Việt Nam phải trở thành cường quốc kinh tế một cách văn hóa. Mối quan hệ giữa kinh tế và văn hóa,đạo đức và thị trường trở thành vấn đề chiến lược nhưng nóng bỏng trong phát triển kinh tế. Đó là tầm nhìn của chính trị và của chính văn hóa về phát triển kinh tế đất nước.
Nền kinh tế thị trường định hướng XHCN là công cụ, để tạo nên thực lực và sức mạnh đất nước, tôn vinh vị thế và uy tín quốc gia. Trong rất nhiều phương diện cần phải đổi mới thể chế nền kinh tế thị trường định hướng XHCN (kinh tế xanh, kinh tế số, kinh tế tuần hoàn…), ở đây cấp bách nhất, là xây dựng thể chế “chuyển đổi số - động lực quan trọng phát triển lực lượng sản xuất, hoàn thiện quan hệ sản xuất”(2), dành trước hết cho doanh nghiệp - “trái tim” của nền kinh tế - và doanh nhân - người đi tiên phong phát triển kinh tế quốc gia và hội nhập quốc tế - người góp phần và quyết định thương hiệu Việt Nam trên trường quốc tế là khâu mấu chốt, có ý nghĩa quyết định thành công tăng trưởng kinh tế, phát triển xã hội và hội nhập quốc tế.
Hiện nay, sức mạnh kinh tế quốc gia nằm một phần căn bản ở 160.000 doanh nghiệp. Phải tiếp tục xây dựng đội ngũ này không ngừng lớn mạnh về quy mô, đa dạng về lĩnh vực; tạo hành lang và cơ hội bảo đảm phát huy mọi khả năng và giữ vững vai trò kiến tạo nền tảng và sức mạnh chi phối nền kinh tế quốc dân và chủ động hội nhập quốc tế một cách văn hóa và nhân văn. Do đó, tôn vinh, bảo vệ và phát triển đội ngũ doanh nhân Việt Nam thật sự xứng đáng và ngang tầm công cuộc đổi mới; đồng thời, xây dựng thể chế kiểm soát mối quan hệ giữa chính trị gia với các doanh gia nhằm ngăn chặn tình trạng “sân sau”, “sân cạnh”, nhất là sự “liên minh” tăm tối và hủ bại, “lũng đoạn” nhà nước, thị trường và xã hội.
Đồng thời, đổi mới thể chế hội nhập quốc tế, trước hết về kinh tế. Đối ngoại là sự tiếp tục của đối nội. Bình đẳng, tôn trọng, hòa mục, hợp tác, trách nhiệm, “không gây thù oán với một ai” trong tất cả các mối quan hệ song phương hay đa phương, với mọi đối tác, ở mọi cấp độ là phương châm quán xuyến trong tất cả các mối quan hệ quốc tế nhằm bảo đảm sự cân bằng các mối quan hệ quốc tế, dù song phương hay đa phương. Thâu thái và thâu hóa mọi tinh hoa phát triển của nhân loại; thu hút nhân tài từ tất cả các nước với thái độ cầu thị, trân trọng và bảo vệ vô điều kiện.
Phương diện thể chế thứ ba, đó là đổi mới thể chế kiến tạo và phát triển nhân tài quốc gia. Khâu đột phá của đột phá về phát triển nguồn nhân lực chính là phát triển đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý chiến lược và đội ngũ doanh nhân Việt Nam. Đây là hai lực lượng có vai trò quyết định dẫn dắt quốc gia và đi tiên phong hội nhập quốc tế, bảo đảm song hành sự phát triển chính trị đồng bộ với phát triển kinh tế, chính trị với kỹ trị, văn hóa với xã hội… trực tiếp định vị và phát triển thực lực quốc gia mang tầm chiến lược. Cùng với đội ngũ chính trị gia, kỹ trị gia, khoa học gia, đội ngũ doanh gia phải xứng đáng là một trụ cột nhân tài quốc gia.
