80% doanh nghiệp sẽ tăng cường ứng dụng công nghệ
Theo ông Trần Minh Tuấn, Vụ trưởng Vụ kinh tế số, xã hội số, Bộ Thông tin và Truyền thông, chuyển đổi số là phương thức mới có tính đột phá rút ngắn quá trình công nghiệp hóa - hiện đại hóa đất nước, góp phần phát triển kinh tế bền vững nói chung và kinh tế xanh nói riêng. Chuyển đổi số và kinh tế số giúp hạn chế sử dụng các nguồn nhiên liệu hóa thạch như xăng dầu, than đá... góp phần giảm phát thải khí nhà kính. Chuyển đổi số và kinh tế số dựa trên tư liệu sản xuất mới là dữ liệu. Dữ liệu không mất đi như tài nguyên thiên nhiên mà còn sinh ra trong quá trình hoạt động, làm cho thiết bị trở nên thông minh hơn và giúp đỡ con người nhiều hơn.
Thời gian qua, Bộ Thông tin và Truyền thông đã trình Chính phủ ban hành Chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 (Quyết định 749/QĐ-TTg năm 2020); Chiến lược quốc gia phát triển kinh tế số và xã hội số đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 (Quyết định 411/QĐ-TTg năm 2022). Trên cơ sở đó, các địa phương đã ban hành kế hoạch phát triển kinh tế số. Bộ cũng đã xây dựng, trình Chính phủ dự thảo Luật Giao dịch điện tử (sửa đổi). Tại kỳ họp tháng 6.2023, Quốc hội đã thông qua Luật này và Luật sẽ có hiệu lực thi hành từ 1.7.2024. Hiện, Bộ và các bộ, ngành liên quan đang soạn thảo các văn bản hướng dẫn nghị định hướng dẫn để sớm đưa luật vào cuộc sống, thúc đẩy kinh tế số phát triển bền vững.
Một trong những vấn đề được quan tâm nhất là thúc đẩy chuyển đổi số trong doanh nghiệp. Theo dữ liệu khảo sát doanh nghiệp trên địa bàn Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh của nhóm tác giả thuộc Trường Đại học Công đoàn và Đại học Mở Hà Nội, mức độ nhận thức và sẵn sàng cho nền kinh tế số của doanh nghiệp cải thiện nhiều trong giai đoạn 2019 - 2023. Xu hướng và sự phát triển mạnh mẽ của các doanh nghiệp lớn trên toàn cầu khi sử dụng công nghệ đã khiến các doanh nghiệp Việt Nam đánh giá ngày càng cao về vai trò tầm quan trọng của việc phát triển kinh tế số. Có 61,5% doanh nghiệp lựa chọn kinh tế số có vai trò quan trọng; 30,8% cho rằng kinh tế số có vai trò rất quan trọng. Từ đó, thúc đẩy trên 80% doanh nghiệp tích cực tăng cường đầu tư ứng dụng công nghệ số vào chu trình sản xuất kinh doanh trong thời gian tiếp theo.
Chuyển đổi từng khâu, lộ trình rõ ràng
Thương mại điện tử là lĩnh vực tiên phong của nền kinh tế số. Theo ông Nguyễn Bình Minh, Ủy viên Ban chấp hành Hiệp hội Thương mại điện tử (VECOM), các doanh nghiệp mảng này cũng đang đối mặt với những rào cản trong quá trình chuyển đổi số. Cụ thể là thiếu kỹ năng và nhân lực (17%); thiếu nền tảng công nghệ thông tin cho chuyển đổi số (16,7%), thiếu tư duy kỹ thuật số, các thách thức về văn hóa trong doanh nghiệp (15,7%). Cùng với đó là thiếu năng lực kết nối vận chuyển, thiếu nguyên liệu và nguồn lực sản xuất kinh doanh, thiếu niềm tin của khách hàng, trải nghiệm khách hàng hạn chế.
Ông Nguyễn Bình Minh đề xuất 5 giải pháp kinh doanh thương mại điện tử bền vững bao gồm: Kinh doanh thương mại điện tử có trách nhiệm, hàng hóa có chất lượng và có truy xuất nguồn gốc, bảo vệ môi trường; Đào tạo kiến thức thương mại điện tử bền vững cho các doanh nghiệp; Phối hợp nhiều công cụ số, phát triển các nền tảng kinh doanh số; Đẩy mạnh chuyển đổi số các địa phương, thu hẹp khoảng cách giữa các khu vực; Hoàn thiện hành lang pháp lý về thương mại điện tử, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.
Nhằm thúc đẩy kinh tế số, tại hội thảo, nhiều diễn giả đề xuất Chính phủ và các bộ, ngành liên quan sớm ban hành các văn bản hướng dẫn triển khai thực hiện Chiến lược quốc gia về kinh tế số và xã hội số đến năm 2025, định hướng đến năm 2030; xây dựng chính sách cụ thể cho từng địa phương, ngành nghề, lĩnh vực trong kế hoạch phát triển kinh tế số. Sau khi Quốc hội thông qua dự án Luật Viễn thông (sửa đổi), cần khẩn trương triển khai các quy định của Luật. Ngoài ra, tiếp tục tăng cường đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng công nghệ; chú trọng đến nguồn nhân lực…
Về phía doanh nghiệp cần xây dựng mục tiêu, chiến lược, chương trình hành động cụ thể và lộ trình rõ ràng để thực hiện chuyển đổi số. Đại diện Vụ Kinh tế số và Xã hội số khuyến nghị các doanh nghiệp nên chuyển đổi từng khâu trên môi trường số chứ không bắt buộc phải làm toàn bộ, đồng thời phải có lộ trình chắc chắn. Bên cạnh đó, các tập đoàn lớn phải là đầu tàu trong chuyển đổi số, dẫn dắt kinh tế số. Cuối cùng, muốn chuyển đổi số bền vững thì phải đẩy mạnh khâu quản trị số.