Tuyên bố của Mỹ và Thổ Nhĩ Kỳ được đưa ra cùng ngày sau khi Israel thông báo cho một số quốc gia Ảrập rằng họ muốn thiết lập một vùng đệm ở phía biên giới Gaza với sự hỗ trợ của các nước Ảrập và Thổ Nhĩ Kỳ để ngăn chặn các cuộc tấn công trong tương lai như một phần trong đề xuất cho vùng đất này sau khi chiến tranh kết thúc.
Phát biểu tại cuộc họp báo hàng ngày, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Matthew Miller cho biết, một trong số các nguyên tắc chỉ đạo của Washington về tương lai của Gaza, đó là nước này phản đối bất kỳ giải pháp nào có thể dẫn đến giảm quy mô lãnh thổ Palestine.
“Nếu bất kỳ vùng đệm nào được đề xuất đặt bên trong Gaza, điều đó sẽ vi phạm nguyên tắc của Mỹ. Nếu đặt bên trong Israel thì chúng tôi sẽ không có ý kiến bởi đó là quyết định do người Israel đưa ra”, ông Miller nói với các phóng viên.
Ông Miller nói, sẽ phải có một giai đoạn chuyển tiếp sau khi kết thúc các hoạt động quân sự lớn để tránh “khoảng trống an ninh” nhưng sẽ chỉ là tạm thời, mặc dù ông không thể mô tả các thông số của giai đoạn đó sẽ như thế nào.
Cùng ngày, phát biểu với các phóng viên trên chuyến bay từ Doha (Qatar), Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan nêu rõ, việc quản lý Dải Gaza và tương lai của dải đất này sau khi xung đột chấm dứt sẽ do người Palestine quyết định. Nhà lãnh đạo Thổ Nhĩ Kỳ nhấn mạnh sẽ không có chuyện thảo luận hay bàn bạc về việc thiết lập vùng đệm tại Dải Gaza. Theo ông Erdogan, Israel nên nghĩ về tương lai hòa bình với người Palestine, chấm dứt các dự án định cư trên những vùng lãnh thổ của người Palestine bị nước này chiếm đóng và trả lại những vùng đất này.
Bên cạnh đó, ông Erdogan nêu rõ Thổ Nhĩ Kỳ và Qatar muốn tái thiết Dải Gaza, Ankara sẵn sàng đảm nhận vai trò bảo trợ hoặc chủ trì một hội nghị hòa bình cho khu vực.
Liên quan tình hình tại Dải Gaza, ngày 6.12, trong cuộc điện đàm với người đồng cấp Israel Benjamin Netanyahu, Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida đã nhấn mạnh điều quan trọng là giảm thương vong ở dân thường trên Dải Gaza khi triển khai chiến dịch quân sự nhằm vào các mục tiêu Hamas tại dải đất này.
Thông báo từ Chính phủ Nhật Bản nêu rõ ông Kishida đã kêu gọi Israel tránh khiến thêm nhiều dân thường trên Dải Gaza thiệt mạng, nhấn mạnh điều quan trọng là nhanh chóng ổn định tình hình, giảm thiểu thương vong cho dân thường và tuân thủ luật pháp quốc tế, trong đó có luật nhân đạo quốc tế.
Về phần mình, ông Netanyahu đã trao đổi về quan điểm của Israel khi thực hiện chiến dịch quân sự ở Dải Gaza. Tuy nhiên, thông báo của Chính phủ Nhật Bản không đề cập thông tin chi tiết.
Sau khi oanh tạc phía Bắc Dải Gaza, hiện Quân đội Israel đang mở rộng chiến dịch quân sự xuống phía Nam nhằm vào các mục tiêu Hamas. Người đứng đầu Cơ quan Y tế Dải Gaza Munir Al-Bursh thông báo Kamal Odwan, bệnh viện duy nhất còn vận hành ở phía Bắc dải đất này, đã tê liệt hoàn toàn sau khi liên tục hứng chịu các cuộc tấn công của lực lượng Israel và cạn kiệt nhiên liệu.
Trong 2 ngày qua, các cuộc giao tranh giữa quân đội Israel và lực lượng Hamas liên tục diễn ra tại các khu vực xung quanh bệnh viện, khiến nhiều người chết và bị thương.
Kể từ khi xung đột bùng phát ngày 7.10, trên 15.890 người phía Palestine đã thiệt mạng. Trong khi đó, cuộc xung đột kéo dài gần 2 tháng qua cũng cướp đi sinh mạng của khoảng 1.200 người Israel.