Đội ngũ cán bộ các cấp, trước hết đặc biệt là cấp chiến lược, phải xứng đáng là chính trị gia của Đảng cầm quyền: trung thành với lý tưởng và lợi ích quốc gia dân tộc; tầm nhìn chính trị viễn kiến, giỏi về quản lý và chuyên môn, có óc phản biện; danh dự, dũng cảm, liêm sỉ, trách nhiệm, trong sạch và đạo đức…
Xây dựng thể chế thu hút, nuôi dưỡng, bảo vệ, sử dụng và phát triển đội ngũ cán bộ tinh hoa của hệ thống chính trị, một cách bình đẳng, công bằng và xứng đáng thông qua cơ chế tuyển chọn một cách khoa học, dân chủ, trước hết và chủ yếu bằng thi tuyển, với các phương thức phù hợp và cụ thể. Thể chế hóa về tiêu chuẩn, quy trình, đánh giá cán bộ bằng hiệu quả công việc thực tế và sự tín nhiệm của Nhân dân là thước đo chủ yếu… Mỗi cán bộ trong bộ máy của Đảng là một nhà chính trị, đồng thời là một tấm gương mẫu mực về văn hóa, trước hết là văn hóa chính trị và văn hóa liêm chính.
Phương diện thể chếthứ tư, đó là đổi mới thể chế phòng, chống tham nhũng, trước hết là đổi mới thể chế kiểm soát quyền lực. Kiểm soát quyền lực từ bên trong và bên ngoài mỗi thành viên của hệ thống chính trị và toàn bộ hệ thống chính trị là nhằm phòng, chống mọi sự hủ bại của quyền lực, hướng tới bảo đảm sự cân bằng quyền lực. Do đó, phải cấp bách pháp định hóa về minh bạch giải trình song hành kiểm soát quyền lực, nhân dân kiểm tra, giám sát là đại sự thành bại phòng, chống tham nhũng, ngăm chặn sự tha hóa, thoái hóa quyền lực, bảo đảm sự phát triển tập trung, thống nhất nhưng dân chủ, tự do và sáng tạo của Nhà nước pháp quyền XHCN.
Phải tiếp tục xây dựng, hoàn thiện đồng bộ thể chế về quản lý kinh tế - xã hội và xây dựng, chỉnh đốn Đảng; kịp thời khắc phục những bất cập, bịt kín những “khoảng trống” quyền lực, “kẽ hở” pháp luật và kỷ luật, nâng cao hiệu quả tổ chức thể chế. Rường cột của cơ chế này chính là vấn đề quyền lực và trách nhiệm cá nhân được thực thi, vận hành bằng pháp luật với phương châm công khai, dân chủ, minh bạch. Kiểm tra, kiểm soát từ bên trong tới toàn dân kiểm soát; kiểm soát từ trên xuống và giám sát từ dưới lên, kiểm tra, giám sát từ bên cạnh một cách công khai, minh bạch.
Suy cho cùng, quyền lực phải gắn với trách nhiệm được kiểm tra, giám sát một cách dân chủ và kỷ luật, theo kỷ luật của Đảng và pháp luật của Nhà nước. Vì vậy, vấn đề đặt ra là càng phát triển cơ chế thị trường, càng hội nhập quốc tế, càng phải kiểm soát quyền lực, càng phải đề cao và thượng tôn pháp luật. “Cùng với “nhốt” quyền lực vào trong “lồng” cơ chế, thì việc công khai, minh bạch, trách nhiệm giải trình, nhất là về tài sản, là điều kiện tiên quyết để kiểm soát quyền lực, bảo đảm quyền lực vận hành đúng đắn, không bị tha hóa, thoái hóa.
Việc cần kíp là, tiếp tục sửa đổi cơ chế trên nền móng Quốc pháp - Đảng cương và sự giám sát của Nhân dân thật sự là “vòng cương tỏa” của thể chế tổng hợp một cách hệ thống, phù hợp và hiệu quả, với phương châm dân chủ hóa, minh bạch hóa.
