Do đó, việc nâng cao cảnh giác, nhận diện và chủ động có những biện pháp để tăng cường sức đề kháng, "miễn dịch" trước những âm mưu chống phá, làm thất bại những thủ đoạn xuyên tạc, gây rối, bôi nhọ, phá hoại của các thế lực thù địch là cần thiết
"Mảnh đất tốt" để các thế lực gia sức khai thác, lợi dụng
Những năm qua, công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo kiến nghị, phản ánh là việc làm thường xuyên, góp phần quan trọng vào việc bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người dân trên cơ sở pháp luật, góp phần giữ vững sự ổn định về an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội, thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội ở nước ta.
Tuy nhiên, trong thực tiễn có lúc, có nơi, ở một số vụ việc còn tồn tại, vướng mắc, ảnh hưởng quyền, lợi ích của người dân. Theo thống kê chưa đầy đủ của Bộ Công an, hiện cả nước có trên 2.200 vụ khiếu kiện đang được giải quyết, trong đó có hơn 350 vụ việc phức tạp. Khiếu kiện liên quan đất đai luôn là vấn đề “nóng” nhất, chiếm hơn 75% tổng số các vụ khiếu kiện, xảy ra ở 63 tỉnh, thành, tập trung ở các tỉnh có nhiều dự án phát triển kinh tế - xã hội, khu vực Tây Nguyên. Cùng với đó là nhiều vụ việc phức tạp liên quan lĩnh vực môi trường, xây dựng, năng lượng tái tạo, an ninh công nhân, đầu tư tài chính… đã và đang tác động ảnh hưởng đến tình hình an ninh xã hội tại các địa phương.
Tình hình khiếu kiện phức tạp do nhiều nguyên nhân, trong đó có những vướng mắc, bất cập về chính sách, pháp luật liên quan quản lý, sử dụng đất đai, triển khai các dự án và nhiều lĩnh vực khác của đời sống xã hội, còn nhiều kẽ hở cho tham nhũng, trục lợi; hạn chế trong tổ chức thực hiện chính sách, pháp luật tại một số cơ quan, đơn vị, địa phương để xảy ra sai phạm, vi phạm pháp luật gây ảnh hưởng quyền, lợi ích của cá nhân, tổ chức; công tác giải quyết KNTC còn nhiều hạn chế, một số địa phương chưa quan tâm giải quyết những mâu thuẫn, tranh chấp từ sớm, từ cơ sở. Bên cạnh đó, công tác tuyên truyền, vận động quần chúng Nhân dân một số nơi chưa thực sự được coi trọng... dẫn đến tâm lý bức xúc của người dân có quyền lợi bị ảnh hưởng.
Những yếu tố trên khiến cho các vấn đề khiếu kiện, người khiếu kiện trở thành "mảnh đất tốt" để các thế lực thù địch, phản động tích cực khai thác, lợi dụng phục vụ các hoạt động chống Đảng, Nhà nước. Bởi, quyền, lợi ích bị ảnh hưởng, nguyện vọng không được đáp ứng dễ hình thành tâm lý thiếu thiện cảm vào chính quyền; khi gặp sự tác động, kích động từ các thế lực thù địch, phản động dễ hoang mang dao động, giảm lòng tin của người dân vào Đảng và chính quyền, từ đó bị lôi kéo vào các hoạt động chống phá.
Sử dụng mạng xã hội để xuyên tạc, khoét sâu mâu thuẫn, gia tăng phức tạp
Nhận diện về âm mưu của các thế lực thù địch, phản động, Phó trưởng Phòng An ninh xã hội, Cục An ninh nội địa, Bộ Công an, Thượng tá Bùi Thị Mỹ Lệ cho biết:các thế lực chống phá lợi dụng quyền KNTC để chỉ đạo, kích động, lôi kéo tập hợp người dân tập trung đông người kéo đến cơ quan Đảng, Nhà nước gây rối ANTT, cản trở việc thực hiện chính sách, pháp luật ở địa phương; lợi dụng danh nghĩa "đấu tranh đòi quyền lợi", vin vào các vấn đề "dân chủ,", "nhân quyền" để gia tăng các hoạt động móc nối với các đối tượng bất mãn, cơ hội chính trị, số khiếu kiện cực đoan, tập hợp lực lượng thực hiện "cách mạng màu".
