Kiến nghị chính sách phù hợp thực tiễn, có tính khả thi cao.
Hội thảo với sự tham dự của lãnh đạo các bộ, ngành; các đại biểu Quốc hội; các chuyên gia kinh tế, chuyên gia tư vấn thuế, hiệp hội doanh nghiệp và đại diện các doanh nghiệp thuộc Hiệp hội ngành bia, rượu Việt Nam - những doanh nghiệp trực tiếp chịu thuế tiêu thụ đặc biệt.
Phát biểu khai mạc hội thảo, Ủy viên Trung ương Đảng, Tổng Biên tập Báo Nhân Dân, Phó Trưởng ban Tuyên giáo và Dân vận Trung ương, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam ông Lê Quốc Minh cho biết, trong bối cảnh kinh tế thế giới còn nhiều khó khăn, thách thức, tình hình kinh tế - xã hội quý I.2025 của nước ta tiếp tục duy trì xu hướng tích cực: Kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát trong tầm kiểm soát, các cân đối lớn được bảo đảm, các ngành, lĩnh vực đạt được nhiều kết quả quan trọng, tạo đà tăng trưởng cho các quý tiếp theo.
Tốc độ tăng GDP quý I năm nay đạt 6,93% so cùng kỳ năm trước, là mức tăng cao nhất của quý I các năm 2020-2025, phản ánh sự phục hồi tích cực của nền kinh tế.
Có thể nói, đây là thành quả ban đầu của những nỗ lực bền bỉ của cả hệ thống chính trị trong triển khai các giải pháp nhằm tháo gỡ khó khăn, tạo điều kiện thuận lợi cho các thành phần trong nền kinh tế phát triển hoạt động sản xuất kinh doanh.

Tuy nhiên, mức tăng trưởng này vẫn chưa đạt mục tiêu phấn đấu như kịch bản điều hành đã được Chính phủ điều chỉnh để phù hợp với tình hình mới của đất nước, hướng tới khát vọng trở thành quốc gia thịnh vượng vào năm 2045.
Cho rằng, hiện nay tình hình thế giới tiếp tục có những diễn biến phức tạp, khó lường, nhất là việc Hoa Kỳ công bố chính sách thuế đối ứng cao đối với Việt Nam và nhiều đối tác thương mại khác. Mặc dù Tổng thống Donald Trump đã tạm dừng kế hoạch áp thuế đối ứng trong 90 ngày đối với hơn 75 quốc gia, trong đó có Việt Nam, nhưng căng thẳng thương mại leo thang có thể gây đứt gãy chuỗi sản xuất, cung ứng của nhiều nền kinh tế trên thế giới.
Trong khi, ở trong nước, cộng đồng doanh nghiệp vẫn đối mặt với rất nhiều khó khăn kéo dài kể từ sau đại dịch Covid-19, thể hiện ở số doanh nghiệp phá sản, tạm ngừng hoạt động có những thời điểm tăng cao hơn so với số doanh nghiệp thành lập mới và tái gia nhập thị trường.
Chính vì vậy, theo ông Lê Quốc Minh, trong bối cảnh đó, mục tiêu phấn đấu tăng trưởng GDP từ 8% trở lên, tạo nền tảng vững chắc cho tăng trưởng 2 con số trong những năm tiếp theo càng trở nên thách thức, đòi hỏi các bộ, ngành, địa phương phải thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ. Trong đó, nâng cao năng lực nội sinh của nền kinh tế thông qua việc hỗ trợ sản xuất kinh doanh, giúp doanh nghiệp phục hồi và phát triển bền vững là yêu cầu trở nên cấp bách.

