Hội nghị được tổ chức nhằm đánh giá những kết quả đạt được, những hạn chế, vướng mắc còn tồn tại trong công tác phối hợp giữa Kiểm toán Nhà nước với các địa phương, đồng thời đề xuất các phương hướng, giải pháp để thực hiện tốt hơn công tác phối hợp giữa các bên trong thời gian tới.
Phát biểu khai mạc Hội nghị, Phó Tổng Kiểm toán Nhà nước Trần Minh Khương cho biết, trong những năm qua, công tác phối hợp giữa Kiểm toán Nhà nước với Thường trực HĐND, UBND các tỉnh, thành phố đã góp phần nâng cao hiệu quả công tác của mỗi bên.
Phó Tổng Kiểm toán Nhà nước Trần Minh Khương nhấn mạnh, thông qua hoạt động kiểm toán, Kiểm toán Nhà nước một mặt chỉ ra những ưu điểm, những nội dung đã làm đúng quy định, mặt khác, Kiểm toán Nhà nước cũng đã chỉ ra những tồn tại, hạn chế và cả những sai sót cần khắc phục, chấn chỉnh trong công tác quản lý, sử dụng tài chính công, tài sản công của các địa phương, đơn vị được kiểm toán; đồng thời, hàng năm, Kiểm toán Nhà nước cũng đưa ra ý kiến đánh giá về công tác lập và giao dự toán thu, chi ngân sách địa phương của các tỉnh; ý kiến về tính trung thực, tính đúng đắn, hợp pháp của báo cáo quyết toán ngân sách địa phương của các tỉnh giúp HĐND các tỉnh có thêm căn cứ, cơ sở để quyết định dự toán thu, chi ngân sách địa phương, phê chuẩn báo cáo quyết toán ngân sách địa phương.
Đồng thời, sự phối hợp tích cực và hiệu quả, tạo điều kiện thuận lợi của HĐND, UBND các tỉnh An Giang, Bến Tre, Đồng Tháp, Tiền Giang, Trà Vinh, Vĩnh Long cho các hoạt động của Kiểm toán Nhà nước khu vực IX cũng như Kiểm toán Nhà nước các chuyên ngành, đã góp phần giúp Kiểm toán Nhà nước hoàn thành tốt kế hoạch kiểm toán hàng năm.
Theo Báo cáo kết quả thực hiện Quy chế phối hợp công tác giữa Kiểm toán Nhà nước và các tỉnh An Giang, Bến Tre, Đồng Tháp, Tiền Giang, Trà Vinh, Vĩnh Long, bên cạnh những kết quả đạt được, Báo cáo cũng thẳng thắn chỉ ra trong quá trình thực hiện phối hợp giữa Kiểm toán Nhà nước và các tỉnh: An Giang, Bến Tre, Đồng Tháp, Tiền Giang, Trà Vinh, Vĩnh Long còn một số nội dung cần tiếp tục quan tâm, trao đổi, như: Công tác phối hợp, tránh chồng chéo trong xây dựng kế hoạch kiểm toán của Kiểm toán Nhà nước với các kế hoạch thanh tra, kiểm tra của các địa phương; công tác phối hợp trao đổi thông tin giữa các bên trong thực hiện chức năng, nhiệm vụ của mỗi bên; việc đôn đốc, chỉ đạo thực hiện các kiến nghị của Kiểm toán Nhà nước của một số đơn vị, địa phương...
Đồng tình và chia sẻ về những nội dung được đưa ra tại Hội nghị, đại diện lãnh đạo các địa phương đã có những ý kiến phát biểu làm rõ thêm những kết quả đã đạt được trong việc thực hiện Quy chế phối hợp công tác giữa các bên trong thời gian qua cũng như định hướng công tác phối hợp trong thời gian tới.
Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Bến Tre Nguyễn Trúc Sơn khẳng định: Việc ký quy chế phối hợp trong giai đoạn mới là rất thiết thực đối với tỉnh Bến Tre, là cơ sở giúp cho việc chỉ đạo, điều hành, sử dụng ngân sách nhà nước của tỉnh tiếp tục đi vào nền nếp, đúng quy định của pháp luật, góp phần thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ, mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội; tăng cường và nâng cao hiệu quả công tác giữa Kiểm toán Nhà nước với HĐND và UBND tỉnh.
Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Long Lữ Quang Ngời mong muốn, thời gian tới, Kiểm toán Nhà nước tiếp tục hướng dẫn, chia sẻ kinh nghiệm, đóng góp biện pháp hiệu quả cho tỉnh Vĩnh Long thông qua những cuộc kiểm toán ngân sách, kiểm toán chuyên đề; đặc biệt trong điều kiện kinh tế xã hội thay đổi nhanh, các quy định pháp luật được ban hành mới, được sửa đổi bổ sung thường xuyên, để đáp ứng yêu cầu phát triển của đất nước trong giai đoạn mới.
Tổng Kiểm toán Nhà nước Ngô Văn Tuấn phát biểu kết luận Hội nghị
Phát biểu kết luận Hội nghị, Tổng Kiểm toán nhà nước Ngô Văn Tuấn cho biết, sau nhiều năm thực hiện Quy chế phối hợp công tác giữa Kiểm toán Nhà nước với Thường trực HĐND, UBND các tỉnh đã đi vào thực chất, đã phát huy được hiệu quả công tác, giúp các cơ quan hoàn thành tốt hơn nhiệm vụ chính trị được giao.
Thống nhất với các nội dung, nhiệm vụ, giải pháp nêu trong Quy chế phối hợp, trong Báo cáo sơ kết công tác phối hợp cũng như các ý kiến tham gia của các địa phương tại Hội nghị, Tổng Kiểm toán Nhà nước yêu cầu Kiểm toán Nhà nước khu vực IX, trong thời gian tới cần làm tốt 4 nhiệm vụ.
Thứ nhất, làm thật tốt công tác kiểm toán báo cáo quyết toán ngân sách địa phương, kịp thời cung cấp thông tin cho HĐND các tỉnh thông qua phê chuẩn quyết toán ngân sách địa phương và tổng hợp để xây dựng dự toán ngân sách nhà nước.
Thứ hai, phối hợp chặt chẽ trong việc xây dựng dự toán ngân sách địa phương, từ đó nâng cao chất lượng ý kiến đối với dự toán nhà nước và phân bổ ngân sách trung ương gửi Quốc hội.
Thứ ba, phối hợp chặt chẽ trong việc thực hiện kiến nghị kiểm toán, không để tồn đọng, kịp thời chia sẻ khó khăn, vướng mắc với địa phương.
Thứ tư, sẵn sàng hợp chặt chẽ với địa phương tham gia các đoàn giám sát của cơ quan dân cử cũng như là cho ý kiến vào các chương trình, dự án quan trọng của địa phương nếu được địa phương tín nhiệm; quan tâm giáo dục tư tưởng, đạo đức chính trị cho cán bộ, kiểm toán viên khi tham gia các hoạt động trên địa bàn; trở thành một bộ phận hữu cơ trong tổ chức bộ máy của địa phương, giúp địa phương hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ chính trị và từ đó hoàn thành nhiệm vụ chính trị của mình.
Về phía các địa phương, Tổng Kiểm toán nhà nước nhấn mạnh 6 nội dung và đề nghị các địa phương phối hợp thực hiện tốt trong thời gian tới.
Một là, phối hợp chặt chẽ với Kiểm toán Nhà nước trong việc xây dựng kế hoạch kiểm toán theo phương châm tinh, gọn, chất lượng, hiệu quả, không chồng chéo, không ảnh hưởng đến hoạt động của địa phương và các cơ quan, ban ngành được kiểm toán; phối hợp chặt chẽ trong việc chuẩn bị hồ sơ, tài liệu; cung cấp các thông tin giúp đoàn kiểm toán thu thập thông tin tốt hơn.