Về phương thức chống phá, dễ nhận thấy là các chiêu trò, thủ đoạn như: Sử dụng các tiện ích mạng xã hội để soạn thảo, đăng tải, chia sẻ các bài viết có nội dung xuyên tạc, bôi nhọ, hạ uy tín lãnh đạo Đảng, Nhà nước, phê phán năng lực yếu kém trong quản lý của các Bộ, ngành Trung ương, hướng dẫn thành lập các hội, nhóm khiếu kiện trong giới đầu tư tài chính, công nhân, người dân bị thu hồi đất, phản đối ô nhiễm môi trường… để đòi quyền lợi; tạo các diễn đàn để số chống đối chính trị vào bình luận, bày tỏ quan điểm sai trái, thù địch. Mặt khác, đưa ra các quan điểm phủ nhận giá trị “đất đai thuộc sở hữu toàn dân”, cho rằng Chính phủ, Quốc hội sửa Luật Đất đai tạo điều kiện cho “chính quyền cướp đất của dân”; cho rằng việc lấy ý kiến của Nhân dân vào dự thảo Luật Đất đai chỉ mang tính hình thức.
Cùng đó, tìm cách tạo dựng các “ngọn cờ” trong số người khiếu kiện thường xuyên đeo bám tại Trung ương và các vụ việc phức tạp tại địa phương; hậu thuẫn thành lập và hoạt động các hội nhóm "dân oan"; Cổ súy, hỗ trợ vật chất và tinh thần cho số khiếu kiện cực đoan trong nước, các hội nhóm chống đối, báo đài bên ngoài (Việt Tân, VOA…) chia sẻ, cắt ghép, đăng tải trên mạng xã hội video, bài viết xuyên tạc, tố cáo Việt Nam “vi phạm dân chủ, nhân quyền”, “chính quyền cơ sở yếu kém, bỏ mặc người dân”… tạo dư luận xấu.
Nhận diện thách thức để chủ động ngăn ngừa, giải quyết
Qua thực tiễn công tác tham gia giải quyết khiếu kiện, nghiên cứu quy luật hoạt động của các thế lực thù địch, phản động lợi dụng hoạt động khiếu kiện chống Đảng, Nhà nước và tình hình khiếu kiện nổi lên thời gian gần đây, Phòng An ninh xã hội nhận diện một số thách thức đặt ra trước thềm tổ chức đại hội đảng bộ các cấp, bầu cử đại biểu Quốc hội, HĐND các cấp như sau:
Thứ nhất, xảy ra tình trạng tẩy chay bầu cử, người dân có quyền lợi bị ảnh hưởng trong các vụ việc tranh chấp khiếu kiện mà chưa được giải quyết thỏa đáng sẽ không đi bầu cử do không tin tưởng vào vai trò đại diện tiếng nói, quyền lợi của đại biểu dân cử. Đặc biệt ở những vụ việc phức tạp đông người tham gia, tình trạng này sẽ dẫn đến tỷ bầu cử cấp cơ sở thấp, không đạt yêu cầu đề ra.
