Nhiệm vụ nhiều, nhân lực ít
Giám sát tại huyện Đại Lộc - địa phương có đầy đủ các loại hình và có đến 12 cơ sở có nguy cơ ô nhiễm môi trường, đại diện lãnh đạo Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện cho biết: hiện tại, Phòng chỉ có 1 chuyên viên tham mưu thực hiện quản lý nhà nước về môi trường, không thể tham mưu đầy đủ các nhiệm vụ thuộc thẩm quyền.
Đối với cấp xã, theo Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 (có hiệu lực từ ngày 1.1.2022), UBND cấp xã có 8 nhóm nhiệm vụ liên quan đến bảo vệ môi trường (BVMT), trong đó có thực hiện thủ tục đăng ký môi trường. Tuy nhiên, công việc này được giao cho công chức địa chính - xây dựng - môi trường nên vừa quá tải về khối lượng công việc, vừa hạn chế về chuyên môn nghiệp vụ cũng là thách thức trong công tác quản lý. Đây cũng là thực trạng chung của một số địa phương khác.
Nhiệm vụ nhiều, nhân lực ít đã ảnh hưởng rất lớn đến hiệu quả công tác quản lý. Cụ thể, công tác kiểm tra, giám sát việc chấp hành pháp luật về BVMT chưa được tiến hành thường xuyên; nhiều địa phương chỉ tiến hành khi có đơn thư phản ánh của người dân để xử lý vi phạm, chưa chủ động kiểm tra để phòng ngừa. Công tác theo dõi, giám sát các cơ sở thực hiện biện pháp khắc phục theo các kết luận, kiến nghị sau thanh tra, kiểm tra chưa chặt chẽ. Tình trạng cơ sở sản xuất đối phó, thực hiện đầy đủ hồ sơ nhưng không thực hiện đúng theo báo cáo đánh giá tác động môi trường (ĐTM) kế hoạch BVMT đã được phê duyệt vẫn còn xảy ra nhưng chưa có biện pháp hữu hiệu để chấn chỉnh, xử lý.
Ngoài thiếu nhân lực, công tác phối hợp giữa các cấp cũng bộc lộ hạn chế. Việc phát hiện, xử lý vi phạm về BVMT giữa cơ quan chuyên môn các cấp cũng chưa kịp thời, thiếu đồng bộ. Mặc dù các cơ sở nằm trên địa bàn quản lý của huyện, xã nhưng khi có phản ánh hoặc sự cố môi trường phải đề nghị cơ quan cấp tỉnh thực hiện do địa phương thiếu các trang thiết bị cần thiết và theo quy định việc lấy mẫu hiện trường phải thông qua đơn vị có chức năng độc lập... dẫn đến việc thiếu kịp thời trong phát hiện và xử lý vi phạm.
Chưa kịp thời phát hiện, xử lý các vi phạm
Công tác quản lý của các địa phương gặp khó có một phần nguyên nhân từ các quy định pháp luật chưa hoàn thiện. Tại huyện Đại Lộc, với đặc thù có nhiều cơ sở chế biến bột cá và có phát sinh đơn phản ánh, kiến nghị của người dân về mùi hôi. Tuy nhiên, công tác kiểm tra, xử lý vi phạm lại gặp khó. Bởi, theo hồ sơ môi trường được phê duyệt thì nguồn nguyên liệu đầu vào của nhà máy chế biến bột cá phải bảo đảm độ tươi nhưng thực tế có trường hợp nguyên liệu bị thối rữa, hư hỏng trở thành nguyên nhân phát sinh mùi hôi nhưng quy định pháp luật hiện tại chưa có quy chuẩn đánh giá độ tươi nguồn nguyên liệu để có cơ sở xử phạt hành chính khi vi phạm…
Quan trắc môi trường giúp kiểm soát vấn đề môi trường. Tuy nhiên, với số lượng điểm quan trắc còn hạn chế, tần suất quan trắc chưa bảo đảm đã khiến hoạt động này chưa phát huy hết hiệu quả. Về số lượng, mặc dù tỉnh đã có quy hoạch nhưng số lượng điểm quan trắc, tần suất quan trắc tại một số nơi chưa bảo đảm yêu cầu nên chưa kịp thời phát hiện, xử lý các vi phạm về môi trường. Bên cạnh đó, việc quan trắc nước thải, khí thải tự động, liên tục và kết nối, truyền số liệu trực tiếp đến các cơ quan chuyên môn về BVMT cấp tỉnh nhưng chưa kết nối hệ thống dữ liệu theo dõi cho cơ quan chuyên môn cấp huyện nơi có cơ sở sản xuất cũng là khó khăn trong công tác phối hợp theo dõi, quản lý.
Về kinh phí, theo phản ánh của các địa phương, khi lượng chất thải rắn, chất thải nguy hại phát sinh ngày càng lớn, yêu cầu xử lý ngày càng cao nhưng định mức kinh phí sự nghiệp môi trường chưa bảo đảm yêu cầu; phí thu gom, xử lý rác thải của các hộ gia đình, cá nhân thu không đạt và chưa có quy định về phân chia (kinh phí thu gom, kinh phí vận chuyển)... cũng khiến các địa phương gặp khó.
Kiện toàn, nâng cao năng lực đội ngũ quản lý
Qua giám sát, các đại biểu HĐND tỉnh đã kiến nghị nhiều giải pháp thực hiện tốt công tác quản lý nhà nước về môi trường. Cụ thể, về nhân sự, trong điều kiện chưa thể bổ sung biên chế như nhu cầu, các địa phương cần có biện pháp kiện toàn, nâng cao năng lực đội ngũ làm công tác quản lý nhà nước về môi trường; xây dựng quy chế phối hợp của các ngành, các cấp để nâng cao khả năng, hiệu quả quản lý, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới.
Song song với kiến nghị Trung ương sửa đổi các quy định pháp luật về quan trắc môi trường, tỉnh cần chỉ đạo rà soát quy hoạch để kịp thời bổ sung các điểm quan trắc, tăng tần suất quan trắc để bảo đảm yêu cầu phát hiện kịp thời các vi phạm về môi trường; đồng thời, nghiên cứu kết nối hệ thống dữ liệu về cơ quan chuyên môn cấp huyện nơi có cơ sở sản xuất để theo dõi, quản lý chặt chẽ.
Bên cạnh đó các cấp, các ngành cần đẩy mạnh tuyên truyền, tập huấn, phổ biến pháp luật về môi trường, tạo chuyển biến về ý thức, trách nhiệm BVMT; yêu cầu cơ sở sản xuất chấp hành nghiêm pháp luật về môi trường, vận động người dân tham gia có trách nhiệm với công tác BVMT; tạo điều kiện thuận lợi để Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức thành viên phối hợp, phản biện, giám sát công tác BVMT; chủ động cung cấp thông tin, phát huy vai trò của báo chí trong BVMT.