Tuyển sinh năm 2025

Nhiều chuyên gia đề xuất nên tiến tới bỏ hẳn xét tuyển sớm

Nên tiến tới bỏ hẳn xét tuyển sớm, để chờ đến khi xong kỳ thi tốt nghiệp THPT mới xét tuyển. Trên thực tế, việc xét tuyển sớm có những phức tạp nhất định. 

Quy định “siết” chỉ tiêu xét tuyển sớm được Bộ GD-ĐT đưa ra tại Dự thảo Thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều của Quy chế tuyển sinh trình độ đại học, tuyển sinh trình độ cao đẳng ngành Giáo dục Mầm non đang gây nhiều ý kiến tranh luận thời gian gần đây.

Dự thảo đang trong quá trình xây dựng, xin ý kiến để hoàn thiện. Quy chế mới sẽ được áp dụng từ mùa tuyển sinh năm 2025.

Tại Dự thảo Thông tư, Bộ GD-ĐT quy định cơ sở đào tạo có thể tổ chức xét tuyển sớm theo phương thức phù hợp để tuyển chọn những thí sinh có năng lực và thành tích học tập vượt trội.

Chỉ tiêu xét tuyển sớm do cơ sở đào tạo quy định nhưng không vượt quá 20% chỉ tiêu của từng ngành, nhóm ngành đào tạo; bảo đảm điểm chuẩn trúng tuyển xét tuyển sớm (sau khi quy đổi tương đương) không thấp hơn điểm chuẩn trúng tuyển của đợt xét tuyển theo kế hoạch chung.

“Siết” chỉ tiêu xét tuyển sớm là hợp lý

Tiến sĩ Phạm Hiệp, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Giáo dục và Chuyển giao tri thức, Trường Đại học Thành Đô cho rằng, hiện nay, chúng ta đang có quá nhiều phiên bản, hình thức của phương thức xét tuyển sớm, gây rối loạn thông tin cho thí sinh, phụ huynh.

Tiến sĩ Phạm Hiệp nhìn nhận, điều này không thể trách các trường đại học, bởi các trường được phép làm những gì mà Bộ GD-ĐT và Nhà nước không cấm, trong hành lang pháp lý quy định. Các trường tự chủ, trường tư phải “vật lộn” để tồn tại, để tuyển sinh, để tái đầu tư cho giáo dục, nghiên cứu, phát triển chương trình và đội ngũ giảng viên. Do đó, việc họ đa dạng hóa phương thức xét tuyển là điều dễ hiểu, không làm sai pháp luật thì không nên trách.

Tuy nhiên, cần nhìn vào vai trò rất quan trọng của Bộ GD-ĐT trong việc điều phối, để khắc phục những điểm còn hạn chế hiện nay.

tsphamhunghiep-1.png
Tiến sĩ Phạm Hiệp, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Giáo dục và Chuyển giao tri thức, Trường Đại học Thành Đô

Tiến sĩ Phạm Hiệp ủng hộ việc Bộ GD-ĐT “siết” chỉ tiêu xét tuyển sớm, thậm chí có thể tiến tới không xét tuyển sớm.

Theo ông, việc xét tuyển sớm không tạo sự công bằng giữa các thí sinh với nhau. Do có quá nhiều thang đo đánh giá, một học sinh không thể chuẩn bị được hết, nhất là với những em vùng khó khăn. Những đối tượng nào phù hợp với các tiêu chí xét tuyển sớm sẽ được chọn trước, trong khi chưa chắc đã là giỏi nhất, phù hợp nhất. Bên cạnh đó, những trường lớn, lâu đời sẽ có nhiều thuận lợi hơn khi xét tuyển sớm so với những trường nhỏ.

Hiện nay, nhiều quốc gia tại khu vực châu Á vẫn chỉ áp dụng một kỳ thi chung duy nhất trong tuyển sinh đại học, như tại Trung Quốc là kỳ thi cao khảo; hay tại Nhật Bản, Hàn Quốc cũng tương tự. Những yếu tố khác thường được sử dụng trong xét tuyển sớm như chứng chỉ SAT, IELTS, học bạ,... chỉ là điểm cộng, được Nhà nước khống chế theo một khoảng nhất định, quy định rõ về điểm cộng tối đa.

Tiến sĩ Phạm Hiệp cho rằng, chúng ta cũng nên áp dụng cách làm tương tự cho tuyển sinh đại học, vừa tránh tạo sự bất bình đẳng trong xét tuyển, vừa để những thí sinh có các điều kiện về chứng chỉ quốc tế, học bạ tốt,... có điểm cộng ưu tiên.

