Hành trình không dễ dàng
Được Thượng nghị sĩ đảng Dân chủ Scott Wiener bảo trợ, dự luật là nỗ lực tập trung nhằm thiết lập các giao thức an toàn cho các công nghệ AI, vốn đang phát triển nhanh chóng và làm dấy lên lo ngại về những rủi ro tiềm ẩn. Ông Wiener nhấn mạnh, động thái lập pháp trên hướng tới mục tiêu thúc đẩy cả đổi mới lẫn an toàn trong lĩnh vực AI.
Tuy nhiên, hành trình của dự luật đến khi được thông qua không hề suôn sẻ. Nó vấp phải sự phản đối mạnh mẽ từ nhiều phía, bao gồm các thành viên Quốc hội Mỹ, những người lo ngại rằng các quy định đề xuất có thể kìm hãm sự đổi mới trong một lĩnh vực đang phát triển. Theo lập luận của các nhà phê bình, biện pháp trừng phạt ban đầu được đề xuất trong dự luật, chẳng hạn như hình phạt hình sự, sẽ tạo ra môi trường thù địch đối với các nhà phát triển AI, làm thui chột tinh thần đổi mới.
Để đối phó với những lo ngại này, dự luật đã được sửa đổi để thay thế các hình phạt hình sự bằng các hình phạt dân sự, chẳng hạn như tiền phạt đối với các vi phạm. Tuy nhiên, dù đã được điều chỉnh, dự luật vẫn giữ nguyên các yêu cầu quản lý đáng kể đối với các nhà phát triển các mô hình AI “tiên phong” lớn. Những yêu cầu này bao gồm việc kiểm tra trước khi triển khai, mô phỏng các cuộc tấn công của tin tặc, triển khai các biện pháp bảo vệ an ninh mạng và bảo vệ người tố giác.
Ông Dan Hendrycks, Giám đốc Trung tâm An toàn AI, là người ủng hộ dự luật, mô tả nó như “con đường khả thi” để giảm thiểu các rủi ro AI quan trọng. Theo ông, luật muốn bảo đảm rằng việc phát triển AI phải được tiến hành một cách cẩn trọng, đặc biệt là trong những lĩnh vực mà công nghệ có thể gây ra mối đe dọa đáng kể đối với an toàn công cộng.
Ý kiến trái chiều
Việc thông qua dự luật đã thu hút nhiều ý kiến trái chiều từ các nhân vật nổi bật trong lĩnh vực công nghệ và chính trị. Tỷ phú Elon Musk, Giám đốc điều hành của Tesla và SpaceX, bày tỏ sự ủng hộ dè dặt, thừa nhận rằng mặc dù dự luật có thể không được nhiều người ủng hộ, nhưng những rủi ro tiềm ẩn của AI biện minh cho việc quản lý.
Ngược lại, nghị sĩ Dân chủ có ảnh hưởng Nancy Pelosi của California chỉ trích dự luật, cho rằng nó “có ý định tốt nhưng không có thông tin đầy đủ”. Bà nhấn mạnh mối lo ngại của các thành viên hàng đầu trong đảng Dân chủ về tác động tiêu cực tiềm ẩn đối với đổi mới.
OpenAI, nhà phát triển của ChatGPT, cũng phản đối dự luật, đồng thời kêu gọi áp dụng các quy định về AI ở cấp quốc gia để tránh tình trạng khung pháp lý phân mảnh trên khắp nước Mỹ. Quan điểm này phản ánh cuộc tranh luận rộng hơn về việc liệu quản lý AI nên được xử lý ở cấp bang hay liên bang, một câu hỏi đã trở nên cấp bách khi ít nhất 40 bang ở xứ sở cờ hoa đã giới thiệu các dự luật liên quan đến AI trong năm nay.
Dự luật hiện đang chờ chữ ký của Thống đốc California Gavin Newsom, người có thời hạn đến ngày 30.9 để quyết định có ký thành luật hay phủ quyết. Hiện quan điểm của ông Newsom về dự luật vẫn chưa rõ ràng.
Khi AI tiếp tục phát triển và được tích hợp vào nhiều lĩnh vực, việc thông qua SB 1047 có thể tạo tiền lệ cho các bang khác và thậm chí cả các nhà lập pháp liên bang. Kết quả của dự luật này sẽ có khả năng ảnh hưởng đến hướng đi của quy định về AI trên toàn nước Mỹ, khi các nhà hoạch định chính sách phải đối mặt với thách thức quản lý một trong những công nghệ mang tính biến đổi nhất của thời đại.