Lợi dụng phân hóa giàu - nghèo gây ra điểm “nóng”
Âm mưu xuyên suốt của các thế lực thù địch trong việc lợi dụng phân hóa giàu - nghèo chống phá nước ta hiện nay là nhằm làm sai lệch nhận thức, phai nhạt tình cảm, niềm tin của cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng và quản lý của Nhà nước; vào bản chất tốt đẹp của chế độ xã hội chủ nghĩa; làm suy yếu mặt trận chính trị - tư tưởng của đất nước. Để thực hiện âm mưu này, các thế lực thù địch đã và đang sử dụng rất nhiều thủ đoạn khác nhau.
Một là, lợi dụng phân hóa giàu - nghèo để tuyên truyền xuyên tạc về bản chất của chế độ xã hội chủ nghĩa mà Đảng và nhân dân ta xây dựng. Thực tiễn cho thấy, phân hóa giàu - nghèo là một trong những nguyên nhân gây phức tạp xã hội như: tình trạng bất bình đẳng trong xã hội; tình trạng vi phạm quyền tự do, dân chủ của một bộ phận quần chúng nhân dân. Các thế lực thù địch lợi dụng gây mất đoàn kết, chia rẽ trong nội bộ nhân dân và giữa nhân dân với Đảng, Nhà nước; Lợi dụng điều này ra sức tuyên truyền rằng bản chất chế độ xã hội chủ nghĩa cũng không khác gì chế độ tư bản chủ nghĩa, cũng không thể tránh khỏi những bất bình đẳng, bất công, mất dân chủ... Đây là thủ đoạn rất thâm độc của các thế lực thù địch, tấn công trực diện vào nhận thức của các tầng lớp nhân dân về bản chất của chế độ ta.
Hai là, lợi dụng phân hóa giàu - nghèo để phủ nhận con đường đi lên chủ nghĩa xã hội bỏ qua chế độ tư bản chủ nghĩa ở Việt Nam. Từ lâu, các thế lực thù địch vẫn luôn tìm cách chứng minh rằng quá độ đi lên chủ nghĩa xã hội bỏ qua chế độ tư bản chủ nghĩa ở Việt Nam là một sự lựa chọn sai lầm; là trái quy luật vận động của lịch sử …
Ba là, lợi dụng phân hóa giàu - nghèo để phủ nhận nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam. Các thế lực thù địch vẫn luôn cho rằng, kinh tế thị trường và định hướng xã hội chủ nghĩa là hai mệnh đề trái ngược, không thể gắn được với nhau. Cơ chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam là không thể thực hiện được. Bất chấp những thành tựu mà công cuộc đổi mới đã mang lại, các thế lực thù địch đã bám vào tình trạng phân hóa giàu - nghèo như một “cứu cánh” cho các luận điểm sai trái, chống phá của mình. Các thế lực này cho rằng, sự gia tăng của tình trạng phân hóa giàu – nghèo cùng những hệ lụy tiêu cực của nó ở nước ta đang chứng minh cho sự thất bại của Đảng và Nhà nước trong việc giữ vững định hướng xã hội chủ nghĩa. Đáng nói là, các đối tượng này còn cho rằng, nếu kinh tế thị trường là bệ đỡ cho phát triển, thì định hướng xã hội chủ nghĩa lại là “gọng kìm” của sự phát triển. Từ đó, các thế lực thù địch cho rằng, Việt Nam phải lựa chọn một trong hai: hoặc là chọn phát triển và chấp nhận sự bất bình đẳng, bất công xã hội; hoặc lựa chọn bảo đảm tiến bộ và công bằng xã hội thì phải hy sinh mục tiêu phát triển, vì cho rằng đó là những yếu tố không thể song hành.
Bốn là, lợi dụng phân hóa giàu - nghèo để kích động tâm trạng bức xúc trong các tầng lớp nhân dân, gây ra các điểm nóng chính trị - xã hội. Một mặt, chúng triệt để lợi dụng các vụ việc tranh chấp, khiếu nại, khiếu kiện liên quan đến đất đai, tài sản, nhất là những vụ việc kéo dài chưa được giải quyết để tuyên truyền kích động, gây nên tâm lý bất mãn trong một bộ phận nhân dân, tạo nên các điểm nóng, làm bất ổn xã hội. Mặt khác, chúng tung ra các luận điệu tuyên truyền cho rằng phân hóa giàu – nghèo, bất công xã hội là do phân phối các nguồn lực phát triển không công bằng. Đây là thủ đoạn hết sức tinh vi, thâm độc, đánh trúng vào tâm lý đang bị kích động của một bộ phận nhân dân để chính trị hóa mọi vấn đề, hướng mục tiêu chống phá về phía Đảng và Nhà nước ta.
