35 triệu lượt hộ nghèo được vay vốn
Phó Tổng giám đốc Ngân hàng Chính sách Xã hội (NHCSXH) Việt Nam Nguyễn Văn Lý cho biết, hơn 16 năm qua, đã có trên 35 triệu lượt hộ nghèo và các đối tượng chính sách được vay vốn với tổng doanh số cho vay đạt gần 538.000 tỷ đồng, góp phần giúp hơn 5 triệu hộ vượt qua ngưỡng nghèo; thu hút, tạo việc làm cho hơn 3,7 triệu lao động; hơn 3,6 triệu lượt học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn được vay vốn học tập; xây dựng trên 12 triệu công trình nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn, gần 700 nghìn căn nhà ở cho hộ nghèo và các đối tượng chính sách…
Các đại biểu dự tọa đàm | Ảnh: Duy Thông |
Thông qua vốn tín dụng chính sách, người nghèo và các đối tượng chính sách có điều kiện mua sắm tư liệu sản xuất, tạo sinh kế, việc làm, góp phần nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống; có kinh phí để trang trải các chi phí đáp ứng nhu cầu thiết yếu của cuộc sống như chi phí học tập cho con em, xây nhà ở, công trình nước sạch, vệ sinh môi trường. Từ đó, góp phần hạn chế tình trạng vay nặng lãi hoặc phải mua chịu vật tư, vật liệu, phân bón với giá cao, bán non các sản phẩm cho tư thương với giá thấp.
Phó Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội Bùi Sỹ Lợi cho rằng, nguồn vốn này chính là “bà đỡ” nhằm thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia về giảm nghèo bền vững, góp phần cải thiện và từng bước nâng cao điều kiện sống, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ, toàn diện ở khu vực nông thôn, các vùng nghèo, vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh Điện Biên Lò Thị Luyến cũng khẳng định, nguồn vốn này giúp cho đồng bào phát triển kinh tế cũng như giúp họ phát huy nội lực để vươn lên phát triển kinh tế hộ gia đình, thoát nghèo bền vững.
Với mô hình hoạt động ưu việt, hiệu quả, các chính sách tín dụng ưu đãi của Đảng, Nhà nước đã được truyền tải một cách kịp thời tới các đối tượng thụ hưởng. Điều này góp phần ngăn chặn tệ cho vay nặng lãi ở nông thôn; thay đổi cơ bản nhận thức của người nghèo về ý thức tiết kiệm, tạo lập nguồn vốn tự có và tích lũy cho tương lai, hoàn thành cơ bản Chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo bền vững qua các thời kỳ.
Từ thực tế tại địa phương, Ủy viên chuyên trách Hội đồng Dân tộc Leo Thị Lịch cho biết, từ vốn vay NHCSXH hỗ trợ người dân tiền vốn để mua trâu, chỉ một năm sau người dân bán trâu trả đủ nợ, đủ lãi cho ngân hàng. Như vậy quy trình tín dụng của ngân hàng đã xong, nhưng cái lớn hơn, khó hơn chính là đã giúp cho dân thực hành tiết kiệm, tiết kiệm trong sản xuất, tiết kiệm trong chi tiêu để trả dần nợ cho ngân hàng, nhờ đó sau thời gian con trâu đó trở thành của người dân. Dù khó nhưng đây là biện pháp ổn định, bền vững, đủ năng lực để thực hiện tốt tín dụng chính sách của Nhà nước, tạo bước đột phá trong giảm nghèo.
Cái khó của dân cũng là cái khó của cán bộ
Tín dụng chính sách là kênh tín dụng ưu đãi của Chính phủ đối với người nghèo và các đối tượng chính sách khác. Để đồng vốn tín dụng chính sách phát huy hiệu quả, cần có sự vào cuộc của cấp ủy, chính quyền các cấp, hội, đoàn thể nhận ủy thác và NHCSXH, trong đó, công cụ đắc lực để thực hiện việc chuyển tải tín dụng chính sách đến với người dân, đặc biệt là người dân vùng cao, đồng bào dân tộc thiểu số chính là công tác tuyên truyền, vận động.
Người dân xã Phước Tuy, huyện Cần Đước, tỉnh Long An chuyển đổi mô hình sản xuất từ nguồn vốn của Ngân hàng Chính sách Xã hội |
Nguồn: ITN |
Gần 20 năm làm công tác giám sát, trong đó có 12 năm gắn bó với vai trò đại diện của NHCSXH, Phó Trưởng Đoàn ĐBQH TP Cần Thơ Nguyễn Thanh Xuân cho rằng, cách tốt nhất để hướng dẫn người dân sử dụng nguồn vốn hiệu quả chính là đưa các điển hình tiên tiến trong việc thoát nghèo làm gương cho các hộ khác, nhằm truyền thông về vai trò của đồng vốn chính sách. Để giải quyết những vấn đề thực chất như vay làm gì, làm như thế nào, quản lý làm sao cho hiệu quả đòi hỏi mỗi cán bộ tận lực với công việc được giao, nhận thức được cái khó của dân, xem cái khó của dân chính là cái khó của cán bộ tín dụng chính sách.
Đồng ý kiến, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội Bùi Sỹ Lợi cho rằng, giải pháp quan trọng nhất vẫn chính “giải pháp truyền thống”, đó là sự vào cuộc rất đồng bộ của cả hệ thống chính trị, đặc biệt là cán bộ tín dụng của NHCSXH. Cho vay, giải ngân được là cần thiết nhưng sử dụng nguồn vốn đó như thế nào, nắm bắt được tâm tư nguyện vọng và đề xuất của người nghèo ra sao để giúp họ thoát nghèo bền vững mới quan trọng. Chính công tác dân vận khéo không chỉ giúp cho việc sử dụng hiệu quả nguồn vốn mà còn từng bước làm chuyển biến nhận thức của hộ nghèo để họ chủ động vươn lên, hạn chế tư tưởng trông chờ, ỷ lại vào các chính sách hỗ trợ của Nhà nước.
Không chỉ “dân vận” trực tiếp với khách hàng, theo Phó Tổng Giám đốc NHCSXH Nguyễn Văn Lý, cán bộ NHCSXH cũng phải khéo léo, phối hợp tốt với các hội, đoàn thể và cấp ủy, chính quyền cơ sở, các khu dân cư, tổ dân phố. Bởi đó là “cánh tay nối dài” của NHCSXH trong việc chuyển tải và phát huy nguồn vốn đến tay đối tượng thụ hưởng. Cán bộ NHCSXH đã phát huy được vai trò “dân vận của dân vận” để “kéo” các tổ chức hội đồng hành với cán bộ NHCSXH trong công tác quản lý nguồn vốn; để tuyên truyền, phổ biến, hướng dẫn về thủ tục, quy trình, kể cả lập dự án giúp cho các hội viên vay được vốn và vận động thành viên tiết kiệm.