Hơn 16 năm qua, đã có trên 35 triệu lượt hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác được vay vốn chính sách với tổng doanh số cho vay đạt gần 538 nghìn tỷ đồng, góp phần giúp hơn 5 triệu hộ vượt qua ngưỡng nghèo; thu hút, tạo việc làm cho hơn 3,7 triệu lao động; hơn 3,6 triệu lượt học sinh sinh viên có hoàn cảnh khó khăn được vay vốn học tập; xây dựng trên 12 triệu công trình nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn, gần 700 nghìn căn nhà ở cho hộ nghèo và các đối tượng chính sách…
Có thể nói, nguồn vốn tín dụng chính sách đã góp phần tích cực ổn định trong các cộng đồng dân cư thông qua hoạt động của các tổ tiết kiệm vay vốn, sự tương trợ giúp đỡ lẫn nhau của các tổ viên. Với những kết quả trên, tín dụng chính sách xã hội đã góp phần tích cực và là một trong những điểm sáng trong các chính sách giảm nghèo, thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững và xây dựng nông thôn mới.
Tại các chi nhánh NHCSXH tỉnh và phòng giao dịch huyện, bên cạnh việc thực hiện tốt chủ trương, quy định trong hoạt động tín dụng chính sách, một yếu tố “ngoài chuyên môn” mà mỗi cán bộ NHCSXH phải thường xuyên thực hiện là công tác “dân vận”, việc thực hiện tốt công tác cho vay đã góp phần quan trọng trong việc huy động được sức mạnh của toàn xã hội tham gia vào công tác quản lý, phát huy hiệu quả nguồn vốn tín dụng chính sách và công tác giảm nghèo, bảo đảm an sinh xã hội tại địa phương.
Phó tổng giám đốc Ngân hàng Chính sách xã hội Việt Nam Nguyễn Văn Lý |
Ảnh: Duy Thông |
Về lý thuyết, có thể nói không có chương trình tín dụng nào có tỷ lệ rủi ro về vốn cao như tín dụng chính sách xã hội. Với đối tượng khách hàng đặc thù là hộ nghèo, hộ dân tộc thiểu số có trình độ dân trí chưa cao, ý thức tự vươn lên giảm nghèo còn kém..., khả năng phát triển sản xuất kinh doanh còn hạn chế và nhất là các chương trình cho vay đều không phải thế chấp, những điều đó đồng nghĩa với mức độ rủi ro tín dụng rất cao. Cùng với đó, NHCSXH là ngân hàng hoạt động không vì mục tiêu lợi nhuận, nhưng hiện nay, nợ xấu của NHCSXH khi cho người nghèo và đối tượng chính sách đang ở mức thấp (dưới 1%).
Có được điều đó, bên cạnh việc thực hiện chặt chẽ, tuân thủ nghiêm ngặt quy trình cho vay, mỗi cán bộ NHCSXH còn phải “dân vận” trực tiếp với khách hàng. Cán bộ NHCSXH phải khéo léo, phối hợp tốt với các tổ chức chính trị xã hội và cấp ủy, chính quyền cơ sở từ tổ dân phố đến thôn, buôn, Ban quản lý Tổ tiết kiệm và vay vốn. Bởi đó là “cánh tay nối dài” của NHCSXH trong việc chuyển tải và phát huy nguồn vốn đến tay đối tượng thụ hưởng. Nói một cách văn hoa, cán bộ NHCSXH đã phát huy được vai trò “dân vận của dân vận” để đưa chính quyền địa phương, các tổ chức chính trị xã hội, trưởng thôn, Tổ tiết kiệm và vay vốn vào đồng hành cùng cán bộ NHCSXH trong công tác quản lý nguồn vốn để tuyên truyền, phổ biến, hướng dẫn về thủ tục, quy trình, kể cả lập dự án giúp cho các hội viên vay được vốn và vận động thành viên thực hành tiết kiệm…
Qua thực tế công tác cho thấy, chất lượng tín dụng chính sách đang tiếp tục ổn định và ngày càng được nâng lên. Những kết quả đó đã khẳng định chủ trương đúng đắn của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, sự điều hành của Chính phủ. Mỗi cán bộ NHCSXH đều nhận thức đúng đắn vai trò, trách nhiệm của mình đối với công việc được giao, đối với xã hội và với người nghèo, hộ đồng bào dân tộc thiểu số, các đối tượng chính sách.