Ông Lê Quốc Minh cho rằng, đây cũng là thời điểm chúng ta cần tập trung các giải pháp gia tăng sản xuất trong nước, có chính sách hỗ trợ tiêu dùng trong nước trở thành động lực quan trọng của tăng trưởng kinh tế. Nâng cao năng lực nội sinh của nền kinh tế thông qua việc hỗ trợ sản xuất kinh doanh, giúp doanh nghiệp phục hồi và phát triển bền vững là yêu cầu trở nên cấp bách.
Ông Lê Quốc Minh cho biết, dự thảo Luật Thuế Tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi) sẽ được Chính phủ trình Quốc hội xem xét, thông qua tại Kỳ họp thứ 9 Quốc hội khóa XV dự kiến khai mạc vào tháng 5.2025, với mục tiêu quan trọng là định hướng sản xuất, điều chỉnh hành vi tiêu dùng của xã hội, hạn chế nhập khẩu, sản xuất, tiêu dùng các sản phẩm có hại cho sức khỏe và môi trường.
Tuy nhiên, thông qua các đề xuất về bổ sung thêm mặt hàng chịu thuế, tăng thuế suất, lộ trình tăng thuế…, những nội dung sửa đổi Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt lần này sẽ có tác động rất lớn đến chuỗi sản xuất của nhiều ngành hàng, từ doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh đến phân phối, dịch vụ.
Đặc biệt, việc thay đổi cách tính thuế vào thời điểm hiện tại sẽ tác động rất lớn tới hoạt động sản xuất kinh doanh của ngành bia-rượu vốn đang gặp nhiều khó khăn do ảnh hưởng nặng nề của đại dịch Covid-19 cũng như tác động từ một số cơ chế chính sách liên quan.
Trước những vấn đề đặt ra, ông Lê Quốc Minh cho biết, Báo Nhân Dân tổ chức Hội thảo “Hỗ trợ tăng trưởng kinh tế - Góc nhìn từ doanh nghiệp chịu thuế tiêu thụ đặc biệt”. Hội thảo nhằm tạo diễn đàn cho các bên liên quan cùng thảo luận, đưa ra các giải pháp cân bằng giữa chính sách thuế hỗ trợ doanh nghiệp và đạt mục tiêu tăng trưởng kinh tế bền vững; góp phần hoàn thiện dự thảo Luật Thuế Tiêu thụ đặc biệt theo hướng khoa học, bảo đảm hài hoà giữa các mục tiêu bảo vệ sức khỏe cộng đồng, ổn định kinh tế vĩ mô cũng như hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi và phát triển bền vững.
Cần tăng thuế tiêu thụ đặc biệt theo lộ trình phù hợp
Tại hội thảo, trình bày báo cáo với chủ đề "Kích cầu tiêu dùng nội địa, nuôi dưỡng nguồn thu thông qua các chính sách thuế hỗ trợ trong thời gian tới", TS Nguyễn Văn Phụng, Chuyên gia tư vấn chính sách thuế, Trưởng Ban Hỗ trợ doanh nghiệp, Hiệp hội các nhà đầu tư nước ngoài tại Việt Nam đã đưa ra một số giải pháp thuế hỗ trợ thị trường, kích cầu tiêu dùng nội địa trong thời gian tới. Trong đó, cần khẩn trương thực hiện nhiệm vụ, giải pháp đẩy mạnh và làm mới các động lực tăng trưởng truyền thống (đã được ghi tại Nghị quyết số 192/2025/QH15 của Quốc hội), đề xuất sớm trình Quốc hội việc giảm thuế giá trị gia tăng từ 10% xuống 8% với thời hạn dài hơn, ít nhất đến hết năm 2026.
Đồng thời, đề nghị mở rộng áp dụng đối với tất cả các hàng hóa, dịch vụ, (gồm cả mặt hàng chịu thuế tiêu thụ đặc biệt) để bảo đảm công bằng, khoa học, phù hợp với cơ chế khấu trừ liên hoàn của thuế giá trị gia tăng, tránh hệ lụy “chuyển thuế, tăng thuế” đối với các mặt hàng chịu thuế suất 10%.

TS Cấn Văn Lực, chuyên gia kinh tế trưởng BIDV, thành viên Hội đồng Tư vấn Chính sách Tài chính - Tiền tệ quốc gia nhấn mạnh, thuế tiêu thụ đặc biệt là công cụ điều tiết hành vi tiêu dùng, nhưng nếu thiết kế không hợp lý sẽ gây tác dụng ngược, khiến thị trường đồ uống chính ngạch suy giảm, làm gia tăng hàng lậu, hàng trôi nổi và thất thu ngân sách.
Theo TS Cấn Văn Lực, tăng thuế có thể đem lại hiệu quả ngân sách trong ngắn hạn, nhưng về dài hạn lại có nguy cơ làm giảm sản lượng, giảm giá trị tăng thêm, kéo theo giảm thu từ thuế giá trị gia tăng và thuế thu nhập doanh nghiệp, dẫn đến tổng hòa lợi ích giảm sút. Bởi, các nghiên cứu cho thấy nếu tăng thuế quá mạnh và quá nhanh sẽ ảnh hưởng tiêu cực tới ngành, việc làm, an sinh xã hội và các ngành phụ trợ như bao bì, vận tải, du lịch…

Tại hội thảo, các chuyên gia kinh tế đã trình bày nhiều bài tham luận, cung cấp cái nhìn tổng quan về những thách thức nền kinh tế đang phải đối mặt cũng như giải pháp ổn định kinh tế vĩ mô, hỗ trợ tăng trưởng kinh tế. Trong đó, đặc biệt nhấn mạnh đến các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp thúc đẩy tăng trưởng cũng như kích cầu tiêu dùng nội địa, nuôi dưỡng nguồn thu thông qua các chính sách hỗ trợ về thuế trong thời gian tới.
Đại diện các hiệp hội, doanh nghiệp cũng trực tiếp chia sẻ nhiều khó khăn thực tế đang gặp phải trong hoạt động sản xuất - kinh doanh, từ đó kiến nghị các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp bằng chính sách thuế.
Cũng tại hội thảo, các doanh nghiệp đưa ra nhiều ý kiến đóng góp vào việc hoàn thiện dự thảo Luật Thuế Tiêu thụ đặc biệt. Trong đó, các doanh nghiệp ngành bia - rượu đề xuất để tránh gây sốc thị trường cần tăng thuế tiêu thụ đặc biệt với rượu, bia theo lộ trình phù hợp và mức thuế hợp lý, bảo đảm doanh nghiệp có thời gian chuẩn bị và người tiêu dùng có thể thích nghi.