Giải pháp thiết thực, cam kết lộ trình thực hiện
Theo đánh giá, công tác chuẩn bị, khảo sát, giám sát, lựa chọn, đề xuất nội dung yêu cầu giải trình của đại biểu, các Ban HĐND, nhất là Ban Pháp chế HĐND tỉnh được đặc biệt chú trọng. Đây là nội dung được tổng hợp, đề xuất qua giám sát, khảo sát, TXCT, tiếp công dân… được cử tri và Nhân dân đặc biệt quan tâm, ảnh hưởng trực tiếp đến quyền, lợi ích hợp pháp của người dân.
Tại phiên giải trình, thành viên Thường trực HĐND tỉnh, đại biểu HĐND tỉnh đã nêu yêu cầu giải trình các nội dung liên quan đến công tác cải cách thủ tục hành chính về đất đai theo từng nhóm vấn đề: công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật đất đai; quản lý nhà nước về đất đai, tập trung các nội dung về xây dựng, quản lý cơ sở dữ liệu về đất đai, cải cách thủ tục hành chính, xây dựng bảng giá đất, cơ chế phối hợp giữa các cơ quan, đơn vị, địa phương; nguồn lực đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị...
Các đại biểu HĐND tỉnh đã bám sát vấn đề, tham gia ý kiến với tinh thần trách nhiệm cao; UBND tỉnh, Sở Tài nguyên và Môi trường đã thể hiện tinh thần trách nhiệm trong tiếp thu các ý kiến của đại biểu, trả lời đúng trọng tâm, cơ bản giải trình, làm rõ hầu hết các vấn đề đặt ra, đề ra những giải pháp thiết thực, có cam kết lộ trình thực hiện hoàn thành một số nội dung cụ thể; lãnh đạo các sở, ngành địa phương liên quan đã tham gia ý kiến, báo cáo, bổ sung, giải trình làm rõ thêm vấn đề, để phiên giải trình sôi nổi, đạt kết quả.
Đặc biệt quan tâm công tác tuyên truyền
Để thực hiện hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp trong công tác cải cách thủ tục hành chính về lĩnh vực đất đai, hướng đến phục vụ người dân và doanh nghiệp ngày càng tốt hơn, Thường trực HĐND tỉnh Ninh Thuận đề nghị UBND tỉnh đặt lên hàng đầu công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục trong lĩnh vực đất đai, thực hiện các phương thức hỗ trợ phù hợp để người dân tiếp cận quy định pháp luật về đất đai. Cùng với đó, việc công khai, niêm yết thủ tục hành chính phải bảo đảm dễ tra cứu, tăng cường tuyên truyền về lợi ích khi thực hiện các dịch vụ công trực tuyến mức độ 3,4 nhằm thu hút nhiều người tham gia.
Thường trực HĐND tỉnh đề nghị UBND tỉnh chỉ đạo Sở Tài nguyên và Môi trường tập trung, chủ động tham mưu cơ sở dữ liệu về đất đai, số hóa phần mềm quản lý đất đai chặt chẽ, xuyên suốt từ cơ sở. Qua đó, kiểm soát, quản lý sử dụng đất hiệu quả; có cơ chế rà soát, kiểm tra, giám sát trách nhiệm cụ thể của các sở, ban, ngành, địa phương trong phối hợp, thực hiện các thủ tục hành chính về đất đai, quy chế thực hiện cơ chế một cửa, cơ chế một cửa liên thông tại các cơ quan hành chính Nhà nước; tham mưu, đề xuất chính sách thuế, phí, lệ phí khi chuyển nhượng quyền sử dụng đất, khuyến khích việc chuyển nhượng quyền sử dụng đất có đăng ký với cơ quan nhà nước, tránh các giao dịch ngầm…
UBND tỉnh chỉ đạo UBND cấp huyện, xã thường xuyên tổ chức giao ban cán bộ địa chính với các phòng, ban; quan tâm cử đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn cán bộ làm công tác quản lý đất đai, cán bộ địa chính cấp xã nhằm nâng cao trình độ nghiệp vụ quản lý nhà nước về đất đai ở địa phương; tăng cường kiểm tra, thanh tra thực hiện công vụ của cán bộ, công chức, viên chức.
Về nguồn lực đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị, khẩn trương rà soát, bảo đảm trụ sở làm việc, cơ sở vật chất, về nguồn lực, nhân lực và bảo đảm kho lưu trữ tài liệu theo quy định; nghiên cứu triển khai kết nối thông tin điện tử để trao đổi thông tin dữ liệu đất đai giữa cơ quan đăng ký đất đai và cơ quan thuế trong xác định nghĩa vụ tài chính khi người sử dụng đất thực hiện giao dịch về đất đai và tài sản gắn liền với đất; chỉ đạo Sở Nội vụ, Sở Tài Nguyên và Môi trường, UBND các huyện, thành phố phối hợp trong tuyển dụng, điều động nhân sự các Văn phòng đăng ký đất đai, bảo đảm nhân lực giải quyết các hồ sơ về đất đai, không để tồn đọng, trễ hẹn. Đồng thời, chú trọng bồi dưỡng, tập huấn, nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, đạo đức công vụ của viên chức và người lao động thực hiện nhiệm vụ liên quan đến các thủ tục hành chính.