Cơn ác mộng chưa có hồi kết
Công ty điện lực nhà nước Eskom cung cấp phần lớn điện năng cho Nam Phi thông qua các nhà máy nhiệt điện than đã bị sử dụng quá mức và không được bảo trì trong nhiều năm. Việc tạm ngừng các thiết bị để thực hiện bảo trì sẽ làm trầm trọng thêm tình trạng quá tải trong thời gian ngắn vì Eskom có rất ít nguồn điện dự phòng. Vấn đề này được cho là sẽ được khắc phục sau khi 2 nhà máy đốt than lớn nhất thế giới, Medupi và Kusile được xây dựng ở các tỉnh Limpopo và Mpumalanga của Nam Phi. Tuy nhiên, sau 15 năm khởi công, các nhà máy này vẫn chỉ hoạt động được khoảng một nửa trong tổng công suất 9.600 MW do hỏng hóc, lỗi kỹ thuật, chậm tiến độ và tai nạn.
Chi phí vượt mức lên tới hàng tỷ USD tại 2 nhà máy này, khiến công ty rơi vào tình trạng tài chính bấp bênh, với khoản nợ gần 28 tỷ USD. Hành vi trộm cắp điện, kể cả ở các thị trấn nghèo khó của Nam Phi, và việc khách hàng ở thành phố không trả tiền khiến tình hình càng trở nên tồi tệ hơn. Công ty này đã thua lỗ trong nhiều năm và phải dựa vào gói cứu trợ của chính phủ để duy trì khả năng thanh toán. Trong năm tài chính kết thúc vào tháng 3.2022, Eskom báo cáo khoản lỗ 12,3 tỷ rand (723 triệu USD). Bất chấp việc tăng thuế mạnh cho khách hàng, Eskom vẫn không thể trang trải chi phí của mình. Người dân Nam Phi hiện phải chống chọi với việc bị cắt điện trong 288 ngày vào năm 2022, trong khi năm nay mất điện tới 15 giờ mỗi ngày.
Tình trạng cắt điện đang đe dọa nguồn cung cấp thực phẩm và nước, đồng thời làm gián đoạn cuộc sống của hàng triệu người, bao gồm cả những người chăn nuôi gà. Trong ngành chăn nuôi gia cầm, tình trạng mất điện đã buộc các nhà máy phải tạm dừng hoạt động trong thời gian nửa ngày. Nông nghiệp cũng bị ảnh hưởng, mất điện đã tạo ra các vấn đề ở mọi bước trong chuỗi sản xuất nông nghiệp, ảnh hưởng đến việc tưới tiêu, chế biến và bảo quản cây trồng. Các cửa hàng cũng đã thực hiện các biện pháp tốn kém để giữ cho sản phẩm không bị hư hỏng. Một số nhà bán lẻ thực phẩm lớn nhất của Nam Phi là Shoprite Holdings và Woolworths Holdings đã tăng cường đầu tư vào máy phát điện dự phòng, tấm pin mặt trời trên mái nhà và xe đầu kéo đông lạnh, nhưng các doanh nghiệp nhỏ hơn không có cơ hội để thích nghi.
Vì sao cần ban bố tình trạng thảm họa?
Tổng thống Cyril Ramaphosa đứng trước áp lực ngày càng gia tăng và đã bày tỏ lo ngại về tình trạng thiếu nguồn lực của chính phủ để giải quyết các vấn đề kinh tế, xã hội. Bên cạnh cuộc khủng hoảng năng lượng đang gây ảnh hưởng lớn nông dân, doanh nghiệp, cơ sở hạ tầng, mạng lưới giao thông..., nó còn tác động tiêu cực đến hoạt động phát triển và đầu tư. Ông cũng nhấn mạnh rằng, chính phủ vẫn cam kết giải quyết các thách thức xã hội của Nam Phi, tuy nhiên đây không phải là nhiệm vụ dễ dàng.
Trước tình trạng này, Tổng thống Nam Phi cho rằng, việc ban bố tình trạng thảm họa quốc gia là cần thiết để đối phó với tình trạng cắt điện. Tình trạng thảm họa đồng nghĩa với việc chính phủ được trao thêm quyền hạn để giải quyết khủng hoảng với ít các thủ tục hành chính và quy định hơn, đồng thời được bổ sung nguồn quỹ. Tuyên bố này sẽ cho phép chính phủ miễn trừ các dịch vụ thiết yếu như bệnh viện và nhà máy xử lý nước khỏi tình trạng mất điện, cũng như cho phép chính phủ mua thêm điện từ các nước láng giềng trong trường hợp khẩn cấp. Hơn nữa, chính phủ cũng có thể hỗ trợ các doanh nghiệp đối phó với những tác động của việc cắt điện trên diện rộng, bao gồm việc cung cấp rộng rãi hơn các máy phát điện chạy bằng dầu diesel và các tấm pin mặt trời.