Ngăn chặn các biểu hiện làm giàu trái pháp luật
Để phòng, chống các thế lực thù địch lợi dụng phân hóa giàu – nghèo chống phá nước ta trong giai đoạn hiện nay cần thực hiện đồng bộ các giải pháp. Cụ thể:
Một là, tiếp tục tăng cường công tác tuyên truyền, vận động, nâng cao nhận thức chính trị tư tưởng cho các tầng lớp nhân dân. Trong giai đoạn hiện nay, bên cạnh việc tiếp tục tuyên truyền, giáo dục chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, đường lối, quan điểm của Đảng, cần tập trung làm rõ tính tất yếu của việc lựa chọn mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội của cách mạng Việt Nam; của con đường đi lên chủ nghĩa xã hội bỏ qua chế độ tư bản chủ nghĩa; của việc áp dụng cơ chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; của phương châm gắn tăng trưởng kinh tế với phát triển văn hóa và bảo đảm tiến bộ, công bằng xã hội mà Đảng ta đã xác định. Nhận thức đúng đắn, đầy đủ về những vấn đề này là cơ sở để các tầng lớp nhân dân luôn tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, quản lý của Nhà nước; không để cho các thế lực thù địch lợi dụng tình trạng phân hóa giàu - nghèo để gây chia rẽ tư tưởng.
Hai là, thực hiện có hiệu quả các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về xóa đói giảm nghèo, phát triển bền vững. Đây là giải pháp rất quan trọng, trực tiếp góp phần giảm thiểu tình trạng phân hóa giàu - nghèo, nâng cao chất lượng đời sống nhân dân, qua đó giúp cho nhân dân hiểu rõ quan điểm, chủ trương, chính sách của Đảng và nhà nước về phát triển kinh tế, xã hội, không cho các thế lực thù địch có cơ hội chống phá. Đại hội XIII của Đảng ta nhấn mạnh: “Triển khai đồng bộ các giải pháp giảm nghèo đa chiều, bền vững, bao trùm, nhất là khu vực đồng bào dân tộc thiểu số… Khuyến khích làm giàu theo pháp luật, phát triển mạnh tầng lớp trung lưu gắn với nâng cao trách nhiệm xã hội”[1]. Công tác xóa đói giảm nghèo, phát triển kinh tế, xã hội phải đi cùng với ngăn chặn các biểu hiện làm giàu trái pháp luật và tình trạng tham nhũng, làng phí trong bộ máy nhà nước, bởi chính sự phân hóa giàu - nghèo do làm giàu trái pháp luật gây ra mới là nguyên nhân chủ đạo dẫn đến các bức xúc, tiêu cực trong nhân dân.
Ba là, cụ thể hóa phương châm của Đảng về gắn tăng trưởng kinh tế với phát triển văn hóa, bảo đảm tiến bộ và công bằng xã hội. Thực hiện giải pháp này chính là nhằm hạn chế tối đa những hệ lụy tiêu cực do tình trạng phân hóa giàu - nghèo gây ra. Thực tiễn cho thấy, chúng ta không thể xóa bỏ tình trạng phân hóa giàu - nghèo, nhất là trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội. Do đó, việc gắn tăng trưởng kinh tế với phát triển văn hóa và bảo đảm tiến bộ, công bằng xã hội chính là để cho các tầng lớp nhân dân, dù giàu hay nghèo cũng đều được thụ hưởng các thành quả của phát triển, giảm thiểu tình trạng bất công, bất bình đẳng do phân hóa giàu - nghèo gây ra, qua đó luôn giữ vững sự ổn định chính trị của đất nước. Đảng ta chỉ rõ, gắn tăng trưởng kinh tế với phát triển văn hóa và bảo đảm tiến bộ và công bằng xã hội là một trong các mối quan hệ lớn cần phải giải quyết trong thời kỳ quá độ đi lên chủ nghĩa xã hội, “phản ánh các quy luật mang tính biện chứng, những vấn đề lý luận cốt lõi về đường lối đổi mới của Đảng ta”[2].
Bốn là, nâng cao chất lượng công tác đấu tranh tư tưởng - lý luận, làm thất bại quan điểm của các thế lực thù địch lợi dụng phân hóa giàu - nghèo chống phá nước ta. Trong tình hình mới hiện nay, công tác đấu tranh tư tưởng - lý luận cần phải được nâng lên một bước mới, với yêu cầu cao hơn, chủ động hơn, tích cực hơn, quyết liệt hơn và có tính tổ chức tốt hơn. Trong bối cảnh phân hóa giàu - nghèo vẫn còn có xu hướng tiếp tục gia tăng, cần chủ động tuyên truyền để nhân dân hiểu đó là quy luật của kinh tế thị trường, hiểu rõ quan điểm, chủ trương của Đảng; kịp thời dập tắt, không cho thế lực thù địch lợi dụng các mâu thuẫn về kinh tế trong nhân dân để biến thành mâu thuẫn chính trị - xã hội, gây chia rẽ các tầng lớp nhân dân và chia rẽ nhân dân với Đảng, Nhà nước trong tình hình hiện nay.
_____
[1] Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, tập I, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội.2021, tr.265.
[2] Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, tập I, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội.2021, tr.270.