nghiêm ngặt kéo dài hàng thập kỷ và kết thúc vào năm 2016. Trước đó, các cặp vợ chồng cần phải xin giấy phép để sinh con, những người vi phạm chính sách này phải đối mặt với khoản tiền phạt rất nặng.
Tỷ lệ sinh hiện nay của Trung Quốc là 1,3 con/phụ nữ, thấp hơn mức 2,1 cần thiết để bảo đảm dân số ổn định. Số con trung bình mà một phụ nữ Trung Quốc muốn có trong năm ngoái là 1,8.
Theo số liệu của chính quyền địa phương, số lượng ca sinh đã giảm mạnh trong nửa đầu năm nay, trong bối cảnh cuộc khủng hoảng nhân khẩu học đang cận kề tạo thêm nhiều áp lực cho Trung Quốc. Chẳng hạn ở tỉnh Hà Nam, số trẻ sơ sinh đã giảm 17,9% so với một năm trước đó xuống còn 411.000 trẻ trong nửa đầu năm nay. Trong khi đó, thành phố Giao Châu ở tỉnh Sơn Đông chỉ cấp 3.238 giấy khai sinh trong cùng giai đoạn, giảm 11,6% so với một năm trước.
Dữ liệu điều tra dân số mới nhất của Trung Quốc cho thấy số ca sinh mới trong năm 2020 đã giảm năm thứ 4 liên tiếp. Chỉ có khoảng 12 triệu trẻ sơ sinh ra đời, giảm 18% so với 14,65 triệu vào năm 2019, mức thấp nhất trong gần 6 thập kỷ.
Sự thay đổi nhân khẩu học ở Trung Quốc có ý nghĩa kinh tế và chính trị đối với nền kinh tế lớn thứ hai thế giới. Chính phủ Trung Quốc cuối năm ngoái ước tính dân số đạt mức cao nhất vào năm 2027. Tuy nhiên, các nhà nhân khẩu học tin rằng dân số Trung Quốc có thể sẽ bắt đầu giảm trong vài năm tới.
He Yafu, chuyên gia độc lập về nhân khẩu học của Trung Quốc, tháng trước dự đoán dân số sẽ bắt đầu giảm ngay trong năm tới, khi số lượng sinh giảm xuống dưới 10 triệu và số người chết vượt quá 10 triệu. Các chuyên gia cho rằng đến năm 2050, Trung Quốc sẽ phải hỗ trợ hàng trăm triệu người già.