Theo báo cáo của Ủy ban Tài chính - Ngân sách, đa số ý kiến trong Thường trực Ủy ban và cơ quan soạn thảo cho rằng, trong điều kiện hiện nay nên duy trì Quỹ bình ổn xăng dầu, đồng thời cần bảo đảm tính công khai, minh bạch, hiệu quả trong quản lý, điều hành, sử dụng. Bên cạnh đó, do quỹ hiện vẫn được để tại các doanh nghiệp nên Chính phủ cần nghiên cứu có phương án quản lý phù hợp hơn, bảo đảm rõ ràng về thực trạng nguồn cũng như việc sử dụng...
Như vậy, ngoài lần lấy ý kiến về dự thảo luật, cơ quan soạn thảo là Bộ Tài chính đề nghị bỏ Quỹ bình ổn xăng dầu, còn lại "xuyên suốt" quá trình xây dựng dự thảo luật, quỹ bình ổn vẫn được đưa vào dự thảo luật - dù thực tế có nhiều ý kiến cho rằng không nên tiếp tục duy trì quỹ này. Lý do để duy trì quỹ là bởi đây là công cụ điều tiết giá trong nước, là biện pháp kinh tế, không phải can thiệp hành chính.
Là do thị trường xăng dầu trong nước chưa hoàn toàn vận hành theo thị trường, vẫn có sự điều hành của Nhà nước. Hơn nữa, khi giá xăng dầu thế giới biến động thì quỹ bình ổn đã phát huy vai trò điều hòa, góp phần giảm tần suất và mức điều chỉnh tăng giá bán xăng dầu; giúp giảm biên độ biến động của giá, từ đó giảm tác động tiêu cực đến sản xuất, kinh doanh, kiểm soát lạm phát...
Tán thành về sự cần thiết duy trì quỹ, tuy nhiên một đại biểu Quốc hội cho rằng, cần nêu rõ hơn cơ chế vận hành, quản lý để công khai, minh bạch; hài hoà lợi ích Nhà nước, doanh nghiệp và người dân vì việc sử dụng, trích lập quỹ thời gian qua còn có bất cập. Cụ thể, đây là quỹ ngoài ngân sách, hình thành từ việc trích lập trên mỗi lít xăng dầu mà người dân mua nhưng doanh nghiệp lập, sử dụng lại theo quyết định của cơ quan quản lý Nhà nước.
Ý kiến khác lại cho rằng, trong bối cảnh hiện nay nên duy trì, nhưng lâu dài, cần có lộ trình về sự tồn tại quỹ này. Không nên duy trì mãi Quỹ bình ổn giá xăng dầu vì không hợp lý, không công bằng. Mặt khác, việc giao quỹ cho doanh nghiệp quản lý cũng không hợp lý. Nên giao Bộ Bộ Tài chính quản lý bởi quỹ hình thành từ tiền đóng góp của người dân. Nếu doanh nghiệp dùng vào mục đích khác sẽ không công bằng.
Thực tế, có nhiều luồng ý kiến về việc có nên duy trì Quỹ bình ổn giá xăng dầu hay không. Ý kiến không tán thành cho rằng vai trò của Quỹ bình ổn giá xăng dầu ngày càng mờ nhạt, khiến thị trường xăng dầu vận hành kém minh bạch. Hiệu quả của quỹ cũng chỉ phát huy tác dụng khi giá xăng dầu biến động ở phạm vi hẹp, trong thời gian ngắn. Cho nên cần bỏ quỹ để hướng đến mục tiêu hoạt động theo cơ chế thị trường, tức giá xăng dầu trong nước diễn biến theo xu hướng chung của giá thế giới.
Ở góc nhìn tích cực, việc tiếp tục duy trì Quỹ Bình ổn giá xăng dầu là cần thiết. Tuy nhiên, cùng với đó, cũng có rất nhiều vấn đề phải làm rõ. Trong đó, đáng chú ý, như ý kiến mà Chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh đã từng nêu ra là Chính phủ cần đánh giá hiệu quả sử dụng. Đây sẽ là cơ sở thuyết phục nhất cho việc nên hay không nên duy trì quỹ.