Một tỉnh “chi lớn” thu hút nhân tài: Học hàm giáo sư được hỗ trợ 500 triệu đồng

Những người được tuyển dụng, tiếp nhận vào làm công chức, viên chức thuộc tỉnh Lâm Đồng có học hàm giáo sư nhận mức hỗ trợ tiền một lần là 500 triệu đồng/người; phó giáo sư 400 triệu đồng/người.

Hỗ trợ tiền một lần đối với giáo sư 500 triệu đồng/người, phó giáo sư 400 triệu đồng/người

UBND tỉnh Lâm Đồng vừa giao Sở Nội vụ chủ trì, phối hợp với Sở Tài chính, cơ quan, địa phương, đơn vị có liên quan nghiên cứu Nghị quyết số 263/2023/NQ-HĐND ngày 08.12.2023 của Hội đồng nhân dân tỉnh về quy định chính sách thu hút và hỗ trợ phát triển nguồn nhân lực tỉnh Lâm Đồng đến năm 2030 để triển khai thực hiện.

Nghị quyết số 263/2023/NQ-HĐND có hiệu lực từ ngày 18.12.2023. Chính sách này áp dụng đối với những người được tuyển dụng, tiếp nhận vào làm công chức, viên chức thuộc tỉnh Lâm Đồng có học hàm, học vị, trình độ đào tạo như sau: Giáo sư; phó giáo sư; tiến sĩ, bác sĩ chuyên khoa cấp II, dược sĩ chuyên khoa cấp II; thạc sĩ các ngành, chuyên ngành đào tạo phù hợp với lĩnh vực công tác của vị trí việc làm cần thu hút, bác sĩ chuyên khoa cấp I, bác sĩ nội trú, dược sĩ chuyên khoa cấp I; đại học các ngành, chuyên ngành đào tạo phù hợp với lĩnh vực công tác của vị trí việc làm cần thu hút.

Người được thu hút phải đảm bảo độ tuổi không quá 50 tuổi đối với giáo sư; phó giáo sư; tiến sĩ, bác sĩ chuyên khoa cấp II, dược sĩ chuyên khoa cấp II.

Các đối tượng có thạc sĩ các ngành, chuyên ngành đào tạo phù hợp với lĩnh vực công tác của vị trí việc làm cần thu hút, bác sĩ chuyên khoa cấp I, bác sĩ nội trú, dược sĩ chuyên khoa cấp I đảm bảo độ tuổi không quá 40 tuổi. Các đối tượng có đại học các ngành, chuyên ngành đào tạo phù hợp với lĩnh vực công tác của vị trí việc làm cần thu hút không quá 35 tuổi.

Những người nằm trong diện này được hỗ trợ tiền hàng tháng bằng 80% mức lương hiện hưởng cộng phụ cấp chức vụ lãnh đạo, phụ cấp thâm niên vượt khung (nếu có), thời gian hưởng không quá 5 năm và mức hỗ trợ tiền một lần đối với giáo sư là 500 triệu đồng/người; phó giáo sư 400 triệu đồng/người; tiến sĩ, bác sĩ chuyên khoa cấp II, dược sĩ chuyên khoa cấp II là 250 triệu đồng/người.

Các đối tượng thạc sĩ các ngành, chuyên ngành đào tạo phù hợp với lĩnh vực công tác của vị trí việc làm cần thu hút, bác sĩ chuyên khoa cấp I, bác sĩ nội trú, dược sĩ chuyên khoa cấp I là 150 triệu đồng/người; các đối tượng có đại học các ngành, chuyên ngành đào tạo phù hợp với lĩnh vực công tác của vị trí việc làm cần thu hút 80 triệu đồng/người.

Các đối tượng quy định này cũng được hỗ trợ giải quyết cho thuê, thuê mua, mua nhà ở xã hội hoặc thuê nhà ở công vụ trên cơ sở quy định của pháp luật có liên quan.

