Luật cho phép tích trữ nhiều loại thực phẩm hơn, nâng cao khả năng ứng phó với các gián đoạn nguồn cung, bảo đảm an ninh lương thực cho đất nước trong bối cảnh chuỗi cung ứng ngày càng phức tạp.
Các công ty vi phạm quy định an toàn thực phẩm sẽ đối mặt với mức phạt tối đa lên đến 50.000 SGD, cao hơn nhiều so với mức phạt 5.000 SGD trước đây. Các vi phạm gây hại cho sức khỏe hoặc an toàn người tiêu dùng có thể bị xử phạt nặng hơn, tăng tính răn đe.
Cá nhân hoặc tổ chức bị thu hồi giấy phép do gian lận hoặc tái phạm nhiều lần sẽ bị cấm xin cấp phép lại trong tối đa 3 năm. Trước đây, người vi phạm có thể xin cấp lại giấy phép ngay sau khi bị thu hồi, dễ dẫn đến tái phạm.
Bộ trưởng Bộ Phát triển bền vững, môi trường và nhân lực, Tiến sĩ Koh Poh Koon, nhấn mạnh sự phức tạp ngày càng tăng của chuỗi cung ứng thực phẩm toàn cầu. Ông giải thích rằng, nguyên liệu thực phẩm thường được sản xuất tại nhiều quốc gia, sau đó chế biến ở nơi khác trước khi phân phối và tiêu thụ tại Singapore. Điều này làm tăng nguy cơ xảy ra các sai sót về an toàn thực phẩm.
Từ năm 2022 đến năm 2024, trung bình 43% các đợt bùng phát viêm dạ dày ruột do thực phẩm là vì thực hành an toàn thực phẩm kém của công nhân làm việc trong lĩnh vực thực phẩm. Ông Koh cho rằng, việc giải quyết vấn đề này là điều thiết yếu để bảo vệ sức khỏe cộng đồng.
Nói chung, Luật An toàn và an ninh thực phẩm được coi là bước tiến chủ động nhằm thích nghi với các thách thức hiện đại, củng cố hệ thống quản lý an toàn thực phẩm của Singapore. Việc thống nhất các quy định và tăng cường chế tài xử phạt sẽ giúp ngăn chặn hành vi lơ là hoặc vi phạm trong ngành công nghiệp thực phẩm. Bên cạnh đó, việc mở rộng khả năng tích trữ thực phẩm sẽ giúp giảm thiểu rủi ro từ biến đổi khí hậu và sự gián đoạn chuỗi cung ứng, bảo đảm nguồn cung ổn định cho quốc gia.
Với việc phụ thuộc lớn vào nguồn thực phẩm nhập khẩu, luật mới khẳng định cam kết của đảo quốc sư tử trong việc bảo vệ người tiêu dùng và duy trì tiêu chuẩn an toàn thực phẩm cao.