Bữa cơm muộn. Bát cơm trắng. Khung cửa sổ cũng bắt đầu nhuốm bạc, tuyết rơi…
100 cây số từ TP Lào Cai đến xã đặc biệt khó khăn Y Tý vào những năm trước 2010 hẳn sẽ vô cùng ngạc nhiên với một Y Tý bây giờ. Mới 4 năm thôi nhưng Y Tý đã thay đổi đến 300% như lời của Chủ tịch UBND huyện, Trưởng ban đại diện Ngân hàng Chính sách Xã hội huyện Bát Xát Hoàng Đăng Khoa. Vẫn là một Y Tý với những bản nhỏ đu mình lưng chừng núi, những ngôi nhà thấp thoáng trong mây, vẫn là những cung đường ngoằn ngoèo rồi chìm lấp trong tán lá rừng… nhưng giờ đây chúng không còn lầy lội mà đã được đầu tư hàng nghìn tỷ đồng trải nhựa phẳng lỳ, đưa Y Tý đến gần hơn với thế giới bên ngoài, chấm dứt cảnh người dân phải bám vách núi mà đi bộ ra huyện lị. Con đường ấy đã đưa văn minh và ánh sáng mới tới miền thâm sơn cùng cốc này. Bằng những nhịp cầu văn hóa, những tiến bộ khoa học kỹ thuật và nhất là những đồng vốn vay ưu đãi, đồng bào Y Tý đã dần xóa đi cái đói, giảm bớt cái nghèo và trở thành một điểm đến thân thiện với những đặc sản như mật ong rừng, rượu gạo sim san, thảo quả, đương quy, cá hồi...
Những ngôi nhà trình tường của người Hà Nhì, xã Y Tý trong sương sớm | Ảnh: Thái Bình |
Nói về công việc của mình, chị Nông Thị Sưởng chia sẻ: cái được lớn nhất trong những năm chị tham gia Hội Phụ nữ xã và làm Tổ trưởng tổ vay vốn của Ngân hàng Chính sách Xã hội tại Y Tý đó là nhận thức của đồng bào đã thay đổi. Ngày trước, trồng lúa, ngô chỉ một vụ. Có được vay tiền nếu không mua rượu uống thì cũng chỉ treo gác bếp, đến kỳ lại lấy ra trả… Cứ như vậy, đồng bào Y Tý mặc cho cái đói, cái nghèo, lạc hậu đeo bám từ năm này qua năm khác. Nhưng nay, người dân Y Tý đã biết tăng vụ trồng ngô, lúa, biết dùng đồng vốn ưu đãi của Chính phủ để khai hoang, vỡ đất, trồng cây thảo quả, nuôi cá hồi, nuôi con trâu, con bò, con lợn... nâng cao đời sống gia đình. Đặc biệt nhất là từ những đồng vốn này, người dân ở đây đã quan tâm đến việc cho con, cháu đi học nghề, học đại học với mong muốn thật giản dị: cho chúng nó đi học để nó còn về làm giàu cho Y Tý, để đời nó không khổ như đời mình...
Từng trang ghi chép kết quả cho vay tín dụng năm 2014 của Chủ tịch UBND xã Tráng A Lử rõ ràng tổng dư nợ của Y Tý đạt hơn 6.564 triệu đồng, tăng hơn 2.300 triệu đồng so với năm 2013 với 385 hộ/854 hộ khách hàng đang còn dư nợ; tỷ lệ nợ xấu chỉ chiếm 0,48%, trong đó nợ quá hạn chiếm 0,13%, nợ khoanh là 0,34%... Hãy khoan bàn đến giá trị những con số cũng như hiệu quả của những khoản vay, mà hãy nhìn vào sự dịch chuyển của cả một ý thức mà đồng bào các dân tộc ở đây đã đạt được trong thời gian rất ngắn. Không còn tư tưởng trông chờ ỷ lại vào những đồng tiền, bát gạo cứu đói của Nhà nước, đồng bào Y Tý đã biết tự tăng gia sản xuất, bảo đảm cái ăn cái mặc cho gia đình và quan trọng hơn, họ còn biết tận dụng mọi sự hỗ trợ của Nhà nước để vươn lên làm giàu. Có của ăn của để, bộ mặt xã Y Tý cũng theo đó mà khang trang hơn. Đường đến 16/16 thôn, bản đã được mở rộng; trường học, trạm y tế, các công trình nước sạch, hệ thống kênh mương nội đồng được đầu tư xây dựng. Vụ mùa năm 2014 được đánh giá là bước ngoặt lớn về đổi mới cơ cấu giống lúa lai, toàn xã đã đưa các loại lúa giống mới có năng suất, chất lượng cao vào gieo cấy trên 111ha, chiếm tỷ lệ 100% diện tích; ngoài ra, các hộ dân còn trồng 194ha thảo quả, 40ha xuyên khung, 20ha đương qui, 20ha sơn tra và hàng trăm hécta cây rau màu khác, mang lại thu nhập hàng trăm triệu đồng cho nhiều hộ dân trong xã...
Theo Chủ tịch UBND huyện, Trưởng ban đại diện Ngân hàng Chính sách Xã hội huyện Bát Xát Hoàng Đăng Khoa, một trong những điểm mạnh của hoạt động tín dụng là giảm nghèo cho phần lớn người nông dân, dân tộc thiểu số trong huyện. Vài năm gần đây, số tiền an sinh xã hội mà hệ thống ngân hàng dành cho Bát Xát đã lên tới hàng chục tỷ đồng. Đây là nguồn vốn rất lớn cho giáo dục, y tế của huyện... Ông Khoa cũng muốn ngân hàng tiếp tục duy trì và phát triển hơn nữa các điểm giao dịch ở vùng sâu vùng xa, trước mắt có thể phát triển đến cụm xã, Bát Xát cũng đang nỗ lực kêu gọi sự liên kết giữa các nhà khoa học, doanh nghiệp, Nhà nước và nhằm giảm nhanh đói nghèo, tăng nhanh hộ giàu... Người dân Y Tý thì muốn ngân hàng có thể nâng mức và kéo dài thời hạn cho vay để họ yên tâm đầu tư các dự án sản xuất kinh doanh dài hơi.
Đêm nay, bên lửa hồng, anh nắm tay em… - một câu hát xưa, câu hát bằng tuổi người già Y Tý bây giờ như đang hồng trên đôi má thiếu nữ Mông, Hà Nhì và trong ánh mắt trong veo của con trẻ… Thiên đường du lịch xanh có thể mai đây sẽ xuất hiện ở Bát Xát này. Xuất hiện bởi tấm lòng của người làm tín dụng và bởi nơi bay lên của tuấn mã năm nào.