Giải quyết vấn đề ô nhiễm làng nghề: Người dân đóng vai trò quan trọng!

- Thứ Năm, 28/12/2023, 10:15 - Chia sẻ

Hà Nội có số làng nghề, làng nghề truyền thống đang hoạt động được công nhận nhiều nhất. Một số mô hình thí điểm xử lý môi trường tại các làng nghề Hà Nội dù đã được triển khai nhưng khi đưa vào sử dụng vẫn gặp nhiều vướng mắc.

Mỗi cá nhân cần nâng cao ý thức bảo vệ môi trường

Tại hội thảo “Phát triển làng nghề: Cân bằng kinh tế và môi trường”, do Báo Đại biểu Nhân dân tổ chức ngày 27.12, bà Hà Thị Vinh, Chủ tịch Hiệp hội Thủ công mỹ nghệ và làng nghề Hà Nội chia sẻ:

Thứ nhất, là vai trò của dân, các chủ thể là hết sức quan trọng cho phần giải quyết ô nhiễm môi trường. Nói đến vai trò của các chủ doanh nghiệp nằm trong làng nghề không phải là một sớm một chiều mà chúng ta cần có một chiến lược, một cách đi, hệ thống công quyền các cấp và xuống đến cấp địa phương.

Thực trạng, có rất nhiều dự án mang về những thiết bị tốn kém nhưng rất hữu hiệu để hỗ trợ cho các làng nghề, nhưng sau khi dự án kết thúc thì cũng giải tán luôn. Chúng tôi cho rằng, đây cũng là rất thiệt thòi cho các làng nghề và cần phải có sự thay đổi. Cấp địa phương cùng với dân cần có phương án để gìn giữ, duy trì các dự án, phục vụ hữu ích cho hoạt động của làng nghề. Và đi theo đó là cơ chế chính sách hỗ trợ, đưa Luật vào, có thưởng có phạt thì nhất định sẽ thành công.

Thứ hai, về vấn đề môi trường trong các làng nghề. Đối với các doanh nghiệp, nhận thức tốt, vị thế, đầu tư cho tài chính, đầu tư cho quy mô có lớn. Nhưng đối với các hộ, nếu mà đưa họ vào trong cụm công nghiệp làng nghề thì các sản phẩm của họ làm nông nhàn, nếu đưa họ vào các cụm cộng nghiệp chưa chắc họ muốn đi. Nhưng có những làng nghề rất cần thiết cho cụm công nghiệp. Ví dụ như Bát Tràng là một làng nghề điển hình, văn minh, phát triển thịnh vượng nhất trong cả nước. Bát Tràng có điểm đặc biệt mà làng khác không có bởi Bát Tràng có nghề trước khi có làng, có làng nhưng không bao giờ có ruộng, họ chỉ có con đường duy nhất là phải làm nghề thôi và chỉ có có con đường duy nhất là vắt óc ra để suy nghĩ, đổi mới sáng tạo để phát triển nghề.

Xác định nguồn ô nhiễm, xây mô hình tiêu chuẩn

Theo bà Hà Thị Vinh, đối với các làng nghề, một trong những vấn đề rất quan trọng là phải chuyên môn hóa, tức là ô nhiễm môi trường xảy ra các vấn đề ở những công đoạn nào chứ không phải trong suốt chiều dài trong quá trình sản xuất. Do vậy, phải chuyên môn hóa những phần nào là phần liên quan đến môi trường để tập trung xử lý từ khâu quy hoạch. Điều này sẽ giúp khâu quản lý được tốt hơn.

Nếu muốn làm được, theo bà Hà Thị Vinh, chúng ta cần làm những mô hình điển hình, phải có vai trò cơ chế chính sách, trợ giúp như thế nào, hãy nuôi dưỡng, thúc đẩy nó, làm cho thật chuẩn và coi đấy là một mô hình điển hình và nhân rộng ra. Từ đó, khi cơ chế chính sách của nhà nước đưa vào sẽ tạo cú huých. Và khi người dân thấy có các mô hình điển hình, chuẩn, họ sẽ theo ngay, không cần ép buộc.

Bà Hà Thị Vinh cũng cho rằng, cơ chế chính sách đi vào thực tiễn như thế nào, thúc đẩy nhận thức của dân ra sao, hệ thống công quyền phải thực sự vào cuộc quyết liệt.

Đặc biệt, chúng ta cần phải khai thác các quỹ và đặc biệt là quỹ khoa học, công nghệ, là một trong những vấn đề quan trọng nhằm thúc đẩy cho các làng nghề mua thêm thiết bị và ứng dụng khoa học công nghệ vào xử lý ô nhiệm môi trường. Khi khai thác được các quỹ, ứng dụng được khoa học công nghệ tiên tiến, tính chuyên môn hóa càng cao thì các làng nghề sẽ càng phát triển bền vững.

Bảo Minh
#