Tai nạn giao thông kéo giảm ở cả 3 tiêu chí
Theo báo cáo của Sở Giao thông vận tải, những năm qua, số phương tiện giao thông trên địa bàn tăng nhanh, bình quân mỗi năm tăng gần 40.000 xe. Trong giai đoạn giám sát, tình hình TTATGT trên địa bàn được bảo đảm, ít xảy ra vấn đề nổi cộm. Sở Giao thông vận tải với vai trò là cơ quan Thường trực Ban An toàn giao thông (ATGT) tỉnh đã tham mưu cho UBND tỉnh chỉ đạo các ngành, địa phương cùng vào cuộc triển khai thực hiện quyết liệt. Đồng thời, tham mưu cho HĐND, UBND tỉnh ban hành 3 Đề án về công tác bảo đảm TTATGT. Từ năm 2010 đến năm 2023, Thái Nguyên liên tục kéo giảm TNGT trên cả 3 tiêu chí, số vụ tai nạn đặc biệt nghiêm trọng giảm rõ rệt, cụ thể xảy ra 5.419 vụ, chết 1.704 người, bị thương 5.514 người…
Trên địa bàn hiện có 9 Trung tâm đăng kiểm với 13 dây chuyền kiểm định, năng lực khoảng 300.000 lượt kiểm định/năm có thể đáp ứng tốt nhu cầu kiểm định xe cơ giới đến năm 2025. Công tác thực hiện quy định cấp Giấy phép kinh doanh vận tải cho các đơn vị vận tải được thực hiện nghiêm túc
Dù đạt những kết quả quan trọng, tuy nhiên, báo cáo của Sở Giao thông vận tải cũng chỉ rõ công tác bảo đảm TTATGT trên địa bàn tỉnh vẫn còn một số hạn chế. Trong đó, cơ sở hạ tầng giao thông mặc dù được quan tâm đầu tư, xong chưa theo kịp với sự gia tăng phương tiện, lượng người tham gia giao thông; một số đơn vị vận tải, bến xe vi phạm quy định trong quản lý hoạt động vận tải và bến xe; công tác tổ chức giao thông còn nhiều bất cập; ý thức của một bộ phận người tham gia giao thông chưa cao; vi phạm hành lang an toàn giao thông đường sắt và nguy cơ tai nạn trên tất cả lối đi tự mở vẫn còn nhiều; hoạt động vận tải thủy nội địa trên địa bàn tỉnh còn mang tính tự phát; các bến thủy nội địa, bến khách ngang sông hầu hết chưa được đầu tư xây dựng…
Nâng cao hiệu quả quản lý trật tự, an toàn giao thông
Tại buổi làm việc, các thành viên Đoàn giám sát đề nghị Sở Giao thông vận tải trao đổi, làm rõ thêm một số nội dung liên quan đến: Giải pháp khắc phục một số vấn đề bất cập trong tổ chức giao thông trên địa bàn tỉnh, đặc biệt tại các điểm thường xuyên xảy ra ùn tắc; tỷ lệ đất dành cho giao thông trong quy hoạch tỉnh và việc quy hoạch các bến xe khách, điểm đỗ xe trên địa bàn; công tác phối hợp giữa cơ quan chuyên môn và chính quyền địa phương trong việc bảo đảm TTATGT; việc xử lý các phương tiện hết niên hạn sử dụng; biện pháp xử lý tình trạng xe dù, xe khách trá hình, xe tự chế; giải pháp nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền tại khu vực nông thôn, miền núi; việc phân cấp, phân quyền trong sửa chữa, nâng cấp công trình giao thông; những khó khăn, bất cập và nguyên nhân trong việc xử lý các điểm đen tiềm ẩn nguy cơ tai nạn giao thông…
Đoàn giám sát cũng đề nghị, Sở Giao thông vận tải tham gia đóng góp vào một số nội dung còn có ý kiến khác nhau của Dự thảo Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ và Dự thảo Luật Đường bộ. Trong đó, có các quy định cấm hành vi điều khiển phương tiện tham gia giao thông đường bộ mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn; bổ sung nội dung quy định đấu giá biển số xe vào Dự thảo Luật Trật tự an toàn giao thông đường bộ; về Quỹ giảm thiểu thiệt hại tai nạn giao thông đường bộ; về điều kiện phương tiện tham gia giao thông đường bộ: xe cơ giới, xe máy chuyên dùng tham gia giao thông phải đáp ứng các điều kiện “có thiết bị giám sát hành trình; thiết bị thu thập dữ liệu, hình ảnh người lái xe, dữ liệu, hình ảnh bảo đảm an toàn hành trình theo quy định”; quy định cụ thể về hệ thống giao thông thông minh trong dự thảo Luật Đường bộ.
Đánh giá cao tính chủ động, nghiêm túc trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo triển khai, tổ chức thực hiện chính sách, pháp luật về bảo đảm TTATGT trên địa bàn thời gian qua, Phó trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Thái Nguyên Đoàn Thị Hảo đề nghị: UBND tỉnh, Ban An toàn giao thông tỉnh, các sở, ngành, địa phương tiếp tục siết chặt kỷ luật, kỷ cương, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về bảo đảm TTATGT; tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về TTATGT, nhất là đối với thanh thiếu niên, học sinh, sinh viên. Cùng với đó, đẩy nhanh tiến độ hoàn thành và nâng cao chất lượng các dự án, công trình xây dựng hạ tầng giao thông trọng điểm trên địa bàn. Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong quản lý điều hành vận tải, điều khiển giao thông...