Trong giai đoạn 1 của Kế hoạch sắp xếp, di dời các cơ sở nuôi trồng thủy sản lồng bè trên địa bàn, Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN - PTNT) đã phối hợp hoàn thành công tác thả phao nhận dạng các khu quy hoạch nuôi trồng thủy sản (88 phao) giúp cơ quan quản lý và cơ sở nuôi xác định rõ ranh giới vùng nuôi; kiểm tra, cấp giấy xác nhận đăng ký nuôi thủy sản lồng bè có thời hạn cho 198/203 cơ sở trong vùng quy hoạch (đạt 97,54%), 165 cơ sở được đo đạc cấp bản vẽ vị trí nuôi phục vụ công tác cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng mặt nước để nuôi trồng thủy sản… Về cơ bản, các nhiệm vụ triển khai thực hiện giai đoạn 1 đã hoàn thành. Ban chỉ đạo sắp xếp lồng bè đang tiếp tục đôn đốc các địa phương sớm triển khai thực hiện các nhiệm vụ trong giai đoạn 2.
Về tình trạng đánh bắt thủy sản bằng hình thức tận diệt gây hại nghiêm trọng đến nguồn thủy hải sản trên biển hiện nay trên địa bàn, đại diện Sở NN - PTNT cho biết: Sở đã thực hiện những giải pháp mạnh mẽ, quyết liệt. 5 tháng đầu năm 2020, Thanh tra Sở đã tiến hành 7 đoàn, kiểm tra 378 phương tiện, phát hiện 53 trường hợp vi phạm, xử lý hành chính gần 400 triệu đồng, không phát hiện trường hợp vi phạm về khai thác tại vùng biển nước ngoài.
Tại buổi làm việc của Ban Kinh tế - Ngân sách và Văn hóa - Xã hội HĐND tỉnh tại Sở NN - PTNT về việc quản lý lồng bè nuôi trồng thủy sản; hoạt động kinh doanh, ăn uống của các nhà bè trên sông và việc đánh bắt thủy sản hình thức tận diệt gây hại nghiệm trọng đến nguồn thủy hải sản trên biển mới đây, các thành viên trong Đoàn đã đưa ra nhiều ý kiến chất vất về những nội dung còn thiếu sót, hạn chế như: Các đơn vị chưa quyết liệt trong kiểm tra, kiểm soát xử lý các cơ sở vi phạm; cần chủ động đề xuất, kiến nghị việc đầu tư trang thiết bị phục vụ công tác tuần tra, kiểm tra hoạt động trên biển; tăng cường phối hợp các đơn vị trong sắp xếp quy hoạch các cơ sở nuôi cá lồng bè, kinh doanh ăn uống…
Thực tế trên cho thấy, bên cạnh phối hợp cùng các đơn vị liên quan đề xuất lên UBND tỉnh các giải pháp mạnh mẽ, quyết liệt hơn, Sở NN - PTNT cần tổ chức đánh giá tác động của môi trường thủy sản để điều chỉnh quy hoạch hợp lý, tránh các tác động xấu tới môi trường. Tích cực kiểm tra các hoạt động kinh doanh ăn uống bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm, vệ sinh môi trường… xây dựng lộ trình thực hiện công tác sắp xếp, di dời nuôi cá lồng bè trên địa bàn… Đặc biệt, từng bước ngăn chặn tình trạng đánh bắt thủy sản bằng hình thức tận diệt gây hại nghiêm trọng đến nguồn thủy hải sản trên biển, bên cạnh tăng cường tuần tra, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm, cần quan tâm chuyển đổi ngành nghề cho các đối tượng đánh bắt gần bờ sang các ngành nghề khác hoặc chuyển sang hình thức nuôi trồng.