Thùng rỗng
Đọc các bài viết, báo cáo thường ngày, thi thoảng bắt gặp đôi câu chữ khá kêu vang. Mới đầu còn nghe hay, nhiều lần sau hóa nhàm. Nhàm mà không thay đổi, tất sẽ nhạt. Văn bản nào cũng lặp đi lặp lại từng ấy từ ngữ. Riết rồi trở thành công thức, được mặc nhiên sử dụng, vừa không phải động não lại che lấp được phần rỗng của tư duy. Ấy là chưa kể một số nội dung được “sơn quết” khá nhiều mỹ từ to tát. Thoạt nghe xuôi tai, nhưng rỗng.
Viết về bất cứ đề tài nào, từ phát triển công nghiệp tới xóa đói giảm nghèo, tái định cư vùng dự án… đều có thể móc vào đâu đó những điệp khúc quen thuộc không bao giờ trật, kiểu như “đời sống nhân dân ngày càng ổn định... để đưa tỉnh ta/huyện ta/xã ta .... trên con đường công nghiệp hóa, hiện đại hóa... kinh tế thị trường... hội nhập thế giới... theo định hướng xã hội chủ nghĩa... nhanh và bền vững”. Kế hoạch, chương trình nào cũng có thể “chú trọng công tác đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực”, “tăng cường phối kết hợp, đẩy mạnh lãnh chỉ đạo”. Trong báo cáo, quy hoạch thì luôn “to nhất tỉnh, cao nhất nước, đẹp nhất khu vực, lớn nhất Đông Nam Á”! Để tỏ ý nhấn mạnh, thì đã có sẵn những “vô cùng quan trọng, hết sức đặc biệt, nghìn thu không mờ…”
Đôi khi lại bắt gặp đâu đó cuối bài viết kiểu cấu trúc Một là, Hai là, Ba là… Phát biểu của lãnh đạo cứ phải Một là, Hai là đã đành. Đến bài viết lăn tăn mà cũng Ba là, Bốn là hùng hồn thì xem ra bệnh nhảm đã đến lúc khó chữa! Rồi các số liệu bao giờ cũng cứ phải quý sau nhiều hơn quý trước, năm sau cao hơn năm trước, dù cái quý sau, năm sau đó đang liểng xiểng, gồng mình vì kiểu làm ăn phập phù. Và phải là “số đẹp”. Còn làm thế nào để có số đẹp đó là cả một câu chuyện dài.
Có người nói vui, nếu cộng diện tích trồng rừng hàng năm trên các báo cáo, có lẽ sẽ ra con số lớn gấp hai, ba lần tổng diện tích địa phương nhà. Và trong báo cáo tỷ lệ phần trăm độ che phủ rừng của địa phương nhà, thể nào cũng gộp cả diện tích cỏ xanh đồi bãi, nếu không, làm gì có được con số ấn tượng đến thế!
Kiểu viết dối ấy, tưởng từ lâu đã không còn chỗ đứng. Vậy mà đâu đó vẫn đầy nghẽn, tắc ứ, làm khổ người đọc. Lạ một điều là không ít người xem đó là bình thường. Lạ hơn nữa là không ít kẻ thích nghe. Có lẽ do đã quen nghe lời thuận nhĩ.
Cử tri vẫn luôn ước mong một nền công vụ lành mạnh với hệ thống ngôn ngữ văn bản trong sáng, giản dị. Xem ra là điều không dễ.
Mới hay, cái mới bao giờ cũng khó, rất khó...!
Gật và lắc
Quyền của đại biểu HĐND là tham gia quyết định tại các kỳ họp. Nói vắn tắt, đó là quyền được Gật và Lắc.
