Theo Thường trực HĐND huyện Yên Thế, 3 nội dung rất quan trọng của Nghị quyết 594/NQ-UBTVQH15và là điểm mới liên quan trực tiếp đến hoạt động giám sát của HĐND các cấp gồm: phạm vi, đối tượng giám sát, chất vấn, giải trình đã được quy định rõ; quy định trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân chịu sự giám sát và việc theo dõi, đôn đốc, xem xét, giám sát kết quả thực hiện nghị quyết, kết luận, kiến nghị giám sát, tạo khuôn khổ pháp lý, có chế tài cụ thể tăng cường kỷ cương, trách nhiệm, hiệu lực, hiệu quả thực hiện các nghị quyết, kết luận, kiến nghị giám sát; việc ứng dụng công nghệ thông tin, số hóa trong hoạt động giám sát của HĐND để bảo đảm sự liên thông giữa HĐND các cấp.
3 điểm nhấn quan trọng
Thường trực HĐND huyện Yên Thế nhấn mạnh: việc Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành Nghị quyết số 594/NQ-UBTVQH15 hướng dẫn hoạt động giám sát của HĐND, Thường trực, các ban, tổ đại biểu và đại biểu HĐND là hết sức cần thiết, góp phần kịp thời chuẩn hóa và đồng bộ một trong những chức năng quan trọng của cơ quan dân cử đó là giám sát. Nghị quyết không chỉ là bước cụ thể hóa các nghị quyết, kết luận của Trung ương về tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của HĐND các cấp nói chung và hoạt động giám sát nói riêng; cụ thể hóa quy định của Hiến pháp năm 2013 và các luật liên quan... mà còn đáp ứng yêu cầu ngày càng cao trong đổi mới tổ chức, hoạt động của hệ thống cơ quan dân cử các cấp.
Với những điều khoản được xây dựng hết sức chi tiết, cụ thể, Nghị quyết đã bao quát, toàn diện các mặt hoạt động giám sát của HĐND các cấp, là cơ sở pháp lý quan trọng, tương đối đầy đủ, bảo đảm hoạt động giám sát của HĐND được thực hiện đúng nguyên tắc, thẩm quyền, trình tự, thủ tục. Đây là cơ sở thực hiện thống nhất, khắc phục những lúng túng, góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả giám sát.
3 nội dung rất quan trọng của Nghị quyết 594 và là điểm mới liên quan trực tiếp đến hoạt động giám sát của HĐND các cấp gồm: phạm vi, đối tượng giám sát, chất vấn, giải trình đã được quy định rõ. Ngoài các thành viên UBND, các cơ quan, đơn vị khác trên địa bàn có trách nhiệm chịu sự giám sát của HĐND, Thường trực HĐND. Thứ hai, đó là quy định về trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân chịu sự giám sát và việc theo dõi, đôn đốc, xem xét, giám sát kết quả thực hiện nghị quyết, kết luận, kiến nghị giám sát của HĐND, Thường trực, Ban, Tổ đại biểu và đại biểu HĐND (từ Điều 24 đến Điều 28 của Nghị quyết). Các quy định này rất quan trọng, tạo khuôn khổ pháp lý, có chế tài cụ thể nâng cao kỷ cương, trách nhiệm, hiệu lực, hiệu quả trong thực hiện các nghị quyết, kết luận, kiến nghị giám sát của HĐND. Thứ ba, là việc ứng dụng công nghệ thông tin, số hóa trong hoạt động giám sát của HĐND để bảo đảm sự liên thông giữa HĐND các cấp.
Thực hiện tốt nhiệm vụ cơ quan tham mưu, giúp việc
Từ góc độ cơ quan dân cử địa phương, Thường trực HĐND huyện Yên Thế rất tâm đắc đối với nội dung tại Điều 27 quy định HĐND xem xét báo cáo của Thường trực HĐND về việc thực hiện nghị quyết, kết luận, kiến nghị giám sát. Thực tiễn giám sát cho thấy, mặc dù HĐND đã theo dõi, đôn đốc song quá trình thực hiện các nghị quyết, kết luận, kiến nghị giám sát mới đạt hiệu quả nhất định. Do đó, khi được trình, báo cáo trước kỳ họp HĐND và được HĐND ban hành riêng một nghị quyết hoặc kết luận, đây sẽ là cơ sở pháp lý quan trọng giúp cho HĐND, Thường trực, các Ban, Tổ đại biểu, kể cả đại biểu HĐND phát huy rõ nét vai trò, trách nhiệm trong hoạt động giám sát.
Quy định tại Điều 28 về việc công khai kết quả thực hiện nghị quyết, kết luận, kiến nghị giám sát. Việc quy định sau 15 ngày kể từ ngày kết thúc thời hạn thực hiện những vấn đề đã được HĐND kết luận, kiến nghị, Thường trực HĐND có trách nhiệm đăng tải công khai kết quả giám sát trên phương tiện thông tin đại chúng của địa phương hoặc công khai bằng hình thức khác phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương, bảo đảm hoạt động giám sát của HĐND công khai, minh bạch, để nhân dân, cử tri theo dõi, giám sát.
Thường trực HĐND huyện Yên Thế đánh giá cao nội dung:“Thường trực HĐND cấp tỉnh có trách nhiệm tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, số hóa để phục vụ hoạt động giám sát của HĐND; bảo đảm sự liên thông về dữ liệu giám sát giữa HĐND các cấp và các cơ quan có liên quan” tại Điều 29. Bởi, việc ứng dụng công nghệ thông tin đã mang lại rất nhiều lợi ích thiết thực, nhất là tiết kiệm chi phí, giúp các đại biểu dễ dàng hơn trong nghiên cứu, lưu trữ tài liệu và giảm tải cho công tác chuẩn bị kỳ họp. HĐND các tỉnh, thành phố sẽ có thêm căn cứ đẩy mạnh việc ứng dụng công nghệ thông tin, góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động.
Cùng với quy định rõ những tiêu chí lựa chọn nhóm vấn đề chất vấn tại kỳ họp HĐND, trong đó có nhóm vấn đề có dấu hiệu vi phạm các quy định của pháp luật của cử tri (về phòng, chống tham nhũng, việc giải quyết khiếu nại, tố cáo, kiến nghị,…) và các quy định khác của pháp luật, Nghị quyết 594/NQ-UBTVQH15 cũng quy định người bị chất vấn được lựa chọn phù hợp với nhóm vấn đề chất vấn, phải trả lời trực tiếp, đầy đủ vấn đề bị chất vấn, không được ủy quyền cho người khác trả lời thay.
Nghị quyết cũng quy định rất rõ trách nhiệm tham mưu của Văn phòng Đoàn ĐBQH và HĐND tỉnh, Văn phòng HĐND và UBND cấp huyện và bộ phận giúp việc của HĐND cấp xã với rất nhiều công việc. Thường trực HĐND huyện Yên Thế mong muốn Thường trực HĐND tỉnh quan tâm đến nội dung này để Văn phòng HĐND và UBND các huyện, thành phố có điều kiện thực hiện tốt nhiệm vụ của mình.