Thứ hai, nguy cơ xảy ra biểu tình, gây rối an ninh trật tự, chuyển thành vấn đề chính trị đối với những vụ việc khiếu kiện phức tạp, đông người, kéo dài. Đáng chú ý, nổi lên từ năm 2022 đến nay là hoạt động xuống đường đòi quyền lợi của hàng trăm ngàn khách hàng tham gia các hoạt động đầu tư tài chính tại các tập đoàn (Vạn Thịnh Phát, Egroup, Tân Hoàng Minh, Sunshine...); hoạt động tập trung đông người, tuần hành các tuyến đường đến cơ quan chính quyền xã, tỉnh, huyện và các cơ quan Trung ương, mặc đồng phục, mang theo cờ đỏ sao vàng, băng rôn có nội dung khiếu kiện, hô khẩu hiệu, la hét gây mất ANTT.
Qua theo dõi, đến nay hoạt động này mới dừng lại ở việc đòi quyền lợi thuần túy, tuy nhiên nếu bị kích động từ các tổ chức, cá nhân phản động, chống đối không loại trừ có thể chuyển thành vấn đề chính trị, biểu tình gây rối an ninh trật tự trước, trong thời gian diễn ra Đại hội, bầu cử.
Thứ ba, việc nhiều dự án xây dựng của các công ty, tập đoàn bỏ hoang trên diện tích rộng lớn thuộc nhiều tỉnh, thành trong thời gian dài, đã bán, thu tiền của dân nhưng không triển khai, bàn giao theo hợp đồng gây ảnh hưởng lợi lợi ích của khách hàng dẫn đến bức xúc, người dân mất niềm tin vào các tổ chức, cá nhân được Nhân dân lựa chọn, những cam kết về chương trình hành động của các cá nhân được nhân dân bầu.
Thứ tư, tình trạng phá rừng, lấn chiếm, tranh chấp đất đai tại các tỉnh Tây Nguyên nếu không có các quyết sách, chính sách đặc thù từ Chính phủ sẽ khó giải quyết được dứt điểm, là điều kiện để kẻ địch, đặc biệt là các tổ chức phản động, Fulro lưu vong lợi dụng, kích động, hỗ trợ tạo cớ tiếp tục gây phức tạp tình hình tại Tây Nguyên.
Trong bối cảnh những thách thức đặt ra trước thềm Đại hội đại biểu Đảng bộ các cấp, tiến tới Đại hội XIV của Đảng, bầu cử ĐBQH Khóa XVI, bầu cử đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2026 - 2031, thiết nghĩ rất cần có sự chỉ đạo đồng bộ của Chính phủ đối với các bộ, ngành, địa phương để cả hệ thống chính trị cùng tham gia giải quyết.
Cụ thể, Chính phủ cần chỉ đạo các bộ, ngành liên quan khẩn trương hoàn thành việc xây dựng hệ thống văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành các Luật Đất đai, Nhà ở, Kinh doanh bất động sản mới có hiệu lực. Bởi đây là những đạo luật quan trọng điều chỉnh, chi phối đời sống kinh tế - xã hội của đất nước, liên quan mật thiết đến quyền, lợi ích của Nhân dân, cũng là lĩnh vực phát sinh nhiều mâu thuẫn, tranh chấp khiếu kiện nhất. Do đó hệ thống văn bản dưới luật cần bảo đảm tiến độ, đồng bộ để triển khai hiệu quả, sớm đưa các đạo luật đi vào cuộc sống.
Chỉ đạo Thanh tra Chính phủ và các bộ, ngành làm tốt công tác thanh tra, kiểm tra, sớm ban hành kết luận thanh tra đối với các cuộc thanh tra đã kết thúc; đặc biệt chú trọng công tác hậu kiểm sau thanh tra, rà soát việc thực hiện các kết luận của Thanh tra Chính phủ đối với các vụ việc phức tạp để đôn đốc UBND các tỉnh tiếp tục thực hiện các nội dung còn lại.
