Để bảo đảm các quyết sách sớm đi vào cuộc sống, năm 2022, công tác chuẩn bị kỳ họp của HĐND nhiều tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chu đáo, kỹ lưỡng, với sự tham gia của nhiều cơ quan, tổ chức; gửi tài liệu sớm qua các phần mềm điện tử để đại biểu có nhiều thời gian nghiên cứu; các dự thảo nghị quyết được các Ban HĐND thẩm tra kỹ lưỡng, đề nghị HĐND xem xét chưa thông qua tại kỳ họp đối với một số văn bản chưa bảo đảm về cơ sở chính trị, pháp lý, chưa đúng với chủ trương của địa phương hoặc chưa được chuẩn bị chu đáo, bảo đảm theo đúng trình tự, thủ tục…
Gửi tài liệu sớm qua các phần mềm điện tử
Học tập tinh thần làm việc của Quốc hội, các nội dung trình kỳ họp HĐND cấp tỉnh năm 2022 được chuẩn bị với tinh thần chủ động, tích cực, từ sớm, từ xa. Công tác chuẩn bị kỳ họp chu đáo, kỹ lưỡng, với sự tham gia của nhiều cơ quan, tổ chức. Việc gửi tài liệu sớm qua các phần mềm điện tử đến đại biểu HĐND tỉnh giúp đại biểu có nhiều thời gian nghiên cứu kỹ lưỡng, lựa chọn các vấn đề cần thảo luận; đề nghị các Tổ đại biểu, đại biểu HĐND đề xuất các nhóm vấn đề chất vấn, chuẩn bị nội dung chất vấn. Trước kỳ họp, Tổ đại biểu HĐND tỉnh chủ động tổ chức làm việc với chính quyền địa phương tại địa bàn ứng cử để tổng hợp thông tin, phục vụ công tác thảo luận chất vấn; hoặc tổ chức cho các đại biểu HĐND thảo luận theo cụm Tổ đại biểu.
Việc ứng dụng công nghệ thông tin trong tổ chức kỳ họp tiếp tục có nhiều đổi mới và phát huy hiệu quả, có tỉnh như Ninh Thuận, Thái Nguyên… đã thực hiện chuyển đổi số tất cả các hoạt động của HĐND. Nhiều tỉnh, thành phố tiếp tục thực hiện tốt chủ trương“kỳ họp không giấy” hoặc “kỳ họp ít giấy”, cung cấp mã QR-Code để nhân dân, cử tri truy cập theo dõi và đặt câu hỏi trực tiếp tại các phiên chất vấn (TP. Hồ Chí Minh); tổ chức cầu truyền hình trực tuyến với cấp huyện (Trà Vinh đã tổ chức truyền hình trực tuyến tại 2 huyện/kỳ họp các phiên chất vấn và bế mạc kỳ họp).
Chưa thông qua những nội dung chưa chuẩn bị chu đáo
Hoạt động chất vấn tại kỳ họp tiếp tục được đổi mới, thực chất, rõ kết quả, nhất là sau khi Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành Nghị quyết số 594/NQ-UBTVQH15 về Hướng dẫn hoạt động giám sát của HĐND, Thường trực HĐND, ban HĐND, tổ đại biểu HĐND và đại biểu HĐND, làm cơ sở để HĐND xác định tiêu chí lựa chọn nhóm vấn đề chất vấn, người bị chất vấn và tổ chức chất vấn tại kỳ họp HĐND cấp tỉnh.Việc lựa chọn nhóm vấn đề chất vấn tiếp tục được Thường trực HĐND tỉnh và các đại biểu quan tâm. Sau mỗi phiên họp chất vấn, HĐND nhiều tỉnh, thành đã ban hành nghị quyết về chất vấn và trả lời chất vấn. Trong đó, xác định rõ thời gian, tiến độ cụ thể làm cơ sở theo dõi, đôn đốc, tái giám sát việc thực hiện.