Nghị quyết cũng quy định về chính sách đãi ngộ đối với người có tài năng trong hoạt động công vụ theo quy định của pháp luật, được Chủ tịch UBND tỉnh phê duyêt. Đồng thời, quy định chính sách hỗ trợ chi phí đào tạo được áp dụng đối với cán bộ, công chức, viên chức được cử đi đào tạo theo kế hoạch, chương trình, đề án được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt; cán bộ, công chức, viên chức tự túc chi phí đào tạo trình độ thạc sĩ, tiến sĩ phù hợp với các ngành hoặc chuyên ngành đào tạo cần thu hút, đào tạo.

Bên cạnh đó, Nghị quyết mới cũng quy định về mức tiền thưởng thành tích học tập, công tác áp dụng cho các đối tượng: Cán bộ, công chức, viên chức được cử đi đào tạo theo kế hoạch, chương trình, đề án của UBND tỉnh; cán bộ, công chức, viên chức tự túc chi phí đào tạo trình độ thạc sĩ, tiến sĩ phù hợp với các ngành hoặc chuyên ngành đào tạo cần thu hút, đào tạo; cán bộ, công chức, viên chức tự túc kinh phí đi học ngoại ngữ; cán bộ, công chức, viên chức được Nhà nước phong học hàm giáo sư, phó giáo sư.

Trong đó, cán bộ, công chức, viên chức được Nhà nước phong học hàm giáo sư được thưởng 150 triệu đồng, phó giáo sư 100 triệu đồng.

Nhiều địa phương “chi lớn” thu hút nhân tài về làm việc

Lâm Đồng không phải tỉnh đầu tiên ban hành những chính sách thiết thực để thu hút nhân tài về địa phương làm việc.

Trước đó, tỉnh Bạc Liêu là tỉnh đã công bố sẽ đón các giáo sư, tiến sĩ về công tác tại địa phương với mức hỗ trợ kinh phí một lần khi nhận nhiệm vụ là 500 triệu đồng/giáo sư.

Năm 2023, Hội đồng nhân dân tỉnh Bạc Liêu tiếp tục thông qua nghị quyết quy định chế độ, chính sách đối với cán bộ, công chức, viên chức; chính sách thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao trên địa bàn. Nghị quyết có hiệu lực từ ngày 30.9.2023.

Theo Nghị quyết, mức hỗ trợ thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao được hưởng chế độ một lần quy định như sau: Đối với giáo sư mức hỗ trợ là 500 triệu đồng, phó giáo sư là 400 triệu đồng, tiến sĩ là 300 triệu đồng, bác sĩ chuyên khoa II là 200 triệu đồng (cam kết thời gian làm việc tối thiểu 7 năm). Đối với thạc sĩ mức hỗ trợ là 100 triệu đồng, bác sĩ nội trú là 150 triệu đồng, sinh viên tốt nghiệp đại học loại xuất sắc là 30 triệu đồng (cam kết thời gian làm việc tối thiểu 5 năm).

Tại Hoà Bình, năm 2022, Hội đồng nhân dân (HĐND) tỉnh Hòa Bình ban hành Nghị quyết quy định một số chính sách đặc thù đối với giáo viên và học sinh Trường THPT chuyên; chế độ đối với chuyên gia, giáo viên và học sinh tham gia bồi dưỡng, tập huấn đội tuyển của tỉnh tham dự các kỳ thi chọn học sinh giỏi quốc gia, quốc tế.

Theo đó, nguồn ngân sách của tỉnh Hoà Bình sẽ hỗ trợ thu hút với mức 300 triệu đồng/người đối với tiến sĩ có nguyện vọng về công tác tại Trường THPT chuyên và cam kết giảng dạy từ 10 năm trở lên.

Năm 2021, Hội đồng Nhân dân tỉnh Bắc Ninh ban hành Nghị quyết số 02 về việc Quy định một số chế độ chính sách đối với trường THPT Chuyên Bắc Ninh, 8 trường THCS trọng điểm và chế độ đãi ngộ đối với cán bộ quản lý, chuyên gia, giáo viên, học sinh tham gia bồi dưỡng, tập huấn tham dự kỳ thi chọn học sinh giỏi cấp tỉnh (đối với THCS) cấp quốc gia, khu vực, quốc tế.