Chỉ đạo UBND các tỉnh thực hiện tốt chủ trương, chế độ, chính sách an sinh, giải quyết quyền lợi chính đáng của người dân để tạo sự đồng thuận trong triển khai các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội; tăng cường tuyên truyền, phổ biến đến quần chúng Nhân dân nắm rõ chủ trương chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, nâng cao cảnh giác trước âm mưu, hoạt động chống phá, lợi dụng khiếu kiện của các thế lực thù địch, chú trọng tham vấn cộng đồng trong triển khai các dự án; phát huy vai trò người đứng đầu trong đối thoại, giải đáp các thắc mắc, kiến nghị của người dân, nắm tâm tư nguyện vọng để ưu tiên giải quyết quyền lợi chính đáng, vận dụng tối đa các chính sách hỗ trợ theo quy định; đẩy mạnh xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc tại các địa bàn thường xuyên xảy ra tranh chấp khiếu kiện, nhất là trên địa bàn các tỉnh Tây Nguyên; tích cực tuyên truyền, vận động người khiếu kiện thực hiện đúng quyền và nghĩa vụ công dân trong hoạt động bầu cử.
Cấp ủy, chính quyền các cấp cần thống nhất tư duy, nhận thức về vai trò, tầm quan trọng của công tác giải quyết KNTC, lấy nguyên tắc "ổn định lòng dân" làm cơ bản trong công tác này. Việc xây dựng, củng cố vững chắc lòng tin của Nhân dân vào hệ thống chính quyền nói chung, công tác giải quyết KNTC nói riêng là cơ sở để duy trì ổn định xã hội, tăng sức đề kháng trước âm mưu, hoạt động chống phá của các thế lực thù địch, phản động. Đồng thời, mỗi người dân cần nêu cao tinh thần trách nhiệm, phân biệt rõ giới hạn của quyền KNTC, bảo vệ quyền lợi của mình nhưng phải đúng quy định, với tinh thần thượng tôn pháp luật; nêu cao cảnh giác, chủ động nhận diện, phòng ngừa, không để bị lôi kéo vào các hoạt động lợi dụng quyền khiếu nại, tố cáo để chống phá Đảng, Nhà nước.
Năm 2025 - 2026, đất nước ta sẽ diễn ra nhiều sự kiện chính trị đặc biệt quan trọng: Kỷ niệm 50 năm ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30.4.1975 - 30.4.2025), 80 năm Quốc khánh nước CHXHCN Việt Nam (2.9.1945 - 2.9.2025), 95 năm Ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam (1930- 2025), 80 năm Ngày truyền thống Công an Nhân dân (19.8.1945 - 19.8.2025)... Đây cũng là thời gian sẽ tiến hành Đại hội Đảng bộ các cấp nhiệm kỳ 2025 - 2030, tiến tới Đại hội XIV của Đảng, bầu cử ĐBQH Khóa XVI, bầu cử đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2026 - 2031. Lợi dụng điều này, đây là thời điểm các thế lực thù địch, phản động, chống đối chính trị ở trong và ngoài nước tập trung tiến hành các hoạt động chống phá, nhằm thực hiện âm mưu cơ bản, xuyên suốt, lâu dài là lật đổ vai trò lãnh đạo của Đảng, xóa bỏ chế độ xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam. Chúng luôn nhìn nhận người khiếu kiện như một lực lượng đông đảo để lợi dụng vào các hoạt động chống Đảng, Nhà nước; vì vậy chúng tập trung khai thác những mâu thuẫn, xung đột trong xã hội, tâm lý bức xúc của người dân khi quyền lợi chưa được giải quyết, kích động gia tăng phức tạp, lôi kéo đông người tham gia, gây mất ổn định xã hội, chuyển thành các hoạt động chống Đảng, Nhà nước. Do đó, nhận diện âm mưu, có biện pháp để tăng sức đề kháng, miễn dịch trước những âm mưu chống phá, làm thất bại những thủ đoạn xuyên tạc, gây rối, bôi nhọ, phá hoại của các thế lực thù địch là cần thiết.
Phó trưởng Phòng An ninh xã hội, Cục An ninh nội địa, Bộ Công an, Thượng tá Bùi Thị Mỹ Lệ.