Với riêng những trường lớn, được Nhà nước đầu tư trọng điểm có thể được quyền tổ chức kỳ thi riêng để lựa chọn sinh viên ưu tú, còn những trường khác thuộc top trung bình chỉ nên có một kỳ thi chung.

Nên xét lại cơ sở khoa học để đề xuất tỷ lệ 20%

Tiến sĩ Lê Đông Phương, chuyên gia giáo dục đại học nhìn nhận xét tuyển sớm là câu chuyện khá phức tạp. Phương thức xét tuyển sớm mới hình thành cách đây dưới 10 năm, ở đó cho phép các trường đại học trong phạm vi tự chủ của mình có thể xét trước hồ sơ của thí sinh và công bố thí sinh đủ điều kiện được nhận vào học nếu vượt qua kỳ thi tốt nghiệp THPT.

Điểm tích cực của xét tuyển sớm là các trường đại học được chủ động hơn trong việc xét tuyển, không phải đợi đến lúc hết kỳ thi tốt nghiệp. Còn thí sinh khi thấy đã trúng tuyển sớm sẽ có tâm lý thoải mái hơn. Tuy nhiên, áp dụng xét tuyển sớm trong tuyển sinh cũng gây một số ý kiến trái chiều. Nhiều thầy cô tại các trường THPT băn khoăn rằng khi được thông báo đủ điều kiện trúng tuyển đại học theo xét tuyển sớm, học sinh sẽ xao nhãng việc học.

“Ở đây có xung đột, một mặt Bộ GD-ĐT rất muốn ủng hộ các trường đại học trong xét tuyển, mặt khác nhiều người vẫn muốn giáo dục THPT phải là giáo dục toàn diện, mà sự toàn diện ở đây thể hiện ở chỗ các em phải học đến những ngày cuối. Điều rất khó cho Bộ GD-ĐT là phải cân đối giữa hai luồng ý kiến: công bố sớm để thí sinh yên tâm và lo lắng rằng thí sinh trúng tuyển rồi sẽ không học nữa”, Tiến sĩ Lê Đông Phương phân tích.

19-le-dong-phuong-02.jpg
Tiến sĩ Lê Đông Phương, chuyên gia giáo dục đại học

Tiến sĩ Lê Đông Phương cho rằng, xét tuyển sớm thực tế không ảnh hưởng đến việc học tập của học sinh ở trường phổ thông, bởi các em khi lên lớp 12, nhất là sang học kỳ II đã biết sẽ phải thi tốt nghiệp môn nào, dù có xét tuyển sớm hay không thì với những môn không thi, nhiều em cũng sẽ không chú tâm để học. Chưa kể đến một phong trào rất phổ biến tại nhiều trường THPT hiện nay là bố trí học hết chương trình lớp 12 từ học kỳ I, còn kỳ II chỉ để ôn thi. Do đó, dù xét tuyển sớm hay không thì học kỳ II mặc định vẫn chỉ để tập trung vào ôn thi.

“Việc học sinh được thoải mái sau khi biết mình có thể vào trường đại học mong muốn, chỉ cần đỗ kỳ thi tốt nghiệp, xét về mặt tâm lý thì tốt cho người học. Các em sẽ không bị căng thẳng, không tốn công sức quá nhiều. Tôi cho rằng điểm tích cực của việc công bố xét tuyển sớm là như vậy”, ông đánh giá.

Theo Tiến sĩ Lê Đông Phương, hiện nay trong xét tuyển sớm, các trường đang sử dụng khá nhiều phương thức, từ thành tích học sinh giỏi các cấp, Olympic quốc tế, các giải thưởng, các kỳ thi chuẩn hóa của nước ngoài như SAT, ILETS,... Con số 20% Bộ GD-ĐT đưa ra đối với một số trường, nhất là những trường “hot”, top đầu sẽ là không đủ cho số học sinh có thể đủ điều kiện để được công nhận trúng tuyển sớm.

“Tôi cho rằng nên xét lại cơ sở khoa học để đề xuất tỷ lệ 20%. Ở đây tôi không lo cho các trường, mà lo vấn đề công bằng cho thí sinh. Vậy thì những em có cùng điều kiện như nhau mà khống chế 20% chỉ tiêu, sẽ có những em không được công nhận trúng tuyển sớm. Đây là điều hơi bất cập”, ông nói.

z5905781694252-c753ce28bc55c56c46204ebf54cdf0fe-5050-8744.jpg
Thí sinh dự thi tốt nghiệp THPT (Ảnh: Trần Hiệp)

Tiến sĩ Lê Đông Phương nêu quan điểm, Bộ GD-ĐT có thể xem xét hai phương án.