Một nhiệm kỳ 7 năm đã qua với rất nhiều động thái “Gật” và “Lắc” của đại biểu giữa nghị trường, mạnh mẽ và không kém phần quyết liệt. Rất nhiều quyết sách của HĐND các cấp nhờ đó đã được ban hành, làm thay đổi bộ mặt đời sống kinh tế, văn hóa xã hội địa phương, trở thành động lực phát triển cuộc sống. Khi một cánh tay đưa lên cùng với rất nhiều cánh tay khác để biểu quyết một vấn đề trọng đại, liên quan đến sự nghiệp phát triển của địa phương, ấy là lúc ý chí, sức mạnh trí tuệ của những người đại diện cho cử tri đã được khẳng định dứt khoát.
Cũng đã có một vài quyết sách chịu phận “xếp xó” khi còn là dự thảo, bởi đại biểu HĐND đã “lắc” - có thể vì vấn đề chưa đủ độ chín, ban hành lúc này e rằng chưa hợp lòng dân; cũng có thể vì giải pháp đề xuất thiếu khả thi, hay đơn giản chỉ vì chất lượng nội dung soạn thảo chưa đạt yêu cầu.
Ấy vậy mà, theo dõi trên truyền hình, cử tri có cảm giác một số vị hình như rất ít khi sử dụng “quyền được lắc”! Tuyền gật từ đầu đến cuối, kể cả với những vấn đề còn nhiều khúc mắc, đang làm đau đầu những người có trách nhiệm và gây không ít tâm tư lo lắng trong nhân dân. Gật và không có bất cứ một ý kiến phản biện nào.
Có lúc, cử tri sốt ruột mong đợi một tiếng nói cất lên, chất vấn gay gắt về những vấn đề nóng bỏng, bức xúc mà dư luận xã hội đang quan tâm, mong ai đó tiếp tục truy vấn trước câu trả lời, giải thích còn chung chung, miên man, đại khái, cái cần nghe thì không thấy nói tới, cái không cần nghe thì dài dòng… Vậy nhưng hình như không có mấy vị đại biểu “lắc”, hình như các vị còn lại đều gật đầu hài lòng.
Lại cũng có lúc, giữa nghị trường mát lạnh, tiếng người đọc báo cáo đều đều, trầm trầm, thấp thoáng đâu đó một mái đầu gật nhẹ. Cậu truyền hình tinh ý, lia vội ống kính sang nơi khác…
Gật hay lắc, đó không đơn thuần là động tác đơn giản, dễ dàng có được. Đó phải là một sự chọn lựa có tính quyết định cuối cùng, lắm lúc gian nan, quyết liệt với muôn phần trách nhiệm nặng nề của đại biểu dân cử trước cử tri. Bởi ai cũng hiểu, đằng sau cánh tay dõng dạc đưa lên để tỏ ý chấp thuận hay bác bỏ ấy, là muôn nẻo buồn - vui, được - mất của rất nhiều phận người.
Việc đại biểu dễ dàng thông qua những vấn đề cần nhiều tranh cãi, cần nhiều đầu tư trí tuệ để làm sáng tỏ vấn đề, hoặc dễ dàng cho qua những sai phạm đang từng ngày từng giờ tổn hại niềm tin của đông đảo cử tri, đã khiến chất lượng một vài quyết sách không cao, thiếu sức sống - kể cả có lúc, không triển khai được vì thiếu thực tế.
Giá như một số nội dung trình kỳ họp quyết định được chuẩn bị nghiêm túc hơn. Giá như một số nghị quyết đã ban hành có thêm nhiều giải pháp cụ thể, tích cực, khả thi hơn. Giá như các cấp các ngành, từ soạn thảo, đệ trình và triển khai thực hiện nghị quyết HĐND đều nhất tâm đồng lòng, không đánh trống bỏ dùi. Và giá như, đại biểu mạnh mẽ Gật và cương quyết Lắc nhiều hơn nữa.
Thì nhiệm kỳ qua, làm chi có một vài nghị quyết sượng, non, không đủ sức lay chuyển thực tế với ngổn ngang những khó khăn, ách tắc.
Và cử tri cũng đâu có buồn lòng, dẫu chỉ là chút xíu, về những đại biểu do chính mình bầu ra!
