Theo Trung tâm Sống và học tập vì Môi trường và Cộng đồng, hiện nay Việt Nam sử dụng năng lượng truyền thống như than đá, dầu mỏ… khá phổ biến. Điều này góp phần đáng kể gây ra ô nhiễm môi trường, biến đổi khí hậu và ảnh hưởng đến sức khỏe con người. Trước tình hình đó, các kế hoạch phát triển năng lượng tái tạo và giải pháp năng lượng bền vững được thực hiện trên toàn quốc thông qua các chương trình của Chính phủ và các tổ chức xã hội, doanh nghiệp tư nhân. Cụ thể, thời gian vừa qua đã có nhiều mô hình năng lượng bền vững được triển khai và ứng dụng như: Mô hình điện gió từ những vật liệu tái chế giá rẻ dành cho cộng đồng dân cư ở khu vực bãi giữa sông Hồng; mô hình bếp cải tiến dành cho cộng đồng ở nông thôn, miền núi, mới đây ở Hà Nội; mô hình áp dụng năng lượng bền vững như máy lọc không khí chạy bằng năng lượng mặt trời và chuyển xe đạp thường thành xe đạp điện…
Các mô hình trên phần lớn đang được áp dụng cho người dân ở vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa, chưa được tiếp cận lưới điện, bởi giá thành rẻ, giúp tiết kiệm tối đa năng lượng, giảm phát thải khí độc như CO, bụi PM2,5. Chính vì vậy, theo khuyến cáo của các chuyên gia, để không làm gia tăng ô nhiễm môi trường do nguồn phát thải từ các chất đốt gây ra từ bếp than tổ ong, đốt sinh khối từ nông nghiệp… người dân nên tận dụng, sử dụng năng lượng sẵn có như năng lượng gió, mặt trời...