Phương án thứ nhất là tiến tới bỏ hẳn xét tuyển sớm, để chờ đến khi xong kỳ thi tốt nghiệp THPT mới xét tuyển. Trên thực tế, việc xét tuyển sớm cũng sẽ có những phức tạp nhất định. Hiện nay, nhiều người thấy “rối như tơ vò” với rất nhiều phương thức xét tuyển, với các mốc thời gian xét tuyển khác nhau, xét tuyển sớm, xét tuyển đúng rồi xét tuyển muộn. Các phụ huynh, học sinh, đặc biệt ở những vùng sâu vùng xa, điều kiện kinh tế chưa tốt, việc tiếp cận thông tin chưa tốt sẽ rất khó để nắm bắt.

Phương án thứ hai, nếu đã chấp nhận xét tuyển sớm, cho các trường đại học có quyền tự chủ tuyển sinh, đồng thời tạo điều kiện cho học sinh có tâm thế tốt hơn để bước vào việc học tập đại học thì nên nâng tỷ lệ lớn hơn 20% hoặc không nên giới hạn chỉ tiêu.

Giáo dục

Phổ điểm thi tháng Ba Đánh giá năng lực (HSA): Điểm trung bình là 80,0/150, cao hơn năm trước
Giáo dục

Phổ điểm thi tháng Ba Đánh giá năng lực (HSA): Điểm trung bình là 80,0/150, cao hơn năm trước

Ngày 2.4, Viện Đào tạo số và Khảo thí, Đại học Quốc gia Hà Nội công bố phổ điểm thi Đánh giá năng lực (HSA) tháng Ba, năm 2025. Theo đó, đến hết tháng Ba năm 2025, kỳ thi đã tổ chức được 2 đợt thi liên tiếp, phục vụ 30.793 thí sinh dự thi, đạt tỉ lệ 99,4% đăng ký của hai đợt thi này.

Tạo điều kiện cho trường nghề đẩy mạnh hợp tác quốc tế
Thời sự Quốc hội

Tạo điều kiện cho trường nghề đẩy mạnh hợp tác quốc tế

Chiều 1.4, dưới sự chủ trì của Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa và Xã hội Đinh Công Sỹ, Đoàn giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã làm việc với Trường Cao đẳng Nghề công nghiệp Hà Nội về thực hiện chính sách, pháp luật về phát triển và sử dụng nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao, giai đoạn 2021 - 2024.

Viện CFA, Hoa Kỳ trao giấy chứng nhận đối tác cho Đại học Kinh tế Quốc dân
Giáo dục

Viện CFA, Hoa Kỳ trao giấy chứng nhận đối tác cho Đại học Kinh tế Quốc dân

Sáng 1.4, Viện CFA (Hoa Kỳ) đã trao giấy chứng nhận đối tác cho các chương trình đào tạo Tài chính Doanh nghiệp Chất lượng cao và Tài chính Tiên tiến của Đại học Kinh tế Quốc dân, đánh dấu bước tiến quan trọng trong việc khẳng định chất lượng đào tạo chuẩn quốc tế của nhà trường.

Chuyên gia đề xuất miễn trách nhiệm hình sự trước rủi ro trong nghiên cứu khoa học công nghệ
Giáo dục

Chuyên gia đề xuất miễn trách nhiệm hình sự trước rủi ro trong nghiên cứu khoa học công nghệ

Phát biểu tại hội thảo khoa học “Góp ý Dự thảo Luật Khoa học công nghệ và Đổi mới sáng tạo”, PGS.TS Nguyễn Ngọc Hà, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Sáng tạo, Trường Đại học Ngoại thương đề xuất xem xét quy định miễn trách nhiệm hình sự của tổ chức, cá nhân trước các rủi ro trong hoạt động nghiên cứu khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo với những điều kiện cụ thể.

Đại học Bách khoa Hà Nội sẽ thay đổi công thức quy đổi điểm xét tuyển như thế nào?
Giáo dục

Đại học Bách khoa Hà Nội sẽ thay đổi công thức quy đổi điểm xét tuyển như thế nào?

Phó Giám đốc Đại học Bách khoa Hà Nội, PGS.TS Nguyễn Phong Điền cho biết, năm nay, nhà trường áp dụng thêm một tổ hợp mới gồm toán, ngữ văn và một trong các môn lý, hóa, sinh, tin học cho phương thức xét tuyển bằng điểm thi tốt nghiệp THPT. Công thức điểm xét sẽ áp dụng theo quy tắc điểm toán nhân hệ số 3, điểm ngữ văn hệ số 1 và một trong các môn lý, hóa, sinh, tin sẽ có hệ số 2.