
Trong những năm gần đây, các tập đoàn kinh tế và doanh nghiệp lớn đã tham gia đẩy mạnh chuyển đổi xanh phục vụ ứng phó với biến đổi khí hậu và phát triển kinh tế carbon thấp, hướng tới mục tiêu Net Zero. Tuy nhiên, sự thay đổi này diễn ra chủ yếu ở khối doanh nghiệp lớn, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, trong khi đó số lượng doanh nghiệp vừa và nhỏ chiếm phần lớn tổng số doanh nghiệp lại chưa có sự đầu tư thích đáng và chưa có chuyển biến rõ nét về vấn đề này.

Phó Tổng Biên tập Báo Đại biểu Nhân dân Lê Thanh Kim phát biểu. Ảnh: Khánh Duy
Phát biểu tại Diễn đàn, Phó Tổng Biên tập Báo Đại biểu Nhân dân Lê Thanh Kim cho biết, biến đổi khí hậu là thách thức toàn cầu lớn nhất của thế kỷ 21 và ngày càng tác động sâu rộng đến mọi mặt đời sống kinh tế - xã hội. Từ các hiện tượng thời tiết cực đoan cho đến khủng hoảng chuỗi cung ứng, mất an ninh năng lượng, an ninh lương thực - tất cả đều đang gióng lên hồi chuông cảnh báo rằng: chúng ta không thể tiếp tục con đường phát triển truyền thống vốn tiêu tốn nhiều tài nguyên và gây ô nhiễm môi trường. Đã đến lúc phải thay đổi mô hình phát triển - chuyển mình mạnh mẽ sang một nền kinh tế xanh, tuần hoàn, phát thải thấp và có khả năng chống chịu cao hơn trước những cú sốc bên ngoài.

Trong bối cảnh đó, Chính phủ đã thể hiện quyết tâm mạnh mẽ khi tham dự Hội nghị COP26, với cam kết đạt mức phát thải ròng bằng "0" vào năm 2050. Đây là tuyên bố mang tính bước ngoặt, không chỉ khẳng định trách nhiệm quốc tế mà còn mở ra một lộ trình cải cách trong nước toàn diện - đặc biệt trong các lĩnh vực sản xuất, tiêu dùng, đầu tư, tài chính và đổi mới sáng tạo.
Theo Phó Tổng Biên tập Lê Thanh Kim, chuyển đổi xanh không còn là khái niệm xa vời mà đã trở thành yêu cầu sống còn với cộng đồng doanh nghiệp trong kỷ nguyên phát triển bền vững. Trong những năm gần đây, chúng ta chứng kiến một số doanh nghiệp tiên phong tại Việt Nam mạnh dạn đầu tư vào năng lượng tái tạo, công nghệ sạch, mô hình kinh tế tuần hoàn và xây dựng chuỗi cung ứng bền vững. Những doanh nghiệp này không chỉ nâng cao năng lực cạnh tranh mà còn mở rộng thị trường, thu hút dòng vốn quốc tế và góp phần xây dựng thương hiệu Việt trên trường toàn cầu.

Tuy nhiên, thực tế cho thấy, phần lớn doanh nghiệp - đặc biệt là khu vực doanh nghiệp nhỏ và vừa, chiếm hơn 97% tổng số doanh nghiệp cả nước - vẫn đang gặp rất nhiều khó khăn trong hành trình chuyển đổi xanh. Khảo sát từ các hiệp hội và tổ chức phát triển cho thấy, doanh nghiệp rất quan tâm đến phát triển bền vững, nhưng phần lớn mới chỉ dừng lại ở mức độ nhận thức, chưa thể triển khai chiến lược xanh một cách bài bản. Những rào cản lớn nhất bao gồm: thiếu vốn đầu tư ban đầu, thiếu công nghệ phù hợp, thiếu nhân lực chất lượng cao, thiếu thông tin cập nhật và đặc biệt là thiếu cơ chế, chính sách hỗ trợ đồng bộ. Việc chưa có các quy định rõ ràng về tiêu chí, phân loại hoạt động xanh, hay khuôn khổ pháp lý hoàn chỉnh về thị trường carbon, chứng chỉ xanh... cũng khiến doanh nghiệp gặp khó trong việc lập kế hoạch và tiếp cận các dòng vốn bền vững.

Các đại biểu dự diễn đàn. Ảnh: Khánh Duy
Trong khi đó, sức ép từ thị trường quốc tế ngày càng gay gắt. Các thị trường xuất khẩu lớn như Liên minh châu Âu, Hoa Kỳ, Nhật Bản, Hàn Quốc... đang áp dụng hàng loạt rào cản kỹ thuật xanh như thuế carbon xuyên biên giới (CBAM), yêu cầu về truy xuất nguồn gốc nguyên liệu bền vững, và tuân thủ bộ tiêu chí môi trường - xã hội - quản trị doanh nghiệp (ESG). Nếu không kịp thời chuyển đổi, doanh nghiệp Việt Nam có thể bị giảm sức cạnh tranh, thậm chí bị loại khỏi các chuỗi cung ứng toàn cầu.

Phó Tổng Biên tập Lê Thanh Kim nhấn mạnh, chuyển đổi xanh là một hành trình dài và đầy thách thức; nhưng nếu biết khơi thông các nguồn lực - từ tài chính, công nghệ, nhân lực đến thể chế - thì đây cũng chính là cơ hội để nâng cấp nền kinh tế, nâng tầm doanh nghiệp Việt và đưa đất nước vươn lên mạnh mẽ.
Chúng ta có mặt tại đây, trong khuôn khổ Diễn đàn "Khơi thông nguồn lực cùng doanh nghiệp chuyển đổi xanh", với mong muốn cùng nhau chia sẻ thông tin, kinh nghiệm và giải pháp để tháo gỡ những điểm nghẽn đang cản trở hành trình xanh hóa doanh nghiệp. Đây là không gian kết nối giữa chính sách với thực tiễn, giữa nhà nước và tư nhân, giữa các doanh nghiệp với các định chế tài chính, các viện nghiên cứu. Tin tưởng rằng, những sáng kiến, đề xuất và kinh nghiệm được chia sẻ trong diễn đàn hôm nay sẽ góp thêm tiếng nói quan trọng nhằm xây dựng các cơ chế hỗ trợ thiết thực, hiệu quả hơn trong thời gian tới.

Cộng đồng doanh nghiệp là lực lượng tiên phong trong chuyển đổi xanh, nhưng để họ có thể chuyển mình mạnh mẽ, cần có sự đồng hành, sát sao và quyết liệt hơn từ Nhà nước, các cơ quan hoạch định chính sách, tổ chức tài chính, viện nghiên cứu và toàn xã hội. Chúng ta cùng chia sẻ một niềm tin rằng, nếu biết tận dụng thời cơ, khơi dậy tinh thần đổi mới, phát huy sức mạnh hợp tác công - tư, nội lực - ngoại lực, Việt Nam hoàn toàn có thể trở thành hình mẫu phát triển xanh năng động, sáng tạo và bao trùm trong khu vực và trên thế giới.
Tại Diễn đàn, các đại biểu, chuyên gia sẽ cung cấp thông tin về các xu hướng và chính sách hỗ trợ chuyển đổi xanh; chia sẻ những khó khăn thách thức mà cộng đồng doanh nghiệp trải qua trong quá trình chuyển đổi xanh. Từ đó cung cấp các giải pháp hỗ trợ cho doanh nghiệp, giúp các doanh nghiệp đang trong quá trình chuyển đổi hiểu rõ hơn về các bước đi, thử thách và cách thức vượt quá các rào cản để chuyển đổi bền vững.