Có thể hình dung gồm 8 mặt chỉnh thể: Không nên tham nhũng; Không được tham nhũng; Không thể tham nhũng; Không cần tham nhũng; Không vùng cấm, không ngoại lệ xử lý tham nhũng; Không thể thoát khi tham nhũng; Không thể lợi dụng trong chống tham nhũng để tham nhũng; Các cấp (và trong ngoài phối hợp) đồng thời phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.
Theo đó, định lượng trách nhiệm, để kiểm soát quyền lực cả kinh tế, chính trị, đạo đức, xã hội. Tham nhũng giờ đây không chỉ về kinh tế, vật chất hữu hình, chức vụ và danh vị cụ thể, chính sách cụ thể mà xâm hại cả tới những lãnh địa thiêng liêng vô hình: tham nhũng lòng tin, tham nhũng chính trị... Cấp bách đổi mới việc thực thi cơ chế kiểm soát quyền lực nhằm chủ động kiểm soát bộ máy của toàn hệ thống chính trị từ Đảng tới mỗi thành viên, kiểm soát từng người theo hướng không sót vùng nào, không lọt một ai.
Phương diện thể chếthứ năm, đó là đổi mới thể chế nhằm bảo đảm vị thế là chủ quốc gia và quyền làm chủ đất nước của Nhân dân. Nhân dân là nguồn gốc sinh thành và cội nguồn sức mạnh của Đảng, nền móng sức mạnh quốc gia, dưới ngọn cờ của Đảng. Từ quyết sách chính trị tới lựa chọn cán bộ, nhất là cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp…, cần thiết lắng nghe ý kiến của Nhân dân, định chế bằng chính sách cụ thể để Nhân dân tham gia giám sát, lựa chọn và quyết định giới thiệu. Nhân dân tự mình nâng cao trình độ, đặc biệt là trình độ văn hóa chính trị, văn hóa pháp lý, văn hóa dân chủ… để sử dụng các quyền dân chủ, thực hành dân chủ tự giác theo luật pháp nhằm bảo vệ Đảng của mình, một cách chủ động với tấm lòng của người sinh thành ra Đảng một cách nghiêm khắc và bao dung. Tới lượt mình, Đảng làm tốt nhất không chỉ về phương diện đạo lý mà cả trên bình diện pháp lý bảo đảm thực thi tất cả những vấn đề về quyền, trách nhiệm của Nhân dân, vì và cho Nhân dân, bằng luật pháp.
Để xứng đáng là đội tiên phong chính trị của giai cấp, của dân tộc về trí tuệ và đạo đức, bản lĩnh và văn hóa, Đảng không ngừng tự mình xứng đáng với Dân tộc, nguyện nỗ lực phấn đấu, hy sinh sao cho xứng đáng là người dẫn dắt quốc gia. Nhà nước phải làm tất cả một cách tận tâm và chân thật để “Dân là chủ” và “Dân làm chủ”; tự mình xứng đáng là “công bộc” trung thành, tận tụy của nhân dân; tự mình trong sạch, liêm chính, tự mình thành tâm noi gương và học hỏi Nhân dân.
Mục tiêu cao nhất của Đảng là, Đảng lãnh đạo để Nhân dân là chủ, Nhân dân làm chủ đất nước. Các quyết sách chính trị phải phản ánh đúng quy luật khách quan và yêu cầu của thực tiễn, phù hợp với nguyện vọng của Nhân dân và sự phát triển của thế giới. Tất cả nhằm bảo vệ vô điều kiện lợi ích tối cao của quốc gia, dân tộc và Nhân dân. Đó là quá trình pháp luật hóa công việc lãnh đạo và tổ chức thực thi quyền lực chính trị của Đảng đối với Nhà nước, các tổ chức chính trị - xã hội và toàn xã hội.
Do đó, Đảng gương mẫu thực thi nghiêm quyền lực chính trị của mình và tự kiểm soát quyền chính trị theo pháp luật, nguyên tắc của Đảng và sự giám sát của Nhân dân; không dung thứ bất cứ ai, và tổ chức đảng nào đứng ngoài hoặc trên kỷ luật của Đảng và pháp luật, tổ chức chính trị, xã hội nào đứng trên hay đứng ngoài pháp luật.