Các dự thảo nghị quyết được các Ban HĐND tỉnh thẩm tra kỹ lưỡng. Như HĐND tỉnh Long An trải qua 4 giai đoạn (trước khi đưa vào kế hoạch ban hành nghị quyết, trước khi đưa vào chương trình kỳ họp, trước khi Ban Thường vụ Tỉnh ủy cho ý kiến, trước khi trình HĐND tỉnh tại kỳ họp), xin ý kiến chuyên gia đầu ngành, tham vấn ý kiến nhân dân đối với một số vấn đề khó, quan trọng, phức tạp; nhiều địa phương như HĐND các tỉnh Tiền Giang, Quảng Trị, Quảng Nam, Lạng Sơn, Đồng Tháp… duy trì tốt phương pháp thẩm tra kết hợp giữa xem xét báo cáo với đi khảo sát thực tế địa bàn.
Qua thẩm tra, các Ban HĐND đã đề nghị HĐND cấp tỉnh xem xét chưa thông qua tại kỳ họp đối với một số văn bản chưa bảo đảm về cơ sở chính trị, cơ sở pháp lý, chưa đúng với chủ trương của địa phương hoặc chưa được chuẩn bị chu đáo, bảo đảm theo đúng trình tự, thủ tục. Cụ thể, do UBND gửi chậm và chưa bảo đảm chất lượng của một số tờ trình nên Thường trực HĐND thành phố Hồ Chí Minh đã điều chỉnh nội dung kỳ họp hoặc cho rút ra khỏi chương trình kỳ họp. Tại Kỳ họp thứ 6, HĐND tỉnh Long An, theo báo cáo thẩm tra của Ban Kinh tế và Ngân sách HĐND tỉnh đã thống nhất để lại 5 dự án đề nghị chuyển mục đích sử dụng đất từ đất trồng lúa sang mục đích khác; tại Kỳ họp thứ 8, Ban Kinh tế - Ngân sách đề nghị HĐND tỉnh chưa thông qua nghị quyết về chính sách hỗ trợ bồi thường tái định cư khi nhà nước thu hồi đất trên địa bàn tỉnh.
Công tác điều hành của Chủ tọa kỳ họp tiếp tục được đổi mới theo hướng giảm thời gian đọc báo cáo, tăng thời gian thảo luận, chất vấn, giám sát, gợi ý nội dung có trọng tâm, trọng điểm, làm rõ những vấn đề còn ý kiến khác nhau, tạo sự đồng thuận cao, phát huy tối đa kinh nghiệm và trí tuệ của đại biểu. HĐND cấp tỉnh cũng đã bố trí thời gian hợp lý để các đại biểu HĐND thảo luận, UBND cấp tỉnh và các ngành có thời gian tiếp thu, giải trình làm rõ những nội dung đại biểu đã đặt ra.
Sau kỳ họp, Thường trực HĐND cấp tỉnh đã kịp thời ban hành các văn bản đôn đốc UBND tỉnh và các cơ quan liên quan triển khai thực hiện ý kiến Kết luận của Chủ tọa tại các kỳ họp. UBND cấp tỉnh kịp thời triển khai các nghị quyết ngay sau khi được ban hành và đã phát huy hiệu quả trong thực tiễn. Đơn cử, Thường trực HĐND thành phố Hồ Chí Minh đã thành lập tổ công tác rà soát kết quả thực hiện các nghị quyết của HĐND do chủ tịch HĐND làm tổ trưởng để tăng cường kiểm tra, giám sát việc triển khai thực hiện, bảo đảm nghị quyết được ban hành đi vào cuộc sống; đồng thời, ghi nhận những khó khăn, vướng mắc phát sinh trong quá trình tổ chức thực hiện, góp phần nâng cao hơn nữa hiệu lực, hiệu quả của nghị quyết đã được ban hành, giúp thành phố phát triển hơn nữa.