Một số ý kiến cho rằng, biện pháp khẩn cấp sẽ không tạo ra sự khác biệt nào. Nhà kinh tế phát triển từ Trường Kinh doanh Stellenbosch Nthabiseng Moleko cho rằng, những gì đất nước cần vào thời điểm này là một kế hoạch hành động được chuẩn bị kĩ lưỡng, quyết đoán với các mốc thời gian, mục tiêu và báo cáo tiến độ cụ thể. Có vẻ như những giải pháp mà Nam Phi đang có sẽ không mang lại bất kỳ kết quả nào nhằm thay đổi đường hướng mà đất nước đang đi.
Những giải pháp khác
Trước tình trạng mất điện không có hồi kết, người dân Nam Phi đang tuyệt vọng tìm kiếm các nguồn năng lượng thay thế. Tuy nhiên, chi phí sử dụng năng lượng mặt trời cũng rất cao, vượt khỏi tầm với của nhiều người dân. Ngoài ra, họ cũng phải chờ đợi vì nhu cầu sử dụng loại năng lượng này khá cao. Ủy ban khủng hoảng năng lượng quốc gia Nam Phi đã đề xuất một số biện pháp nhằm giảm bớt khủng hoảng trong thời gian ngắn, bao gồm nhập khẩu năng lượng từ các nước láng giềng và mua năng lượng dư thừa từ các nhà sản xuất tư nhân. Theo chuyên gia năng lượng Lungile Mashele, một bộ luật đang được xây dựng để cho phép phê duyệt và phát triển các nhà máy điện. Chính phủ nước này gần đây cũng đã phê duyệt các dự án năng lượng mặt trời và năng lượng gió mới trong một chương trình dài hạn để mua năng lượng tái tạo từ các nhà sản xuất điện độc lập.
Theo Công ty quản lý tài sản tăng trưởng tương lai có trụ sở tại Cape Town, chương trình đã thu hút hơn 209 tỷ rand (12,3 tỷ USD) đầu tư vào khu vực tư nhân từ năm 2011 đến năm 2020. Các nền kinh tế lớn như Mỹ, Anh và Liên minh châu Âu (EU) cũng đã hứa sẽ đầu tư 8,5 tỷ USD vào năng lượng sạch ở Nam Phi. Mới đây, EU và các quốc gia thành viên cho biết sẽ đầu tư hơn 280 triệu euro vào Nam Phi để hỗ trợ các cải cách về phục hồi xanh, đầu tư xanh và xây dựng tiến trình chuyển đổi dựa trên tri thức. Đây là hoạt động thuộc Sáng kiến châu Âu của Nhóm phục hồi xanh và công bằng dành cho Nam Phi vừa được ra mắt tại Pretoria trong khuôn khổ Cổng Toàn cầu (Global Gateway). Sáng kiến được kỳ vọng sẽ giúp Nam Phi giải quyết các thách thức kinh tế-xã hội cấp bách thông qua đối thoại chính sách và tạo thuận lợi cho đầu tư, bao gồm kết cấu hạ tầng công cộng và mở ra hướng phát triển bền vững, kinh tế tuần hoàn, bảo vệ đa dạng sinh học cũng như chống biến đổi khí hậu.
Tổng thống Nam Phi cũng cho biết, một số nhà máy điện sắp hết tuổi thọ sẽ được tái sử dụng từ than đá sang năng lượng tái tạo, đồng thời công bố chương trình bổ sung nguồn điện, bao gồm 26 dự án năng lượng tái tạo, sẽ tạo ra khoảng 2.800 megawatt (MW) và kế hoạch đang đàm phán để nhập khẩu 1.000 MW từ các nước láng giềng. Song, việc khắc phục các nhà máy cũ kỹ của Eskom và đưa các dự án năng lượng tái tạo mới vào hoạt động cần rất nhiều thời gian. Cơ sở hạ tầng lưới điện xuống cấp và những hạn chế về công suất sẽ là những trở ngại to lớn trong quá trình chuyển đổi sang năng lượng sạch ở quốc gia này.