Từ “chất keo” tự nhiên gắn kết hai dân tộc...
Vài ngày trước chuyến thăm của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Thủ đô Jakarta (Indonesia) và Thủ đô Tehran (Iran) vẫn nắng nóng gay gắt. Nhưng có lẽ là nhân duyên, là “thiên thời, địa lợi, nhân hòa” hội tụ, khi Chủ tịch Quốc hội và Đoàn đại biểu cấp cao Quốc hội nước ta đến sân bay bắt đầu các chuyến thăm, cả hai thành phố vẫn chan hòa nắng vàng rực rỡ, nhưng không khí đã dịu mát hơn rất nhiều, như tình cảm nồng hậu và sự chào đón nhiệt thành mà Indonesia và Iran dành cho "những người bạn thân thiết": Việt Nam.
Chuyến thăm chính thức Cộng hòa Indonesia và Cộng hòa Hồi giáo Iran của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ có ý nghĩa đặc biệt. Điều này thể hiện rõ ngay ở thời điểm tiến hành chuyến thăm.
Với Indonesia, đây là chuyến thăm đầu tiên của Chủ tịch Quốc hội Việt Nam sau 13 năm trong bối cảnh hai nước đang thiết thực kỷ niệm 10 năm quan hệ Đối tác Chiến lược (2013 - 2023), hướng tới kỷ niệm 70 năm quan hệ ngoại giao vào năm 2025.
Với Iran, đây là chuyến thăm đầu tiên của Chủ tịch Quốc hội Việt Nam sau gần 25 năm trong bối cảnh hai nước đang kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao và xác định các phương hướng hợp tác cho tương lai 50 năm tiếp theo.
Chính vì thế, chuyến thăm lần này của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ được các nhà lãnh đạo cấp cao hai nước hết sức coi trọng.
Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường chia sẻ: Lãnh đạo hai nước đã dành cho Chủ tịch Quốc hội và Đoàn đại biểu cấp cao Quốc hội Việt Nam sự đón tiếp vô cùng trọng thị và thân tình. “Chuyến thăm của Chủ tịch Quốc hội đã đạt kết quả ngoài mong đợi, là mốc son mới trong quan hệ Việt Nam - Indonesia và Việt Nam - Iran; khẳng định vị thế của Việt Nam và Quốc hội Việt Nam đối với các nước mà Chủ tịch đến thăm và làm việc”, Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội khẳng định. Trong tất cả các cuộc trao đổi, các nhà lãnh đạo Indonesia và Iran đều khẳng định sự coi trọng đặc biệt quan hệ hợp tác với Việt Nam và dành những tình cảm tốt đẹp với đất nước, con người Việt Nam.
Với Indonesia là mối quan hệ gắn bó, thâm tình giữa hai vị lãnh tụ, hai nhà lập quốc vĩ đại của hai dân tộc là Tổng thống Sukarno và Chủ tịch Hồ Chí Minh. Với Iran là sự ngưỡng mộ của lãnh đạo và người dân Iran đối với lịch sử hào hùng của dân tộc Việt Nam cũng như sự kiên cường, bất khuất của người dân Việt Nam trong cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc, giành độc lập trước đây cũng như trong quá trình đổi mới, phát triển kinh tế - xã hội đã và đang đạt được những thành tựu hết sức to lớn hiện nay.
Đó cũng chính là “chất keo” tự nhiên gắn kết hai dân tộc, hai đất nước và Nhân dân hai nước Việt Nam - Indonesia, Việt Nam - Iran, tạo nền tảng cho quan hệ hợp tác song phương, bất kể những biến đổi thăng trầm của tình hình khu vực và quốc tế. Nền tảng ấy ngày càng được củng cố, vun đắp vững vàng hơn khi Việt Nam và Indonesia cũng như Iran đều có "điểm đồng" khát vọng về hòa bình. Như chia sẻ của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ với chính giới, các chuyên gia, học giả, nhà ngoại giao hai nước, đó là “tình yêu hòa bình ngấm vào máu thịt của người dân hai nước chúng ta”. “Tinh thần độc lập, tự quyết, tự lực tự cường chính là mẫu số chung quý giá của hai dân tộc”, Tổng thống Iran Seyyed Ebrahim Raisi nhấn mạnh.
