Tập trung thực hiện 4 đột phá chiến lược, 11 nhiệm vụ, giải pháp
Nhằm tiếp tục thực hiện các chương trình hành động, các khâu đột phá và các đề án, nghị quyết chuyên đề, Tỉnh ủy tập trung chỉ đạo chính quyền, MTTQ, các cơ quan liên quan xây dựng kế hoạch thực hiện chương trình hành động của cấp ủy, tổ chức Đảng để thực hiện, gắn với những chỉ tiêu, nhiệm vụ, giải pháp, lộ trình, phù hợp với chức năng, nhiệm vụ của từng cơ quan, đơn vị, bảo đảm tính khả thi. Hàng năm, các cơ quan, đơn vị đều kiểm điểm tiến độ thực hiện chương trình hành động, kế hoạch thực hiện nghị quyết đã đề ra.
Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Hòa Bình QUÁCH THẾ NGỌC
Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Quách Thế Ngọc cho biết: Để hiện thực hóa các mục tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII đề ra, các cấp, ngành cần nỗ lực cao nhất thực hiện 4 đột phá chiến lược và 11 nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu. Ngay sau Đại hội, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh đã ban hành Chương trình hành động số 01-Ctr/TU ngày 23.10.2020; tiếp đó là Chương trình hành động số 06-Ctr/TU ngày 31.8.2021 nhằm cụ thể hóa, thực hiện thắng lợi các mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Hòa Bình lần thứ XVII đề ra. Ban Thường vụ Tỉnh ủy cũng ban hành các nghị quyết, đề án chuyên đề để tổ chức thực hiện các nội dung Chương trình hành động của Tỉnh ủy, đặc biệt tập trung vào các đột phá chiến lược như xây dựng quy hoạch tỉnh giai đoạn 2021 - 2030, đầu tư hoàn thiện kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, chuyển đổi số.
“Nhờ sự tích cực, quyết liệt trong lãnh đạo, chỉ đạo của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, Hòa Bình đã phát huy lợi thế, khắc phục khó khăn, thúc đẩy kinh tế phát triển toàn diện. Đặc biệt, với tinh thần đoàn kết, chủ động ứng phó với các cấp độ của dịch Covid-19, Hòa Bình không chỉ kiểm soát tốt tình hình dịch bệnh mà còn bảo đảm thực hiện mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội”, ông Ngọc chia sẻ.
Đến nay, kinh tế của tỉnh đang tăng trưởng khá, tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) ước tăng 5,13% so với cùng kỳ năm trước, an sinh xã hội được bảo đảm; các chương trình mục tiêu quốc gia đạt hiệu quả; nổi bật là Chương trình xây dựng nông thôn mới (NTM), Đến hết năm 2021, toàn tỉnh đã có 65/129 xã đạt chuẩn NTM, trong đó có 20 xã đạt chuẩn NTM nâng cao, 1 xã đạt NTM kiểu mẫu, 60 khu dân cư kiểu mẫu và 170 vườn mẫu; có 3 huyện, thành phố hoàn thành xây dựng NTM và 100 sản phẩm OCOP cấp tỉnh đạt từ 3 sao trở lên.
Tạo động lực tăng trưởng mới
Theo Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Quách Thế Ngọc, để hoàn thành mục tiêu Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII đã đề ra, Hòa Bình sẽ tiếp tục quán triệt tinh thần chỉ đạo của Chính phủ, thực hiện linh hoạt, hiệu quả “mục tiêu kép”. Đặc biệt, những tháng cuối năm, tỉnh sẽ tiếp tục thực hiện tốt các giải pháp tăng thu ngân sách Nhà nước năm 2022; rà soát, quản lý kịp thời nguồn thu phát sinh để bù đắp các khoản hụt thu do thực hiện chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội theo Nghị quyết số 43/2022/QH15 của Quốc hội, Nghị quyết số 11/NQ-CP của Chính phủ. Đồng thời, đẩy nhanh tiến độ thực hiện và giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công; rà soát, điều chuyển vốn của các dự án chậm tiến độ cho các dự án trọng điểm đã có khối lượng thực hiện, bảo đảm giải ngân hết nguồn vốn đầu tư công được giao năm 2022.
Bên cạnh đó, tỉnh sẽ đẩy nhanh tiến độ bồi thường, giải phóng mặt bằng; tiếp tục rà soát, điều chỉnh và lập các đồ án quy hoạch quan trọng, ảnh hưởng lớn đến sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh như các quy hoạch phân khu, quy hoạch vùng các huyện và điều chỉnh quy hoạch chung xây dựng các đô thị đã được điều chỉnh mở rộng theo Nghị quyết số 830/NQ-UBTVQH14 về việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, xã.
Cũng theo ông Ngọc, giai đoạn 2021 - 2025, Hòa Bình xác định “cơ cấu lại kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng” là nhiệm vụ, giải pháp quan trọng nhằm tạo ra động lực tăng trưởng mới. Để thực hiện mục tiêu này, tỉnh tập trung vào 8 giải pháp chủ yếu. Trong đó, tập trung hoàn thành các mục tiêu cơ cấu lại đầu tư công, ngân sách nhà nước, hệ thống các tổ chức tín dụng và đơn vị sự nghiệp công lập. Phát triển các loại thị trường, nâng cao hiệu quả phân bổ và sử dụng các nguồn lực; trong đó chú trọng phát triển thị trường tài chính, tiền tệ, thị trường quyền sử dụng đất, thị trường lao động, thị trường khoa học công nghệ. Bên cạnh đó, phát triển doanh nghiệp; đổi mới, phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã; đẩy mạnh cải cách hành chính, xây dựng chính quyền điện tử, tạo môi trường thuận lợi để thu hút đầu tư; khuyến khích áp dụng khoa học công nghệ tạo điều kiện thuận lợi cho quá trình cơ cấu lại kinh tế, chuyển đổi mô hình tăng trưởng…