Tại Tọa đàm "Để kết nối VNeID an toàn và tiện lợi" được báo Tuổi Trẻ tổ chức, Trưởng phòng Quản lý hoạt động thương mại điện tử, Cục Thương mại điện tử và kinh tế (Bộ Công thương) Lê Thị Hà đã cung cấp chia sẻ nhiều thông tin quan trọng.

Theo bà Hà, nền tảng thương mại điện tử không chỉ là các nền tảng số nói chung mà bao gồm cả nền tảng số trung gian, mạng xã hội. Vì mạng xã hội hiện nay cũng là kênh bán hàng rất đặc thù, đặc biệt, có thể kết nối người bán, người mua.
Vừa qua có những sự việc bán hàng, sản phẩm không bảo đảm an toàn chất lượng trên các nền tảng số như lô sữa giả vừa bị phanh phui. Khi nhận được phản ánh từ báo chí, cơ quan quản lý, Cục Thương mại điện tử và kinh tế đã yêu cầu các nền tảng số lớn về thương mại điện tử, nền tảng số trung gian gỡ bỏ hàng nghìn sản phẩm bao gồm thực phẩm chức năng, sữa.
"Hôm qua (ngày 21.4) chúng tôi cũng đã yêu cầu một số nền tảng thuốc tháo gỡ tất cả những sản phẩm bán lẻ về thuốc kê đơn. Ngay sau khi được cấp phép về thương mại điện tử, những nền tảng dược phẩm rất lớn vẫn bán lẻ thuốc kê đơn trên môi trường thương mại điện tử. Chúng tôi đã có công văn gửi đến yêu cầu tháo gỡ, đăng tải thông tin cảnh báo", bà Hà thông tin.
Tuy nhiên, cũng theo bà Hà, hiện khối lượng lớn sản phẩm thuốc vẫn còn tràn lan nên cần có những biện pháp nghiệp vụ bằng cách sử dụng các nền tảng, tài khoản được cung cấp bởi các nền tảng để truy cập mới có thể rà soát, xử lý được.
Bàn về giải pháp, Trưởng phòng Quản lý hoạt động thương mại điện tử, Cục Thương mại điện tử và kinh tế Lê Thị Hà cho rằng: Thời gian tới, cần thiết định danh trên môi trường thương mại điện tử để có thể phát triển được. Trong đó, phải tạo được niềm tin số. Niềm tin đến từ người tiêu dùng nhưng muốn có cần phải xuất phát từ sự tin cậy của người bán hàng, sự tin cậy của chủ những nền tảng số.
Để có những người bán tin cậy thì người bán hàng mặc dù ở trên môi trường ảo nhưng họ không thể ảo, phải được định danh.
"Khi niềm tin số được đưa vào luật hóa bởi xác thực danh tính thì người bán trên môi trường ảo sẽ thực tế hơn, kiểm soát thông tin người bán tốt hơn. Thậm khi phát hiện ra hàng giả, hàng nhái có thể yêu cầu người bán cung cấp thông tin, tháo gỡ hàng hóa, sản phẩm", bà Hà nhấn mạnh.
Theo bà Hà, ngoài niềm tin số thì có cơ sở sử dụng VNeID. Đây là vấn đề quản lý số, không phải quản lý trên giấy tờ nữa. Do đó, mong muốn Cục thương mại điện tử sẽ quản lý số bằng việc yêu cầu kết nối, liên thông, chia sẻ dữ liệu. Khi có VNeID, những quy định cụ thể và luật hóa thì việc quản lý đối với hoạt động thương mại điện tử, đặc biệt là người bán sẽ minh bạch hơn.