... đến tầm nhìn chiến lược cho tương lai
Với nền tảng tin cậy chính trị rất cao giữa Việt Nam và hai nước như vậy, Chủ tịch Quốc hội và các nhà lãnh đạo Indonesia, Iran đã cùng nhau trao đổi hết sức thẳng thắn, thực chất, sâu sắc và toàn diện về các nội dung hợp tác trên cả bình diện song phương và đa phương. Đồng thời, cùng “phác thảo” tương lai quan hệ hai nước qua việc thống nhất thúc đẩy hợp tác trên tất cả các kênh, lĩnh vực, cấp độ và gợi mở những lĩnh vực hợp tác mới mà hai bên có tiềm năng, thế mạnh.
Với Indonesia, Chủ tịch Quốc hội và các nhà lãnh đạo của quốc gia “vạn đảo” đều nhất trí thúc đẩy quan hệ hợp hai nước trong tất cả các lĩnh vực từ chính trị - ngoại giao đến kinh tế, thương mại, đầu tư, khoa học, công nghệ, giáo dục và đào tạo, giao lưu Nhân dân, đặc biệt là tăng cường quan hệ ngoại giao nghị viện nhằm thiết lập các khung khổ pháp lý thúc đẩy hợp tác sâu rộng, toàn diện và hiệu quả trên các lĩnh vực khác.
Hai bên khẳng định quyết tâm tiếp tục thúc đẩy để nâng tầm quan hệ hợp tác chiến lược giữa hai nước lên tầm mức cao hơn, mở rộng ra các lĩnh vực hợp tác mới mang tầm chiến lược, trong đó có hợp tác trong phát triển kinh tế xanh, chuyển đổi năng lượng công bằng hay chuyển đổi số an toàn và bền vững.
Trong hợp tác kinh tế, thương mại, với vai trò và những đóng góp của nền kinh tế hai nước trong khu vực và trên thế giới, trong bối cảnh tình hình thế giới đang có nhiều biến động phức tạp, khó lường như hiện nay, Chủ tịch Quốc hội và các nhà lãnh đạo Indonesia đều chia sẻ tầm quan trọng của việc hai nước cần tiếp tục tạo thuận lợi cho nhau, phối hợp chặt chẽ để duy trì các chuỗi cung ứng hiện có, hợp tác để hình thành, cùng phát triển các chuỗi cung ứng mới, tạo ra các sản phẩm có giá trị gia tăng cao trong lĩnh vực công nghiệp, tăng cường hợp tác trong các lĩnh vực năng lượng tái tạo, đầu tư cơ sở hạ tầng, kinh tế số, kinh tế tuần hoàn, nông nghiệp và thủy sản, công nghiệp Halal và du lịch…
“Đặc biệt, Chủ tịch Quốc hội và các nhà lãnh đạo Indonesia đều chia sẻ quan điểm, tầm nhìn về vai trò quan trọng của quan hệ Việt Nam - Indonesia không chỉ có ý nghĩa chiến lược với hai quốc gia mà còn với khu vực, vì một ASEAN năng động, bao trùm và bền vững”, Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội nhấn mạnh.
Với Iran, các nhà lãnh đạo đều thể hiện quyết tâm và mong muốn nâng tầm hợp tác trong các lĩnh vực để tương xứng với tầm mức quan hệ chính trị ngoại giao đang hết sức tốt đẹp, nhất là trong lĩnh vực kinh tế, thương mại, khoa học và công nghệ... Chủ tịch Quốc hội Iran khẳng định, Quốc hội và Nhân dân Iran luôn coi trọng việc thúc đẩy hơn nữa quan hệ hữu nghị và hợp tác nhiều mặt với Việt Nam, đối tác quan trọng của Iran ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương; tin tưởng, hợp tác Iran - Việt Nam cũng như giữa Quốc hội hai nước sẽ chứng kiến bước phát triển vượt bậc trong thời gian tới.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ và các nhà lãnh đạo Iran cũng trao đổi và nhất trí các biện pháp cụ thể để nâng cao hiệu quả hợp tác song phương trên các lĩnh vực, như: tiếp tục tăng cường trao đổi đoàn các cấp, nhất là đoàn cấp cao và lãnh đạo các bộ, ngành phụ trách kinh tế, các địa phương hai nước…; đẩy mạnh các hoạt động giao lưu Nhân dân, văn hóa, nghệ thuật... nhằm thắt chặt tình hữu nghị và gia tăng hiểu biết lẫn nhau giữa Nhân dân hai nước. Tăng cường hợp tác giữa các cơ quan của Quốc hội, Hội nghị sĩ hữu nghị hai bên, nhóm nữ nghị sĩ, nhóm nghị sĩ trẻ; phát huy vai trò của Quốc hội trong giám sát và thúc đẩy triển khai các thỏa thuận giữa hai nước.