Trà hâm lại
Thời gian gần đây, giới hữu quan - và kể cả cử tri - rất quan tâm đến vấn đề “nên hay không nên bỏ HĐND huyện, quận, phường?”, một vấn đề có khả năng làm nóng nghị trường. Một trong những lập luận của phía đề nghị bỏ là: hoạt động của HĐND các cấp này còn nặng hình thức, kém hiệu quả, làm cồng kềnh bộ máy và tiêu tốn khá nhiều ngân sách.
Hãy khoan bàn tính đúng đắn, hợp lý của việc “nên hay không nên”. Ở đây, chỉ đề cập một khía cạnh của vấn đề: vì sao với rất nhiều chức năng, nhiệm vụ được Luật qui định và không thiếu tâm huyết, niềm tin của cả đại biểu lẫn cử tri, song hoạt động của HĐND huyện, quận, phường nhiều năm qua vẫn chưa thoát khỏi tính hình thức?
Trong rất nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên - vốn đã nhiều lần được các đại biểu “điểm mặt, chỉ tên”, có nguyên nhân khách quan: sự ràng buộc của cơ chế. Có những trường hợp việc quyết định của HĐND trong các kỳ họp chỉ mang tính hình thức, trong khi điểm cốt lõi của vấn đề đã được cấp trên thông qua.
Một lần, trong phiên thảo luận tổ tại kỳ họp chuyên đề, một đại biểu băn khoăn: tại sao cứ phải hoàn thành phổ cập giáo dục trung học cơ sở trước thời hạn 3 năm? Như vậy có gấp quá không? Sao không kéo dài thời gian để nâng cao chất lượng phổ cập? Một đại biểu khác kề tai nói nhỏ: biết thế, nhưng khổ nỗi, trên đã quyết định như thế rồi ông ạ. Liệu ông có thể ban hành Nghị quyết HĐND khác đi được hay không?
Ngay lập tức, đại biểu này có cảm giác như thể đang phải uống một ly “trà hâm lại”!
Lần khác, giải đáp cho cái sự lăn tăn của một đại biểu về nội dung một số báo cáo trình kỳ họp sao cứ lơ lớ giống báo cáo gửi cấp trên, một đại biểu am hiểu khác thừa nhận: cũng những thông tin, số liệu, những mục tiêu giải pháp đó thôi, rồi xào xáo sửa sang lại, trình kỳ họp HĐND. Bởi không thể có số liệu khác, mục tiêu phấn đấu khác, giải pháp khác…
Đại biểu này, ngay lập tức, cũng có cảm giác như uống phải một ly “trà hâm lại”!
Làm thế nào để hoạt động HĐND các cấp được thực chất hơn, dù bỏ hay không bỏ HĐND huyện, quận, phường, là vấn đề còn nhiều tranh cãi, song dẫu sao, đó vẫn là mong ước của tất cả cử tri và đại biểu dân cử.
Nhất là khi, tháng 12 tới đây, HĐND các cấp sẽ quyết định nhiều vấn đề quan trọng tại kỳ họp cuối năm và cũng là cuối nhiệm kỳ, mở đầu giai đoạn mới, chuẩn bị kế hoạch 5 năm nhiều thuận lợi nhưng cũng dự báo không ít khó khăn. Làm thế nào để các nghị quyết của HĐND phản ảnh đúng thực chất của cơ quan quyền lực nhà nước ở địa phương, là sự cụ thể hóa quyết tâm chính trị của cấp trên chứ không thuần túy lặp lại điều cấp trên đã quyết định?
Trả lời cho rõ câu hỏi này là điều không dễ. Sẽ phải tổn hao nhiều tâm trí, công sức, thời gian, nhất là khi một số qui định pháp luật hiện nay chưa rõ, còn nhiều chồng chéo. Song vẫn cần như thế, buộc phải thế. Để phát triển.
Và để cử tri không ngậm ngùi chứng kiến cảnh những người đại diện cho quyền lợi, nghĩa vụ chính đáng của mình - phải uống những ly trà hâm lại.