Nguồn: baohaiquan.vn |
Các chính sách hỗ trợ đã góp phần tạo điều kiện tốt hơn cho ngư dân khai thác hiệu quả kinh tế biển và ổn định cuộc sống. Tuy nhiên, các ngân hàng thương mại cũng gặp một số khó khăn khi cho ngư dân vay vốn. Bởi hoạt động khai thác, đánh bắt hải sản đòi hỏi một nguồn vốn đầu tư rất lớn và thời gian vay vốn dài. Ngư trường khai thác gần bờ ngày càng khó khăn, cạn kiệt, thiếu ổn định do việc đánh bắt, khai thác bừa bãi, thiếu tổ chức và khai thác mang tính hủy diệt. Nói cách khác, ngân hàng đứng trước rủi ro có thể không thu hồi được vốn vay do đánh bắt không hiệu quả, năng suất thấp. Ngoài ra, ngư dân thường đánh bắt tại các ngư trường xa, tàu khai thác thường được neo đậu ngoại tỉnh, nên ngân hàng khó có thể quản lý tài sản và kiểm tra dòng tiền sau khi các hộ bán hải sản khai thác được.
Ngư dân cũng gặp nhiều khó khăn trong việc tiếp cận vốn vay. Bởi tài sản bảo đảm tiền vay chủ yếu là tàu cá, khi có yếu tố bất thường xảy ra như vi phạm lãnh hải thì rủi ro mất toàn bộ vốn là rất cao. Trong khi, nước ta vẫn chưa có đơn vị chức năng nào tham gia bảo hiểm khi tàu vi phạm lãnh hải khai thác của nước khác. Do khai thác hải sản xa bờ tiềm ẩn nhiều rủi ro, nên các ngân hàng thương mại đang buộc ngư dân khi vay vốn phải bổ sung tài sản bảo đảm ngoài tài sản thế chấp là tàu cá. Vì thế, mỗi chuyến ra khơi thất thu thì ngư dân rất khó có thể tiếp tục vay vốn tín dụng, phục hồi tàu thuyền đánh bắt.
Thời gian tới, để tiếp tục nâng cao chất lượng tín dụng hỗ trợ cho các hộ nuôi trồng, khai thác, đánh bắt thủy hải sản, nhiều chuyên gia đề nghị, Chính phủ cần đưa ra cơ chế đặc thù để các ngân hàng thương mại có thể mạnh dạn cho ngư dân vay đầu tư nâng cấp phương tiện. Bên cạnh đó, thực hiện tốt hơn nữa các chính sách bình ổn giá nhiên liệu đầu vào nhằm giảm thiểu khó khăn cho ngư dân do giá xăng, dầu đang biến động một cách khó lường. Riêng ngành ngân hàng, cần tiếp tục chủ động điều tra, khảo sát, tình hình của các hộ nuôi trồng, nắm chắc thông tin những hộ có kinh nghiệm, năng lực kinh doanh hoặc có tài sản bảo đảm, có khả năng trả nợ để tập trung đầu tư vốn. Đối với chế biến thủy sản xuất khẩu, các ngân hàng cần chọn các doanh nghiệp, hộ ngư dân bảo đảm các điều kiện vệ sinh an toàn thực phẩm, có khả năng quản lý sản xuất tốt, có hợp đồng tiêu thụ ổn định để đầu tư. Nghiên cứu, tư vấn cho khách hàng trong việc ký kết hợp đồng xuất khẩu, tránh những rủi ro trong thanh toán, bảo đảm an toàn vốn đầu tư.