Kiên quyết với những nội dung chưa bảo đảm
Thực tiễn cho thấy, mặc dù các nội dung thường xuyên của kỳ họp được ban hành từ phiên họp trước theo luật định, tuy vậy công tác chuẩn bị của các cơ quan liên quan có nội dung không kịp, hoặc chuẩn bị chưa chu đáo. Từ đó, trước mỗi kỳ họp thường lệ 2 tháng, Thường trực HĐND tỉnh Sóc Trăng tổ chức Hội nghị liên tịch giữa Thường trực HĐND, UBND, UBMTTQ tỉnh, các cơ quan tư pháp để lựa chọn các nội dung trình tại kỳ họp đúng luật, bảo đảm chất lượng, đáp ứng những yêu cầu cấp bách từ thực tiễn; kiên quyết yêu cầu các cơ quan dự thảo nghị quyết phải chuẩn bị lại hoặc hoãn đến các kỳ họp sau đối với những nội dung chuẩn bị chưa bảo đảm. Việc lựa chọn vấn đề cho phiên chất vấn của kỳ họp cũng phải tiến hành sớm để có thể xem xét, theo sát, chuẩn bị và chuyển tải công khai tới UBND tỉnh. Như vậy, các nội dung trình kỳ họp dễ thuyết phục và tạo sự đồng thuận.
Thông thường, các báo cáo trình mỗi kỳ họp HĐND do UBND tỉnh và các ngành chuẩn bị. Sau khi có báo cáo, các Ban HĐND tổ chức thẩm tra. Số lượng các báo cáo trình kỳ họp thường khá lớn. Để chủ động cho công tác chuẩn bị, Thường trực chỉ đạo các ban, Văn phòng HĐND không thụ động chờ báo cáo mà trực tiếp tiếp cận với các cơ quan được phân công dự thảo báo cáo để đôn đốc. Đồng thời, với các thông tin có được trong hoạt động giám sát, khảo sát của mình, Thường trực và các Ban HĐND trực tiếp tham gia với các cơ quan đó trong việc dự thảo báo cáo. Như vậy, các báo cáo trình kỳ họp được chuẩn bị chu đáo, kịp thời gian, đánh giá khách quan, sát thực tiễn, ngắn gọn và có đầy đủ thông tin.
Bên cạnh đó, việc ứng dụng công nghệ thông tin vào hoạt động của HĐND được Thường trực HĐND tỉnh quan tâm. Từ đầu nhiệm kỳ, HĐND tỉnh Sóc Trăng đã trang bị máy tính bảng cho đại biểu và sử dụng phần mềm văn bản điện tử, tất cả văn bản được chuyển đến đại biểu thông qua phần mềm này để đại biểu nghiên cứu trước, hạn chế tối đa văn bản giấy, tại nghị trường chỉ trình bày các báo cáo tóm tắt, dành thời gian cho thảo luận. Đồng thời, các báo cáo, tờ trình, dự thảo nghị quyết (trừ văn bản mật) được cập nhật, đưa lên Cổng thông tin điện tử Đoàn ĐBQH và HĐND tỉnh kịp thời để cử tri cùng theo dõi, góp ý.
Mở rộng thành phần họp Tổ đại biểu
Việc thảo luận của các đại biểu rất quan trọng nâng cao chất lượng kỳ họp, Thường trực HĐND tỉnh Sóc Trăng đặc biệt quan tâm đến công tác này. Các tổ trưởng tổ đại biểu hầu hết là Bí thư hoặc Chủ tịch UBND các huyện, thị, thành phố, đại biểu chuyên trách chiếm tỷ lệ thấp, các đại biểu còn lại hầu hết là bên ngành chuyên môn. Vì vậy, khi thảo luận gần như báo cáo về lĩnh vực mình phụ trách, ít nói đến các vấn đề khác, ngại phát biểu ý kiến, phát biểu không sâu sắc, thiếu tập trung.
Nhận thấy điều đó, trong công tác chuẩn bị kỳ họp, Thường trực HĐND tỉnh Sóc Trăng thống nhất với các Ban xây dựng các nội dung gợi ý cần thảo luận theo các nhóm vấn đề. Bản nội dung gợi ý này được gửi tới các Tổ đại biểu cùng với các tài liệu kỳ họp và chỉ đạo Tổ đại biểu họp tổ thảo luận trước phiên họp ít nhất 5 ngày, thành phần mở rộng bao gồm Thường trực HĐND, UBND, UBMTTQ và các ngành chuyên môn cấp huyện (địa bàn đắc cử của Tổ đại biểu), Văn phòng HĐND tỉnh cử công chức tham dự, tham mưu Thường trực xây dựng báo cáo tổng hợp. Kết quả, các đại biểu thảo luận phân tích sâu hơn, đi thẳng vào vấn đề, phát hiện được những nội dung trong báo cáo, tờ trình chưa đề cập hoặc đề cập chưa sát chưa đúng thực tế, từ đó đề xuất các giải pháp khắc phục. Đây cũng là cơ sở để chủ tọa điều hành các ngành, thành viên UBND giải trình, làm rõ.
Quá trình điều hành phiên thảo luận, chủ tọa kỳ họp cần linh hoạt, định hướng rõ ràng, gợi ý nội dung thảo luận tập trung vào các nhiệm vụ trọng tâm, những vấn đề cử tri đang quan tâm, định hướng phát triển kinh tế - xã hội của địa phương... Đối với các báo cáo thẩm tra của các Ban HĐND trình bày tại phiên họp, Thường trực HĐND yêu cầu các Ban tóm tắt, chú trọng định hướng những nội dung cần phân tích, đánh giá sâu trong báo cáo, nhất là làm rõ cơ sở pháp lý, thực tiễn của các báo cáo, đề án, phản biện đối với những vấn đề chưa phù hợp, thiếu căn cứ; đồng thời gợi mở, đề xuất các kiến nghị, giải pháp đối với những vấn đề còn vướng mắc, tạo căn cứ vững chắc giúp các đại biểu tham gia thảo luận, quyết định tại kỳ họp.