Hợp tác kinh tế, thương mại, đầu tư là một trong những lĩnh vực được các nhà lãnh đạo Iran hết sức mong đợi qua chuyến thăm lần này. Qua trao đổi, Chủ tịch Quốc hội và các nhà lãnh đạo Iran đã nhất trí tăng cường các hoạt động gặp gỡ, kết nối giữa địa phương với địa phương, doanh nghiệp với doanh nghiệp hai nước để tìm kiếm cơ hội hợp tác kinh doanh, đầu tư, tạo điều kiện cho các mặt hàng thế mạnh của nước này thâm nhập vào thị trường nước kia; tăng cường hợp tác hải quan, nối lại các cơ chế hợp tác giữa hai nước, như Ban công tác chung về hợp tác ngân hàng, Nhóm công tác về thương mại… để tìm kiếm các biện pháp đột phá cho hợp tác kinh tế, thương mại trong thời gian tới.
Dân là gốc và lập trường kiên định, bất biến của Việt Nam trong thế giới đầy biến động
Một trong những dấu ấn quan trọng trong hai chuyến thăm của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ lần này là hai bài phát biểu chính sách với các chuyên gia, học giả và các nhà ngoại giao kỳ cựu của Indonesia và Iran. Những định hướng lớn trong quan hệ Việt Nam - Indonesia, Việt Nam - Iran được Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh trong phát biểu tại Cộng đồng chính sách đối ngoại Indonesia, Viện Nghiên cứu chính trị và quan hệ quốc tế Iran đã để lại ấn tượng sâu sắc với các học giả, chuyên gia và chính giới hai nước.
Ngay sau phát biểu của Chủ tịch Quốc hội, nhiều học giả hai nước nhận định, bài phát biểu hết sức ấn tượng, toàn diện và có tầm nhìn xa, đề cập toàn diện mọi khía cạnh của không chỉ quan hệ song phương mà còn đặt trong tầm nhìn hợp tác vì hòa bình và phát triển trong khu vực cũng như trên thế giới. Hãng thông tấn quốc gia Indonesia Antara đánh giá bài phát biểu của Chủ tịch Quốc hội mang tầm lý luận sâu sắc, góp phần định hướng cho mối quan hệ giữa hai nước trong tương lai.
Các học giả, nhà ngoại giao hai nước bày tỏ ấn tượng sâu sắc trước chia sẻ của Chủ tịch Quốc hội về bài học quý giá được đúc kết từ thực tiễn phát triển của Việt Nam “dân là gốc, đẩy thuyền là dân mà lật thuyền cũng là dân”, mọi chủ trương, chính sách phát triển của Đảng và Nhà nước Việt Nam đều lấy hạnh phúc, ấm no của Nhân dân làm mục tiêu tối thượng, đặt người dân và doanh nghiệp ở vị trí trung tâm, mọi người dân đều phải được thụ hưởng các thành quả của sự phát triển. Với đường lối đúng đắn được người dân, doanh nghiệp ủng hộ, hành động sáng tạo, cùng với sự hợp tác quốc tế rộng lớn đã tạo nên quốc lực mạnh mẽ làm cho Việt Nam vững vàng vượt qua muôn vàn khó khăn, thử thách và đang từng bước phát triển nhanh, bền vững.
“Điều này hoàn toàn đúng bởi ở hầu hết các quốc gia, cả Chính phủ với tư cách là cơ quan hành pháp và Quốc hội với tư cách là cơ quan lập pháp đều do Nhân dân bầu ra. Vì vậy, nhân dân phải là trung tâm trong mọi hành động của Chính phủ và Quốc hội. Và các công việc do Chính phủ và Quốc hội thực hiện phải bảo đảm rằng tất cả các quyết định của họ đều vì lợi ích của người dân”, ông Ibnu Hadi - Giảng viên Khoa Quan hệ Quốc tế thuộc Đại học Tổng thống Indonesia chia sẻ.
Đặc biệt, thông điệp của Chủ tịch Quốc hội về chính sách ngoại giao kiên định của Việt Nam đã nhận được sự hoan nghênh và đánh giá cao của các học giả, chuyên gia, nhà hoạt động ngoại giao của hai nước thể hiện qua những tràng vỗ tay kéo dài và những lời cảm ơn chân tình dành cho Chủ tịch Quốc hội.