Hai là, phối hợp chặt chẽ trong việc thực hiện nhiệm vụ kiểm toán, chuẩn bị hồ sơ, tài liệu đầy đủ theo quy định của pháp luật; lựa chọn cán bộ hiểu biết, nắm chắc vấn đề để phối hợp với đoàn kiểm toán, trao đổi thẳng thắn, giúp nâng cao chất lượng báo cáo kiểm toán, nâng cao hiệu lực của các kết luận, kiến nghị kiểm toán; giúp cho Kiểm toán Nhà nước làm tốt vai trò tư vấn, phòng ngừa và ngăn chặn từ xa, từ sớm lãng phí, tiêu cực.
Ba là, phối hợp hiệu quả trong việc thực hiện kết luận, kiến nghị kiểm toán. “Trên cơ sở kế hoạch kiểm toán và hoạt động kiểm toán tốt rồi, tôi tin tưởng việc thực hiện kết luận, kiến nghị kiểm toán sẽ hiệu quả hơn, thiết thực và nhanh gọn hơn từ việc thực hiện kiến nghị về xử lý tài chính, trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân và đặc biệt là phối hợp chặt chẽ trong việc kiến nghị với các cơ quan chức năng sửa đổi kịp thời các văn bản quy phạm pháp luật gây cản trở sự phát triển” – Tổng Kiểm toán nhà nước nhấn mạnh.
Bốn là, phối hợp chặt chẽ trong việc cập nhật kiến thức cho đại biểu dân cử, nhất là trong việc cập nhật các kiến thức mới, văn bản mới, kiến thức về quản lý tài chính công, tài sản công, về khuôn khổ pháp lý về Kiểm toán Nhà nước…
Năm là, phối hợp, chia sẻ thông tin, cơ sở dữ liệu, góp phần đổi mới phương thức hoạt động kiểm toán, phương thức kiểm toán.
Sáu là, tạo điều kiện cho Kiểm toán Nhà nước khu vực tham gia trực tiếp các đoàn giám sát của HĐND, các đoàn kiểm tra đối với các lĩnh vực liên quan đến quản lý tài chính công, tài sản công nhằm phục vụ cho hoạt động kiểm toán.
“Tôi rất kỳ vọng, với Quy chế được ký kết lần này, trong thời gian tới sẽ có sự thay đổi về chất trong công tác phối hợp giữa Kiểm toán Nhà nước với HĐND, UBND các địa phương” – Tổng Kiểm toán Nhà nước nói.
Quy chế phối hợp công tác giữa Kiểm toán Nhà nước với Thường trực HĐND, UBND tỉnh An Giang, Bến Tre, Đồng Tháp, Tiền Giang, Trà Vinh, Vĩnh Long gồm 3 Chương, 10 Điều, quy định sự phối hợp công tác giữa Kiểm toán Nhà nước với các địa phương trong thực hiện nhiệm vụ kiểm toán của Kiểm toán Nhà nước và trong tổ chức các hoạt động giám sát, quyết định dự toán và phê chuẩn quyết toán ngân sách, quản lý và điều hành ngân sách địa phương theo quy định của pháp luật; giám sát hoạt động kiểm toán và Kiểm toán viên nhà nước.
Trong khuôn khổ Hội nghị đã diễn ra Lễ ký kết Quy chế phối hợp với Thường trực HĐND, UBND các tỉnh trên cơ sở sửa đổi, bổ sung Quy chế đã ký kết cho phù hợp với quy định và tình hình mới.
Tại Hội nghị này, Kiểm toán Nhà nước đã trao tặng Kỷ niệm chương “Vì sự nghiệp Kiểm toán Nhà nước” cho lãnh đạo tỉnh và lãnh đạo sở, ban ngành thuộc 6 tỉnh An Giang, Bến Tre, Đồng Tháp, Tiền Giang, Trà Vinh, Vĩnh Long đã có nhiều công lao đóng góp cho sự nghiệp xây dựng và phát triển Kiểm toán Nhà nước.