
Ngày 22.4 tại Hà Nội, Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) và Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) tại Việt Nam đồng tổ chức Hội thảo tham vấn ý kiến đối với Báo cáo “Thị trường tài chính Việt Nam 2024 và triển vọng 2025”.
Theo Báo cáo, thị trường tài chính Việt Nam năm 2024 duy trì ổn định với một số kết quả tích cực. Tăng trưởng tín dụng đạt 15,08%; huy động vốn tăng 10,5% nhờ các biện pháp thị trường mở của Ngân hàng Nhà nước (NHNN).
Lợi nhuận trước thuế của 27 ngân hàng thương mại niêm yết đạt 299.000 tỷ đồng, tăng 17,2% — cao hơn nhiều so với năm 2023. Thị trường chứng khoán cũng ghi nhận kết quả ấn tượng: chỉ số VN-Index tăng 12,11%; giá trị vốn hóa tăng 14,3% so với năm trước.
Thị trường trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) tiếp tục phục hồi với tổng giá trị phát hành đạt 466.500 tỷ đồng, tăng 27,7% so với năm 2023.
Tuy vậy, theo ông Trần Phương, Phó Tổng Giám đốc BIDV, thị trường tài chính năm 2024 vẫn đối mặt nhiều thách thức. Nợ xấu có xu hướng gia tăng, trong khi tỷ lệ bao phủ nợ xấu tại các tổ chức tín dụng giảm. Lợi nhuận của các công ty chứng khoán thiếu bền vững, cần tăng vốn. Đặc biệt, doanh nghiệp bảo hiểm gặp khó do niềm tin chưa phục hồi sau các vụ việc liên quan đến bảo hiểm liên kết đầu tư và bồi thường do bão Yagi.
Với năm 2025, Báo cáo đưa ra 3 kịch bản tăng trưởng. Theo đó, kịch bản cơ sở (xác suất 60%): nếu Việt Nam đàm phán giảm thuế đối ứng còn 20 – 25% (từ mức 46% hiện tại), tăng trưởng GDP có thể đạt 6,5 – 7%. Kịch bản tích cực (xác suất 20%): mức thuế chỉ còn 10%, GDP có thể tăng 7,5 – 8%. Kịch bản tiêu cực (xác suất 20%): Mỹ duy trì mức thuế 46% hoặc chỉ giảm nhẹ, GDP chỉ đạt 5,5–6%, giảm 1,5 – 2 điểm % so với kịch bản cơ sở. Lạm phát năm 2025 dự báo tăng 4 – 4,5%.
Dù vẫn có thuận lợi, thị trường tài chính năm 2025 được dự báo đối mặt nhiều rủi ro. Với kịch bản cơ sở, tăng trưởng tín dụng dự báo đạt 14 – 15%, do lực cầu và khả năng hấp thụ vốn ở một số lĩnh vực còn yếu. Thị trường bất động sản phục hồi chậm; giá nhà đất còn cao, vượt quá khả năng chi trả của người dân.
NHNN sẽ tiếp tục điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, hiệu quả, phối hợp chặt chẽ với chính sách tài khóa và chính sách vĩ mô khác nhằm ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, hỗ trợ tăng trưởng. Lãi suất kỳ vọng duy trì ở mức thấp; lãi suất cho vay sẽ giảm nhẹ theo chỉ đạo của Chính phủ và NHNN.
Tỷ giá USD/VND dự kiến chịu áp lực tăng, dao động tăng khoảng 3 – 4% trong năm. Lợi nhuận hệ thống ngân hàng năm 2025 được kỳ vọng tăng 15 – 20%, thấp hơn năm 2024. Thị trường cổ phiếu được dự báo hưởng lợi từ việc nâng hạng thị trường và kết quả kinh doanh tích cực của doanh nghiệp niêm yết. Doanh nghiệp bảo hiểm được kỳ vọng phục hồi khi tác động từ siêu bão Yagi dần được khắc phục và niềm tin được khôi phục.
Về thể chế, TS. Cấn Văn Lực cho biết khung pháp lý cho lĩnh vực tài chính dự kiến có nhiều thay đổi tích cực nhằm đáp ứng yêu cầu phát triển mới. Chính sách quản lý tài sản số, tiền kỹ thuật số sẽ sớm được ban hành. Luật Các tổ chức tín dụng (2024) được sửa đổi, lấp khoảng trống pháp lý về xử lý nợ xấu sau khi Nghị quyết 42/2017/QH14 hết hiệu lực.
Thị trường chứng khoán có thể được nâng hạng trong năm 2025, tạo tâm lý tích cực và tăng niềm tin cho nhà đầu tư trong và ngoài nước, mở ra cơ hội thu hút vốn, thúc đẩy cải cách.
Bên cạnh đó, xu hướng chuyển đổi số, chuyển đổi xanh và thực hành ESG tại các tổ chức tài chính và doanh nghiệp trong nước và quốc tế sẽ tiếp tục được thúc đẩy theo hướng bài bản, thực chất hơn.