Chủ tịch Quốc hội khẳng định, “Việt Nam đã thực hiện đường lối ngoại giao đa phương hóa, đa dạng hóa, sẵn sàng là bạn, là đối tác tin cậy của tất cả các nước trên thế giới vì hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển. Đây là mẫu số chung để chúng ta tìm ra con đường đi của chính mình trong một thế giới đầy sôi động. Với một tinh thần hòa hiếu, Việt Nam không bao giờ quên quá khứ nhưng cũng sẵn sàng khép lại quá khứ để hướng tới tương lai, cùng nhau xây dựng quan hệ đối tác thực sự bình đẳng trên cơ sở tôn trọng toàn vẹn lãnh thổ, thể chế chính trị và không can thiệp vào công việc nội bộ của nhau. Đó là những nguyên tắc bất di bất dịch không đổi. Dù thế giới có thay đổi như thế nào, Việt Nam vẫn kiên định lập trường như vậy”.
Nhiều học giả Iran cho rằng, những chia sẻ của Chủ tịch Quốc hội đã đem đến những gợi mở ý nghĩa cho Iran nhất là trong bối cảnh hiện nay. “Việt Nam và Iran có nhiều điểm giống nhau và chúng ta cần tiếp tục chia sẻ nhiều triết lý để thúc đẩy hợp tác tốt hơn”, ông Omial Babelian, nhà nghiên cứu - Viện nghiên cứu Chính trị và quan hệ quốc tế Iran nhấn mạnh.
Phát huy vai trò nghị viện kiến tạo tương lai quan hệ Việt Nam và các nước
Chuyến thăm của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đồng thời khẳng định tầm quan trọng của ngoại giao nghị viện, vai trò của Quốc hội Việt Nam trong thúc đẩy hợp tác song phương với Indonesia và Iran cũng như tại diễn đàn nghị viện khu vực AIPA.
Tại hai nước, Chủ tịch Quốc hội và người đồng cấp đã ký Thỏa thuận hợp tác giữa cơ quan lập pháp hai nước. Với Indonesia, đây là bản Thỏa thuận hợp tác thứ hai được ký giữa Quốc hội Việt Nam và Hạ viện Indonesia, sau Thỏa thuận hợp tác đầu tiên được ký năm 2010 trong chuyến thăm chính thức của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng. Trên cơ sở những kết quả đã đạt được sau 13 năm thực hiện Thỏa thuận đầu tiên này, Thỏa thuận hợp tác vừa được ký đã mở rộng nội hàm hợp tác giữa hai cơ quan lập pháp phù hợp với yêu cầu và tình hình mới. Còn với Iran, đây là bản Thỏa thuận hợp tác đầu tiên giữa Quốc hội hai nước, đánh dấu một chương mới trong lịch sử quan hệ giữa cơ quan lập pháp hai nước.
Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường nêu rõ, các thỏa thuận này có ý nghĩa hết sức quan trọng để mở ra các hoạt động hợp tác mới giữa cơ quan lập pháp hai nước trong thời gian tới.
Trong đó, Quốc hội/Nghị viện hai nước tăng cường quan hệ hữu nghị, hợp tác thông qua trao đổi Đoàn cấp cao và các cấp; phát huy vai trò của Quốc hội trong giám sát việc thực thi pháp luật và thực hiện các thỏa thuận hợp tác. Hai bên chia sẻ kinh nghiệm và thực tiễn hoạt động trong xây dựng pháp luật; tổ chức các chuyến thăm và các đoàn trao đổi kinh nghiệm giữa cán bộ phục vụ hoạt động của nghị viện; trao đổi thông tin, chia sẻ, tham vấn tại diễn đàn nghị viện đa phương...
Chủ tịch Quốc hội và các nhà lãnh đạo nghị viện hai nước cùng nhấn mạnh việc hai nước và các cơ quan của nghị viện hai nước cần phối hợp để xây dựng thể chế thúc đẩy hình thành hệ sinh thái cho hai công cuộc chuyển đổi rất quan trọng, có tính toàn cầu hiện nay là chuyển đổi số bền vững, an toàn và chuyển đổi năng lượng công bằng, bền vững. Tăng cường hơn nữa hợp tác trong ngoại giao nghị viện, trao đổi các kinh nghiệm về lập pháp và giám sát, tiến tới ký kết các chương trình, thỏa thuận hợp tác cụ thể, tạo khuôn khổ cho những bước tiến mới của hợp tác song phương trong tương lai.