Đảng cầm quyền để Nhân dân là chủ và làm chủ trực tiếp và bằng Nhà nước, thông qua Nhà nước và các tổ chức chính trị - xã hội của Nhân dân, chứ tuyệt đối không phải đứng trên Nhân dân, đứng trên và ngoài Nhà nước, chịu trách nhiệm lịch sử trước Nhà nước và Nhân dân về quyền lãnh đạo chính trị của mình, đối với Nhà nước và xã hội, được bảo đảm bằng pháp luật và trên nền tảng luật pháp. Đảng tập trung lãnh đạo kiến tạo Nhà nước Việt Nam pháp quyền XHCN của Nhân dân, do Nhân dân, vì Nhân dân, giữ vững và bảo đảm toàn bộ quyền lực của thể chế chính trị và quốc gia thuộc về Nhân dân.
Đảng đi đầu thượng tôn pháp luật, tập trung lãnh đạo xây dựng hệ thống luật pháp hoàn chỉnh, đồng bộ, bảo đảm pháp chế XHCN, thể hiện ý chí của Nhân dân và xu thế thời đại, bảo đảm và bảo vệ cho quyền lực nhà nước được thực thi nghiêm ngặt và kiểm tra, giám sát, kiểm soát quyền lực chặt chẽ một cách dân chủ, minh bạch theo pháp luật.
Đảng hóa thân trong hệ thống chính trị, trong xã hội để thực thi sự lãnh đạo, cầm quyền một cách dân chủ tập trung, công khai, minh bạch và thượng tôn pháp luật; khắc phục tình trạng hoặc vô pháp hoặc vừa áp đặt quyền lực nhưng vừa bỏ trống quyền lực, lại vừa buông lỏng và lạm dụng quyền lực.
Đổi mới phương thức lãnh đạo, cầm quyền đối với chính hệ thống bộ máy trên cơ sở cấu trúc lại theo hướng xác lập trụ cột căn bản và chủ yếu đa chức năng, kiên quyết cắt bỏ trung gian, song trùng, chồng chéo bảo đảm hoạt động trực tiếp, liên thông, tinh gọn và hiệu quả, với đủ quyền năng, phù hợp và kiểm soát quyền lực một cách minh bạch, chặt chẽ, hiệu quả, bằng công nghệ số. Phải đo lường được hiệu lực, hiệu quả của bộ máy và từng đảng viên, cán bộ bằng mức độ giải quyết công việc theo yêu cầu, nhiệm vụ trên nền tảng văn hóa liêm chính và công nghệ số.
Chỉnh đốn toàn diện đội ngũ đảng viên, bảo đảm chất lượng, “thà ít mà tốt”. Tiếp tục đổi mới và hoàn thiện Điều lệ Đảng, trong đó phát triển bộ tiêu chí về tư cách người đảng viên theo hướng: Toàn diện nhân cách, tinh hoa về định tính; cụ thể về định lượng; minh bạch về thực hiện và trách nhiệm trong giám sát, kiểm tra.
Đổi mới xây dựng, thực thi thể chế, đo lường và định lượng kết quả hành động vì sự phát triển - thước đo đổi mới độc lập, sáng tạo là mệnh lệnh và sức mạnh đổi mới. Chọn đúng người xứng đáng, trân trọng, cổ vũ và bảo vệ người dũng cảmđột phá, sáng tạo xây dựng thể chế là trọng sự căn bản và cấp thiết pháp định hóa vấn đề quan trọng này.
_______
(2) Tổng Bí thư, Chủ tịch nước, GS, TS. Tô Lâm: Chuyển đổi số - động lực quan trọng phát triển lực lượng sản xuất, hoàn thiện quan hệ sản xuất đưa đất nước bước vào kỷ nguyên mới, báo VnEconomy, số ra ngày 2.9.2024.