Trong Nghị quyết, có rất nhiều chính sách nhằm thu hút giáo viên chất lượng, ưu đãi với giáo viên công tác ở trường. Đặc biệt, các thầy cô có học hàm giáo sư, phó giáo sư hoặc tiến sĩ ở ngoài tỉnh Bắc Ninh được tiếp nhận giảng dạy tại trường THPT Chuyên Bắc Ninh và có cam kết lâu dài (ít nhất 10 năm) thì được hỗ trợ kinh phí nhà ở trị giá 1 tỷ đồng (tương đương giá trị 1 căn nhà ở xã hội trên địa bàn thành phố Bắc Ninh có diện tích khoảng 70m2).

Giáo dục

Bộ GD-ĐT cho phép các trường phổ thông xây cao đến 5 tầng
Giáo dục

Bộ GD-ĐT cho phép các trường phổ thông xây cao đến 5 tầng

Ở cấp tiểu học, Bộ GD-ĐT quy định, các hạng mục công trình phục vụ trực tiếp cho hoạt động dạy học và tổ chức các hoạt động giáo dục cao không quá 5 tầng, tăng 2 tầng so với quy định cũ. Ở cấp trung học cơ sở và trung học phổ thông, các hạng mục công trình phục vụ trực tiếp cho hoạt động dạy học cao không quá 5 tầng, tăng 1 tầng so với quy định cũ.

Hội thảo quốc tế về Toán ứng dụng và Khoa học máy tính: Vinh danh GS.TS Phạm Đình Tảo và GS.TS Lê Thị Hoài An
Giáo dục

Hội thảo quốc tế về Toán ứng dụng và Khoa học máy tính: Vinh danh GS.TS Phạm Đình Tảo và GS.TS Lê Thị Hoài An

Trong hai ngày 20 - 21.12, Trường Quốc tế, Đại học Quốc gia Hà Nội và Viện nghiên cứu LCOMS, Trường Đại học Lorraine, CH Pháp đăng cai tổ chức Hội thảo quốc tế về Toán ứng dụng và Khoa học máy tính - International Conference on Applied Mathematics and Computer Science (ICAMCS 2024).

Hội thảo khoa học quốc tế “Công nghệ sinh học ứng dụng”: Diễn đàn để nhà khoa học, giảng viên chia sẻ các kết quả nghiên cứu
Giáo dục

Hội thảo khoa học quốc tế “Công nghệ sinh học ứng dụng”: Diễn đàn để nhà khoa học, giảng viên chia sẻ các kết quả nghiên cứu

Sáng ngày 20.12, Trường Đại học Mở Hà Nội tổ chức “Hội thảo quốc tế công nghệ sinh học và ứng dụng”. Hội nghị tập trung vào các chủ đề liên quan đến lĩnh vực chuyên ngành trong công nghệ sinh học ứng dụng, đóng góp học thuật và nghiên cứu trong lĩnh vực công nghệ sinh học, công nghệ thực phẩm.

Chú trọng lồng ghép giáo dục văn hóa ứng xử vào chương trình đào tạo
Giáo dục

Chú trọng lồng ghép giáo dục văn hóa ứng xử vào chương trình đào tạo

Sáng 18.12, tại Hà Nội, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) tổ chức hội thảo đánh giá kết quả thực hiện Thông tư số 26/2017/TT-BGDĐT và Thông tư số 06/2019/TT-BGDĐT về quy định quy tắc ứng xử trong các cơ sở giáo dục. Nhiều ý kiến khẳng định, việc lồng ghép nội dung văn hóa vào giảng dạy và ngoại khóa là yếu tố then chốt để xây dựng môi trường học đường lành mạnh, giàu bản sắc.