Với hợp tác nghị viện đa phương, tại Đại hội đồng AIPA-44, Chủ tịch Quốc hội và Đoàn đại biểu cấp cao Quốc hội Việt Nam đã có những đóng góp quan trọng, cụ thể và thiết thực. Trong đó, Chủ tịch Quốc hội khẳng định, là thành viên có trách nhiệm của cộng đồng khu vực và quốc tế, Việt Nam sẽ làm hết sức mình cùng các nước ASEAN và Nghị viện thành viên AIPA nỗ lực xây dựng một ASEAN - một AIPA vững mạnh, chủ động thích ứng,“biến nguy thành cơ”, hướng tới Cộng đồng ASEAN ổn định, phát triển thịnh vượng và bền vững.
5 đề xuất quan trọng của Chủ tịch Quốc hội tại Đại hội đồng đã nhận được sự chia sẻ, đánh giá cao của lãnh đạo nghị viện các nước thành viên AIPA. Đặc biệt là việc Nghị viện các nước ASEAN cần tiếp tục nâng cao vai trò xây dựng luật, tạo hành lang pháp lý thuận lợi và tăng cường vai trò giám sát Chính phủ các nước ASEAN triển khai thành công các Kế hoạch tổng thể xây dựng Cộng đồng ASEAN 2025 trên cả 3 trụ cột chính trị - an ninh, kinh tế, văn hóa - xã hội và hướng tới Tầm nhìn sau 2025. AIPA cần tiếp tục đổi mới, trở thành kênh hợp tác nghị viện có hiệu quả, phối hợp tốt giữa kênh Nghị viện và Chính phủ các nước, tiếp tục chú trọng tăng cường quan hệ với các đối tác là Quan sát viên của AIPA để tạo ra “sức mạnh tập thể” góp phần hóa giải những thách thức mà khu vực đang phải đối mặt.
Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Vũ Hải Hà cho biết thêm, cả 3 sáng kiến của Quốc hội Việt Nam tại Đại hội đồng AIPA-44 đều đã được nghị viện các nước thành viên ủng hộ và thông qua. Các Nghị quyết này tập trung vào các lĩnh vực chuyển đổi số, đổi mới sáng tạo, tăng cường ứng dụng khoa học công nghệ và thúc đẩy tăng trưởng, phát triển phục hồi kinh tế sau đại dịch và đầu tư một cách có trách nhiệm trong lĩnh vực nông, lâm nghiệp và bảo đảm an ninh lương thực, phát triển nông nghiệp bền vững trong ASEAN. Việt Nam đồng thời cũng bảo trợ một số nghị quyết có lợi ích trực tiếp trong các lĩnh vực bảo đảm an ninh, hòa bình ở khu vực cũng như các lĩnh vực hợp tác kinh tế, các trụ cột về văn hóa, xã hội.
“Với sự tham gia rất tích cực của Đoàn Việt Nam, chúng ta đã có một kỳ Đại hội đồng thành công, đóng góp thực chất vào các hoạt động của Đại hội đồng và có những văn kiện, những đóng góp vào nội dung để thúc đẩy hợp tác trong AIPA cùng với ASEAN thúc đẩy việc xây dựng Cộng đồng ASEAN ngày càng lớn mạnh”, Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại nhấn mạnh.
Với khoảng 60 hoạt động cấp cao và các cấp, cả trên bình diện song phương và đa phương, kết quả chuyến thăm của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã tiếp tục triển khai hiệu quả đường lối đối ngoại của Đảng ta; khẳng định vai trò và “sức mạnh mềm” của ngoại giao nghị viện trong thúc đẩy hợp tác song phương và đa phương vì sự phát triển của mỗi nước, đóng góp cho hòa bình, hợp tác và phát triển của cả khu vực, đem lại lợi ích cho mọi người dân.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhiều lần nhấn mạnh rằng, “cách tốt nhất để hình dung về tương lai chính là cùng nhau tạo ra nó”.
Những kết quả cụ thể, thiết thực và toàn diện trong chuyến tham dự Đại hội đồng AIPA-44, thăm chính thức Cộng hòa Indonesia và Cộng hòa Hồi giáo Iran của Chủ tịch Quốc hội và Đoàn đại biểu cấp cao Quốc hội Việt Nam thể hiện sâu sắc quan điểm này.
Quốc hội Việt Nam đã, đang và sẽ luôn chủ động, tích cực đóng góp vào việc kiến tạo tương lai mối quan hệ Việt Nam và các nước, đóng góp cho sự phát triển thịnh vượng của cả khu vực và thế giới.